(kiemtoannn.gov.vn) - Từ kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) giai đoạn 2006-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị KTNN tiến hành kiểm toán toàn diện chương trình vốn TPCP. Đề xuất này được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 7/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường (ảnh: Văn phòng QH)
“Mổ xẻ” những bất cập
Kết quả sử dụng vốn TPCP chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư là đánh giá chung được đưa ra tại báo cáo kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư XDCB giai đoạn 2006-2012. Đồng tình với nhận định này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng vốn TPCP thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến lãng phí, thất thoát rất lớn.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2006-2012 đã bố trí vốn TPCP thực hiện 2.682 dự án cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư… với tổng mức đầu tư ban đầu là 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án trên đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 684.794,5 tỷ đồng; đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án. Kết quả giám sát cho thấy, hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp nhiều lần; có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật... mà còn điều chỉnh cả về quy mô.
Theo các đại biểu Quốc hội, việc tăng tổng mức đầu tư quá lớn của các dự án cho thấy sự thiếu kiểm soát chặt chẽ trong sử dụng vốn TPCP. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, bất cập lớn nhất trong việc phân bổ, sử dụng TPCP hiện nay là thiếu tiêu chí cụ thể, khách quan nên việc xem xét, phân bổ nguồn vốn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan, dẫn đến tùy tiện. Việc tăng tổng mức đầu tư thể hiện kỷ cương trong việc xét tổng mức đầu tư không nghiêm và năng lực lập dự án rất yếu, dẫn đến lãng phí. Đại biểu này cũng bày tỏ lo ngại, việc tăng tổng mức đầu tư như vậy có thể làm vỡ nợ công.
Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) và nhiều đại biểu khác cũng đồng tình cho rằng, các văn bản hướng dẫn về tiêu chí để rà soát các hạng mục công trình đầu tư từ nguồn vốn TPCP thiếu cụ thể; thời gian để các Bộ, ngành, đặc biệt các địa phương, rà soát, chuẩn bị dự án đầu tư rất ít. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), công tác chuẩn bị đầu tư có thời gian quá ngắn, gấp gáp nên công tác chuẩn bị đầu tư của các địa phương gần như chỉ mang tính hình thức, sơ bộ, không có thời gian khảo sát thiết kế, thẩm định kỹ thuật kỹ lưỡng. Do vậy, khi dự án được đưa vào danh mục, trong quá trình triển khai mới bắt đầu hoàn chỉnh lại các thiết kế dự toán, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng là tất yếu.
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng, việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006-2012 còn dàn trải nên đã dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế xin - cho; nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn TPCP theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định. Nhiều đại biểu cho rằng, với cơ chế phân cấp như hiện nay, địa phương quyết định phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn danh mục và bố trí vốn hàng năm và T.Ư cấp vốn theo yêu cầu của cấp tỉnh dẫn đến tình trạng chưa công bằng hợp lý giữa các tỉnh, mất cân đối về vốn, dẫn đến tình trạng xin - cho, chạy vốn. “Địa phương thì lập dự án, xin dự án, T.Ư thì lo kinh phí và đi trả nợ. Địa phương coi đó như một khoản trời cho, đương nhiên sẽ dẫn đến dàn trải”- Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nói.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ vốn TPCP
Mặc dù việc sử dụng vốn TPCP thời gian qua còn nhiều hạn chế, gây thất thoát, lãng phí, song đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư các công trình mới thì trong bối cảnh hiện nay cần tiếp tục phát hành TPCP để hoàn thành các công trình, dự án còn dang dở để tránh tình trạng tiếp tục lãng phí nguồn lực đầu tư trước đó, nhất là ưu tiên cho các dự án đang bị cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ tại các địa phương, các tỉnh miền núi... Theo các đại biểu, hàng trăm công trình đang dở dang, đang xuống cấp hàng ngày hàng giờ, nếu không hoàn thiện để đưa vào sử dụng thì cũng là “có tội với nhân dân và tiếp tục lãng phí”.
Nhằm khắc phục những bất cập trong cơ chế phân bổ nguồn vốn TPCP, đa số ý kiến các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa nguồn vốn TPCP vào cân đối NSNN để việc quản lý, sử dụng được chặt chẽ, có cơ sở pháp lý vững chắc và phản ánh đúng bản chất của nguồn vốn này. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tránh thất thoát lãng phí trong việc sử dụng nguồn vốn TPCP; cần thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, quản lý sử dụng vốn TPCP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền. Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Cạn) và một số đại biểu khác đề nghị, KTNN trên cơ sở nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội cần lựa chọn chuyên đề kiểm toán toàn diện và gửi báo cáo kết quả kiểm toán chương trình vốn TPCP làm căn cứ cho đại biểu Quốc hội có thông tin để thảo luận kết quả giám sát chuyên đề tại kỳ họp. “Nếu tại kỳ họp này KTNN có báo cáo kiểm toán về quản lý sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006-2012 thì đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều thông tin, có thể lượng hóa được lãng phí từ sử dụng vốn TPCP”- đại biểu Thanh nhấn mạnh.
Theo kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN cần xem xét bổ sung vào kế hoạch năm 2013 và các năm tiếp theo việc kiểm toán toàn diện chương trình vốn TPCP, trong đó tập trung vào một số dự án, công trình có biểu hiện thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư không cao và các dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao so với phê duyệt ban đầu./.
Theo Báo Kiểm toán số 24/2013