Ngày làm việc thứ 11 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII

02/06/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 31/5/2013, tiếp tục các nội dung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận bàn về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hòa giải cơ sở. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì điều khiển nội dung.

Được biết, Dự án Luật Hoà giải ở cơ sở đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII lần này, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hòa giải cơ sở, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh và có thể thông qua được dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5.

Tại phiên thảo luận, đã có 27 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và cả 27 vị đại biểu đã phát biểu ý kiến tại hội trường. Qua thảo luận, các vị đại biểu đã tập trung vào thảo luận các Chính sách của Nhà nước về hòa giải cơ sở; Vai trò quản lý nhà nước; Bổ sung quyền của hòa giải viên; Tập huấn, nâng cao kỹ năng hòa giải; Tổ chức tổ hòa giải ở cơ sở; Kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; Giá trị pháp lý của biên bản hòa giải; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận trong tổ chức hòa giải ở cơ sở…

Về phạm vi hòa giải ở cơ sở, các đại biểu tán thành với quy định theo phương pháp loại trừ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như thuận lợi cho quá trình áp dụng luật trên thực tế. Theo đó, tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở cơ sở đều có thể được hòa giải, loại trừ tội phạm hình sự; hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính; quan hệ hôn nhân trái pháp luật và các giao dịch dân sự xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá), phạm vi hòa giải theo hướng, người dân được làm những gì Nhà nước không cấm là phù hợp với quan điểm xây dựng Nhà nước Pháp quyền của nước ta. Nếu dự thảo luật quy định cứng tội phạm hình sự không được hòa giải có thể làm phức tạp thêm vấn đề không cần thiết trong khi nguyên tắc của hòa giải cơ sở là tự nguyện, tự quản, tự quyết, do đó phải tạo điều kiện để người dân phát huy tinh thần ý thức trách nhiệm đối với các tranh chấp, mâu thuẫn nhằm tăng cường đoàn kết thống nhất tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ nhân dân, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. “Điều này cũng được thể hiện qua báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật hòa giải cơ sở của Bộ Tư pháp, số 121 ngày 09 tháng 7 năm 2012, khảo sát ý kiến của các hòa giải viên năm 2009 cho thấy tỷ lệ hòa giải thành đối với các vụ việc bạo lực gia đình, đánh nhau, xô xát, trộm cắp vặt, cưỡng đoạt thân thể, vi phạm liên quan đến vị thành niên chiếm tới 48,88% trong tổng số các vụ việc hòa giải thành” – Đại biểu đưa ra dẫn chứng cụ thể - “vì vậy, tôi đề nghị bổ sung trường hợp tội phạm khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, là người có nhược điểm về tâm thần, nếu tự thỏa thuận được thì cũng thuộc đối tượng được hòa giải.”

 

Đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng, theo quy định tại Điều 3 sẽ mở rộng phạm vi hòa giải, tạo điều kiện cho các hình thức hòa giải khác phát triển, đồng thời quy định này cũng phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về quan điểm khuyến khích giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, trọng tài. Tuy nhiên, theo như Điều 3, ngoài những quy định trên, tất cả các vụ việc còn lại đều thuộc phạm vi hòa giải là rất lớn, kể cả các mâu thuẫn tranh chấp có giá trị lớn. Như vậy rất nhiều vụ việc sẽ vượt quá khả năng hòa giải ở cơ sở, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về phạm vi hòa giải phù hợp với trình độ, khả năng và điều kiện của hòa giải viên ở cơ sở.
 
