Áp dụng ISSAIs: Cơ hội để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động KTNN

06/06/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs) là công cụ quan trọng nhằm đảm bảo tính thống nhất trong cách thức thực hiện kiểm toán ở khu vực công. Đối với KTNN Việt Nam, việc áp dụng ISSAIs sẽ góp phần thực hiện những mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Nhóm đánh giá việc tuân thủ ISSAIs đã trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán về một số nội dung liên quan.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên

Xin đồng chí vui lòng cho biết một số nét khái quát về vai trò của ISSAIs?
- ISSAIs được công bố và nhận được sự tán thành của tất cả các thành viên INTOSAI vào năm 2010. Hệ thống này nhằm cung cấp cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) một khuôn khổ các chuẩn mực kiểm toán chất lượng cao. INTOSAI đã đặt ra 3 yêu cầu đối với các SAI thành viên: áp dụng ISSAIs như một khuôn khổ tham khảo chung cho kiểm toán khu vực công; đo lường và định hướng hoạt động kiểm toán theo ISSAIs; thực hiện ISSAIs theo chức năng, nhiệm vụ, luật pháp và các quy định hiện hành.

Theo đó, ISSAIs gồm 4 cấp độ. Cấp độ 1: Các nguyên tắc nền tảng, gồm chuẩn mực về nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của các SAI (ISSAI 1- Tuyên bố Lima). Cấp độ 2: Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của các SAI, gồm các chuẩn mực về tính độc lập, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng kiểm toán (từ ISSAI 10-99). Cấp độ 3: Các nguyên tắc kiểm toán căn bản, gồm các chuẩn mực về nguyên tắc kiểm toán trong khu vực công; nguyên tắc kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ (từ ISSAI 100-999). Cấp độ 4: Các hướng dẫn kiểm toán chi tiết theo 3 loại hình kiểm toán chính đã nêu trên và các hướng dẫn khác về kiểm toán các lĩnh vực môi trường, tư nhân hóa, công nghệ thông tin, nợ công và các khoản viện trợ thiên tai… (từ ISSAI 1000-5999).

Việc áp dụng ISSAIs sẽ nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của các SAI, tăng cường năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và hình ảnh của các SAI trong cộng đồng INTOSAI; từ đó, nâng cao chất lượng kiểm toán và tính minh bạch trong khu vực công trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng ISSAIs cũng thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các SAI, trên cơ sở đó không ngừng cập nhật và hoàn thiện ISSAIs.

Đối với Việt Nam, việc áp dụng ISSAIs là cơ hội, điều kiện thuận lợi để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động của KTNN nói chung và hoạt động kiểm toán nói riêng; góp phần giúp KTNN thực hiện những mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý đến phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hóa; từ đa dạng hóa các loại hình kiểm toán đến nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện về năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán cho phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế...

Lộ trình thực hiện ISSAIs của KTNN được xác định từ nay đến năm 2017 và các năm tiếp theo với 4 hoạt động chính: (1) Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ đánh giá việc thực hiện ISSAIs; (2) Tổ chức đánh giá việc thực hiện ISSAIs; (3) Xây dựng Chiến lược thực hiện ISSAIs (Chiến lược) và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược (Kế hoạch); (4) Đánh giá kết quả thực hiện ISSAIs.

Để tăng cường năng lực đánh giá việc tuân thủ ISSAIs, KTNN đã thành lập Nhóm đánh giá việc tuân thủ ISSAI trong kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; trong đó nòng cốt là các hướng dẫn viên đã tham gia các khóa đào tạo trực tuyến về đánh giá việc tuân thủ ISSAI (iCAT) do Ủy ban sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI) tổ chức. Hiện nay, Nhóm đánh giá đang biên dịch tài liệu và đánh giá iCAT cấp độ 2 và cấp độ 4 về 3 loại hình kiểm toán chính đã nêu trên. Việc đánh giá này dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2013, tháng 7 sẽ tổ chức Hội thảo toàn ngành. Nhóm đánh giá sẽ trình lãnh đạo KTNN thông qua kết quả đánh giá iCAT cấp độ 2 và cấp độ 4 vào tháng 8/2013 và gửi kết quả đó tới IDI-ASOSAI (Chương trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược của IDI và ASOSAI) trước tháng 12/2013.

