Sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
* Xin chúc mừng ông đã được Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, được Quốc hội phê chuẩn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình khi được giao trọng trách mới này cũng như những công việc ưu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính?
- Trước hết, tôi rất cảm ơn Quốc hội đã tin tưởng phê chuẩn tôi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Với tôi, việc nhận nhiệm vụ mới là vinh dự, đồng thời cũng nhận thấy rất rõ trọng trách của mình, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Bản thân phải nỗ lực hết sức cho công việc, trước hết là nắm lại tình hình, rồi làm sao quy tụ anh em trong ngành tài chính trên dưới một lòng vì sự nghiệp chung. Định hướng lớn sẽ là tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Nhu cầu chi tiêu của đất nước trong từng lĩnh vực đều rất lớn, vì vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành tài chính là đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, đồng thời siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.
* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hành động ưu tiên, đặc biệt ở nhiệm vụ cân đối ngân sách năm 2013 trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn như hiện nay?
- Theo tôi, phải nắm chắc tình hình thu - chi ngân sách nhà nước, các giải pháp để tăng thu ngân sách trên cơ sở quy định pháp luật; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu NSNN; xử lý nợ đọng, xử lý các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế; giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.Ví dụ như rà soát để cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, tiết kiệm kinh phí chi cho việc tổ chức hội họp, đi nước ngoài…, đảm bảo các khoản chi trong dự toán được duyệt, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách.
Khi tôi về làm Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chủ trương tiết kiệm tối đa, trước đây họp hành có khi toàn ngành trên cả nước về Hà Nội, nhưng tôi cho triển khai họp trực tuyến. Thậm chí năm vừa rồi khi chúc tết anh em trong ngành tôi cũng sử dụng hệ thống trực tuyến. Chỉ có 30 phút là xong, mọi người đều nhìn thấy mình và mình đều nhìn thấy mọi người. Chứ cứ bay ra bay vào, ô tô đi - về sẽ sinh ra nhiều chuyện lắm. Kinh phí là một phần nhưng còn thời gian cũng tiết kiệm được. Các cuộc hội thảo, họp hành triển khai các chương trình cũng đều thực hiện trực tuyến hết, mà làm quyết liệt. Cho nên năm vừa rồi tiết kiệm được chi, lại có điều kiện chi tiền nghỉ phép cho anh em, có tiền để chi tiền khám chữa bệnh cho anh em theo định mức.
* Ông có vừa nhắc đến nhiệm vụ ở Kiểm toán Nhà nước. Còn nhớ khi ông được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước cách đây gần 2 năm, ông có chia sẻ sẽ công tâm, quyết liệt và sâu sát với công việc. Vậy với ông đâu là những kết quả nổi bật nhất mà ông và tập thể cán bộ ngành kiểm toán đã đạt được trong 2 năm qua?
- Đảng và Nhà nước phân công tôi thực hiện nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước từ tháng 8 năm 2011. Trong gần 2 năm công tác, với truyền thống đoàn kết trong toàn ngành, cá nhân tôi với tinh thần trách nhiệm cao, vì lợi ích tập thể đã cùng với các đồng chí trong Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện khối lượng công việc tương đối lớn, với khát vọng đưa ngành KTNN thực sự là ngành có vị thế cao trong xã hội, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là góp phần vào việc minh bạch, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.
Qua gần 2 năm, chúng tôi đã triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung, giải pháp trong Chiến lược đã được thực hiện sớm hơn và bước đầu nhìn rất rõ hiệu quả của nó. Có thể điểm đến một số kết quả sau:
Thứ nhất, toàn ngành đã quyết tâm đổi mới tư duy trong công tác kiểm toán, quyết liệt chuyển mạnh từ loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, lồng ghép các nội dung kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong quản lý, sử dụng đất đai; khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; các chương trình giảm nghèo...
Thứ hai, toàn ngành tập trung trí tuệ xây dựng đề xuất bổ sung quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp. Kết quả, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra Kỳ họp Quốc hội lần này đã có một điều (Điều 122) quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước, khẳng định được vị thế và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới nhận thức và chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy bị động sang chủ động, cung cấp kịp thời hồ sơ cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý khi phát hiện đối tượng được kiểm toán có dấu hiệu vi phạm phạm luật. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán và phòng, chống tham nhũng thông qua việc ký các quy chế phối hợp, thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước chú trọng tăng cường thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong chính nội bộ hoạt động của ngành.
Thứ tư, thông qua các công việc quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính của Kiểm toán Nhà nước, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành Hệ thống hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán; các quy trình kiểm toán; các đề cương kiểm toán chuyên đề chuyên sâu. Nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính được áp dụng trong hoạt động kiểm toán và đạt được kết quả tốt, được đơn vị kiểm toán đồng tình, đánh giá cao. Nổi bật là sự quyết liệt chỉ đạo lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán vào một đoàn kiểm toán, giảm tối đa các đoàn Kiểm toán Nhà nước trên cùng một địa phương, đơn vị; Tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng hoạt động các đoàn kiểm toán …
Thứ năm, Ban cán sự, Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước và các cấp ủy đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 rất nghiêm túc, thẳng thắn; tăng cường công tác điều động, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đối với đội ngũ công chức, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng theo hướng cầm tay chỉ việc. Kết quả đạt được là tạo sự lan tỏa tích cực, tạo khí thế mới và đạt được hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
(Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học Kiểm toán số 68)