Đăng đàn tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn  (Bình Thuận) và nhiều đại biểu khác đều nhất trí lựa chọn phương án “bầu công nhận hòa giải viên ở cơ sở.”. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, hoạt động hòa giải ở cơ sở là hoạt động trên cơ sở tôn trọng sự tự nguyện của các bên, sự hướng dẫn, thuyết phục của hòa giải viên giúp cho các bên được sự thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các vấn đề phát sinh mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư. Hòa giải viên phải là những người có đạo đức, uy tín trong cộng đồng dân cư, có hiểu biết nhất định về pháp luật và tự nguyện làm việc. Với phương án “bầu công nhận hòa giải viên ở cơ sở”, “người dân sẽ được trực tiếp lựa chọn và bầu người mình tin tưởng tín nhiệm, thay mặt cộng đồng dân cư giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở, thông qua việc vận động, thuyết phục và hóa giải những mâu thuẫn, góp phần giữ vững tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời, khi được người dân tin tưởng bầu chọn, được cộng đồng dân cư thừa nhận thì tư cách địa vị pháp lý của hòa giải viên sẽ được nâng lên hoạt động hòa giải sẽ có sức thuyết phục hơn.” – đại biểu Đỗ Ngọc Niễn giải thích.

Cũng đồng tình với phương án bầu hoà giải viên, song đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) bày tỏ sự băn khoăn về việc quy định quá đơn giản như dự thảo về bầu hòa giải viên tại Điều 7 với quy định: hòa giải viên được trên 50% số người dự họp đồng ý mà không quy định tỷ lệ số lượng bắt buộc các hộ gia đình tham gia cuộc họp. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cần quy định về tỷ lệ hộ gia đình cần tham gia cuộc họp. Có thể quy định tỷ lệ cứng, ít nhất là một phần hai tổng số hộ phải tham gia họp hoặc mềm dẻo hơn, có thể quy định tỷ lệ theo số hộ. “Ví dụ, dưới 100 hộ thì có thể quy định tỷ lệ 1/2, nếu cao hơn, chúng ta có thể quy định theo cách lũy tiến như tính thuế. Linh hoạt hơn nữa, có thể quy định: trong những trường hợp không đủ số người tham dự có thể gửi phiếu xin ý kiến về hộ gia đình”.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) tán thành với tiêu chuẩn hòa giải viên phải là người có phẩm chất đạo đức, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật và tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải. Tuy nhiên, cần xác định và coi tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật là tiêu chuẩn mang tính linh hoạt, không cứng nhắc vì không phải nơi nào ở cộng đồng dân cư cũng có thể tìm được đủ số người theo tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật để tham gia làm hòa giải viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo. Theo quy định của pháp luật, sau khi được bầu và công nhận hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở.

Nói về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, trong dự thảo Luật vẫn chưa rõ nét với các quy định còn chung chung, chưa thể hiện được vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là sự phối hợp với các tổ chức khác trong quá trình thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỵ cho biết, thực tiễn, qua tổng kết 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy,  80% số vụ hòa giải thành đều có sự đóng góp rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hiện tại hầu hết ở tổ, khu phố có đầy đủ các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, đây là những tổ chức gần gũi có tầm ảnh hưởng sâu rộng và chi phối nhiều mặt cuộc sống của cộng đồng dân cư, quy tụ một lực lượng đông đảo các thành viên, thành phần xã hội tham gia. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết là do các bên nghe lời hoặc nể những người đứng ra hòa giải mà người đó có thể chỉ là tổ trưởng hay hội viên nòng cốt của tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn hay một người dân bình thường, một người quen biết hoặc các bên tranh chấp mà không cần đến hòa giải viên hay tổ hòa giải.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỵ đã đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo luật nhằm giúp các bên tham gia hòa giải tranh chấp có hiệu quả hơn, nhất là cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với các bên tham gia hòa giải. Trên cơ sở đó cần quy định mở rộng đối tượng hòa giải viên như: bổ sung các hội đoàn thể, cũng được phép thành lập các tổ hòa giải, điều này phù hợp với quan điểm tăng cường xã hội hóa và chú trọng yếu tố tự nguyện, tự quản, tự quyết định của nhân dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật tiếp công dân và Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật./.

Hải Minh 
Ảnh : nguồn Internet

Xem thêm »