Tiếp đó, Nhóm đánh giá sẽ tham gia khóa học trực tuyến về Sổ tay thực hiện ISSAIs do IDI tổ chức cùng với các hướng dẫn viên; đào tạo về xây dựng Chiến lược và Kế hoạch theo hướng dẫn của IDI-ASOSAI. Trong tháng 2/2014, Nhóm đánh giá sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Chiến lược và Kế hoạch này; hoàn thiện và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt và ký ban hành vào tháng 3 và gửi IDI-ASOSAI vào tháng 4/2014.

Từ năm 2014, KTNN triển khai áp dụng thực hiện ISSAIs trong toàn ngành; đồng thời theo dõi, đánh giá kết quả hàng năm.

Đồng chí có thể nêu những đánh giá ban đầu về khoảng cách giữa thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN so với các yêu cầu tương ứng của ISSAIs?
- Cơ cấu hệ thống chuẩn mực kiểm toán và văn bản hướng dẫn chuyên môn của KTNN hiện nay chưa đồng nhất và tương thích với hệ thống 4 cấp độ của ISSAIs. Hệ thống chuẩn mực KTNN chỉ quy định những nguyên tắc và yêu cầu cơ bản trong hoạt động kiểm toán của KTNN; chưa có các hướng dẫn vận dụng trong các lĩnh vực, chuyên ngành và nội dung kiểm toán để đảm bảo sự thống nhất, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và thực hiện kiểm toán.

Luật KTNN đã quy định về tính độc lập, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế, tính độc lập, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của KTNN còn có những điểm chưa được nhận thức một cách đầy đủ và đảm bảo thực hiện một cách toàn diện; hiệu lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của ISSAIs. KTNN đã banh hành Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước nhưng việc đánh giá và xử lý các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. KTNN đã xây dựng được hệ thống quy định, chính sách trong quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán, cũng như các đơn vị kiểm soát chuyên trách; tuy nhiên, kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN hiện còn hạn chế, bất cập cả về quy định và thực tế vận hành; hiệu lực, hiệu quả kiểm soát chưa cao; KTNN chưa xây dựng Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán cho toàn ngành.

Các quy trình, hướng dẫn kiểm toán của KTNN chưa cụ thể đối với 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động). KTNN đã thực hiện cả 3 loại hình kiểm toán, nhưng do chưa xây dựng được các hướng dẫn kiểm toán chi tiết theo 3 loại hình kiểm toán (ISSAIs cấp độ 4) nên chưa thực hiện từng loại hình kiểm toán một cách độc lập theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Phần lớn các cuộc kiểm toán vẫn là sự kết hợp hoặc lồng ghép cả 3 loại hình kiểm toán; trong đó kiểm toán hoạt động chưa thực sự được chú trọng cả về mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và tiêu chí đánh giá cụ thể.

Trong xây dựng và triển khai thực hiện các phương pháp kiểm toán quan trọng, như: xác định và vận dụng tính trọng yếu kiểm toán, đánh giá rủi ro kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán, thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán còn một số hạn chế. Chưa có các hướng dẫn chi tiết chuẩn mực về phương pháp kiểm toán để thống nhất về nhận thức, cách thức triển khai và áp dụng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán của KTNN, tạo khoảng cách không nhỏ so với các yêu cầu của ISSAIs.

