(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 27/6/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương. Trong phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2013, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, cũng như các Nghị quyết phiên họp của CP.
Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân, trong 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các ngành, lĩnh vực đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng. Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần làm tăng mức tăng trưởng GDP quý II/2013 lên 5%, đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2013 lên 4,9%, tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2013.
Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá giảm nhẹ hoặc tăng thấp
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể (từ tháng 3/2013 tới nay). Cụ thể: CPI tháng 3/2013 giảm 0,19%; tháng 4/2013 tăng 0,02%; tháng 5/2013 giảm 0,06% và tăng 0,05% trong tháng 6/2013. So với tháng 12/2012, CPI tháng 6/2013 tăng 2,4% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm trở lại đây.
Có được kết quả này là do các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái... và do nguồn cung lương thực dồi dào. CPI tăng thấp cũng do mặt bằng giá thế giới giảm; do tổng cầu thấp, sức mua yếu, sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu cũng gây áp lực giảm giá trong nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, diễn biến chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012. Trong 6 tháng cuối năm 2013, vẫn còn có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách và các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng như: điện, xăng, dầu, phân bón... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng NN đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại từ tháng 2/2013 đến nay. Thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng, kinh doanh vàng đang dần ổn định.
6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,5 tỷ USD, chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 35,7 tỷ USD.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, được đánh giá là mức tăng thấp và có thể kiểm soát được.
Tốc độ thu - chi ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ năm 2012 do nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, cùng với việc thực hiện miễn giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT. Tính đến 15/6/2013, tổng thu NSNN ước đạt 324,42 nghìn tỷ đồng (đạt 39,8% dự toán năm); Tổng chi NSNN ước đạt 409,13 nghìn tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán năm.
Tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2013 ước thực hiện đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch.
Mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,9%, bằng xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm 2012 (4,93%), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,7%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%; Dịch vụ tăng 5,92%. Tốc độ tăng GDP quý II/2013 ước đạt 5%, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013. Tuy tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2013 không cao như kỳ vọng, nhưng theo đánh giá của Chính phủ, là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, diễn biến nền kinh tế trong quý II/2013 cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP quý II của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm tăng cao hơn quý I/2013, đưa tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức 8%. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dao động từ 5,2 - 10,7%, cao nhất là Bắc Ninh tăng 10,7% và thấp nhất là Hải Dương tăng 5,2%. Riêng Hà Nội tăng 7,7%; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có mức tăng trưởng GDP có mức dao động trong khoảng 7,1 - 13,6%, cao nhất là Quảng Ngãi tăng 13,6%, thấp nhất là Đà Nẵng tăng 7,1%; Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ có mức tăng trưởng GDP dao động từ 5,27 - 10,7%, trong đó cao nhất là Đồng Nai tăng 10,7% và thấp nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,27%. Riêng TP Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng GDP từ 7,1 - 9,2%, trong đó cao nhất là Kiên Giang tăng 9,2% và thấp nhất là An Giang tăng 7,1%.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến tích cực, tồn kho giảm dần. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2013 tăng 6%, cao hơn mức tăng 4,5% của quý I/2013; Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần. Tại thời điểm 1/6/2013 tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2012, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 1/1/2013.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển với tốc độ tăng giá trị sản xuất của quý II/2013 là 2,2%. 6 tháng đầu năm ước tăng 2,4%. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2012, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 5,92%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ 2012 (5,29%).
Phát triển doanh nghiệp bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX - KD cho doanh nghiệp của Chính phủ đã phát huy được tác dụng, số doanh nghiệp giải thể giảm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng tăng 7,6%, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động trong 6 tháng là khoảng 9,3 nghìn doanh nghiệp.
6 tháng cuối năm 2013: tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; Lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; Dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; Tiến độ thu NSNN không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục khó khăn, thách thức, cụ thể hóa và thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Các chính sách tiền tệ, tài khóa; Những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, tăng tổng cầu nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; Nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; Nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; Nhóm giải pháp về tăng cường công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận và động lực thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội./.
Khánh Vy