Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam: Ưu tiên phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp

08/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong Quyết định 1043/QĐ-TTg mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (Chiến lược CNH) đã chỉ rõ 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển vượt bậc bao gồm: Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

6 ngành công nghiệp này sẽ được ưu tiên phát triển thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế; giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Chiến lược CNH được xây dựng nhằm đóng góp vào thực hiện chính sách phát triển công nghiệp tổng thể của Việt Nam; góp phần đẩy nhanh quá trình CNH đến năm 2020 của Việt Nam; đóng góp trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu ngành, phục vụ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược CNH cũng phải tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và của Nhật Bản nói riêng vào Việt Nam.

Định hướng đến năm 2020 của Chiến lược CNH bao gồm: Tăng cường năng lực sản xuất của sáu ngành được lựa chọn nhằm thích ứng với quá trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020. Chuyển đổi các ngành công nghiệp phụ thuộc vào lắp ráp, gia công giản đơn có giá trị gia tăng thấp sang nền công nghiệp sử dụng tối đa đầu vào sản xuất trong nước thuộc thượng nguồn và trung nguồn để tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng dần năng lực cạnh tranh quốc tế; Tạo dựng và mở rộng thị trường cho sản phẩm của sáu ngành ưu tiên; Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sáu ngành ưu tiên gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho các ngành này; Đẩy nhanh việc đưa vào vận hành những dự án lớn đã được phê duyệt trong các lĩnh vực thuộc thượng nguồn (hóa dầu, sản xuất thép, điện lực, gas, năng lượng...) nhằm tăng hiệu quả đầu tư cho sự phát triển lâu dài của các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.

Định hướng giai đoạn 2020 – 2030 của Chiến lược là tăng cường mối liên kết ngành sản xuất sản phẩm cuối cùng với ngành sản xuất đầu vào nguyên liệu, ngành sản xuất đầu vào trung gian và ngành dịch vụ, hình thành cơ cấu công nghiệp nhất quán từ thượng nguồn, trung nguồn tới hạ nguồn.

Ban Chỉ đạo Chiến lược CNH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được thành lập theo Quyết định số 1075/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ./.

Hải Toàn
 

Xem thêm »