Một số nội dung kiểm toán được quy định trong ISSAIs cấp độ 4 (như: kiểm toán môi trường, công tác cổ phần hóa, công nghệ thông tin, nợ công và các khoản viện trợ khắc phục thiên tai,...) đã được nhiều SAI tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhưng tại KTNN Việt Nam các loại hình này đang trong giai đoạn nghiên cứu, triển khai thí điểm và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Thưa đồng chí, để thực hiện thành công lộ trình hành động của KTNN trong việc triển khai sử dụng bộ công cụ iCAT để đánh giá việc tuân thủ ISSAIs đòi hỏi các thành viên trong Nhóm đánh giá cần phải thực hiện những công việc nào?
- Nhóm đánh giá iCAT được xác định là lực lượng tiên phong và nòng cốt, góp phần quyết định phần lớn thành công của lộ trình này. Giai đoạn đánh giá iCAT (đánh giá việc tuân thủ ISSAIs) còn được gọi là giai đoạn “Đánh giá nhu cầu thực hiện ISSAIs của KTNN” là quan trọng nhất. Nếu việc đánh giá nhu cầu (đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của việc thực hiện ISSAIs) không khách quan, toàn diện và trung thực thì việc xây dựng Chiến lược và Kế hoạch cũng như thực hiện ISSAIs trên thực tế sẽ không đạt hiệu quả. Nói cách khác, kết quả đánh giá càng sát đúng với thực tiễn hoạt động kiểm toán bao nhiêu thì các mục tiêu, giải pháp đặt ra trong Chiến lược và Kế hoạch càng đầy đủ, toàn diện và khả thi bấy nhiêu. Điều này đòi hỏi các thành viên trong Nhóm đánh giá phải vừa có kinh nghiệm chuyên sâu về thực tiễn kiểm toán của KTNN, vừa có khả năng phân tích, tổng hợp đa chiều để đặt hoạt động kiểm toán của KTNN trong mối quan hệ với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuôn khổ quản lý tài chính công; kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ và công chúng đối với hoạt động KTNN và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, Nhóm đánh giá còn cần vận dụng linh hoạt các phương pháp thu thập thông tin, như: quan sát trực tiếp; khảo sát thông qua bảng câu hỏi; phỏng vấn các lãnh đạo Đoàn, Tổ kiểm toán, các kiểm toán viên có kinh nghiệm; làm việc theo nhóm tập trung; nghiên cứu các văn bản hiện hành trong và ngoài ngành cũng như tham khảo hồ sơ kiểm toán để có những tham chiếu cụ thể. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết có thể mời giảng viên về iCAT của IDI tư vấn hoặc trao đổi trực tuyến.

Ngoài ra, Nhóm đánh giá còn có vai trò quan trọng trong việc phổ biến và truyền đạt công cụ iCAT và ISSAIs trong KTNN; tạo năng lực cho KTNN tiếp cận và am hiểu ISSAIs, sử dụng công cụ iCAT để đánh giá việc thực hiện ISSAIs và xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động thực hiện ISSAIs.

Theo đồng chí, KTNN cần làm gì để các đơn vị trong toàn ngành nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc triển khai áp dụng ISSAIs và thực hiện lộ trình này một cách hiệu quả?
- Để các đơn vị và các kiểm toán viên nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc triển khai áp dụng ISSAIs và thực hiện thành công Chiến lược cũng như Kế hoạch hành động, trước hết cần có sự quyết tâm cao của Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo cấp cao của KTNN. Trên cơ sở đó, mọi hoạt động từ khâu đào tạo, đánh giá, xây dựng Chiến lược, Kế hoạch, triển khai áp dụng ISSAIs vào thực tiễn kiểm toán đến các hoạt động theo dõi, đánh giá phải thống nhất và đồng thuận.

KTNN cần xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, quảng bá về việc thực hiện ISSAIs. Kế hoạch này được xây dựng và triển khai thực hiện từ nay đến khi áp dụng thành công ISSAIs vào thực tiễn (phát hành tài liệu, đăng tin bài trên các phương tiện truyền thông của ngành, họp báo, tọa đàm, hội thảo,...).

Đặc biệt là cần tuyên truyền sâu rộng tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các đơn vị được kiểm toán, các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế, xã hội và công chúng. Chính nhận thức và kỳ vọng của các cơ quan ngoài ngành và công chúng đối với việc thực hiện ISSAIs của KTNN sẽ trở thành áp lực đòi hỏi KTNN phải thực hiện ISSAIs triệt để và hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
THUỲ ANH (thực hiện)

Theo Báo Kiểm toán số 23/2013

 

Xem thêm »