Tháng 9/2013, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

08/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 5401/VPCP-KTTH gửi Bộ Công Thương thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 499/BCT-TTTN ngày 26/6/2013 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong tháng 9/2013.

Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP hiện hành, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn, có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.

Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá; Khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được quyết định giá và phương án giá của thương nhân đầu mối, có trách nhiệm giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện trong các trường hợp: Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng; Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá...), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá.

Điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu: Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi bảy phần trăm (≤ 07%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng; Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 07%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá theo điểm a khoản này cộng (+) thêm sáu mươi phần trăm (60%) của mức giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%); bốn mươi phần trăm (40%) còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế  - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

K.Vy
 

 

 

 

Xem thêm »