Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 5/2013

30/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 26/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Người phát ngôn của Chính phủ điểm lại các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013 diễn ra hôm nay, 26/5, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các định hướng điều hành trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Tình hình kinh tế-xã hội diễn biến đúng như dự kiến điều hành, bám sát mục tiêu Trung ương và Quốc hội đề ra cho năm 2013 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý.

Qua từng tháng cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhích lên, chỉ số giá tiêu dùng thấp xuống. Việc triển khai tái cơ cấu kinh tế có kết quả ở một số mặt. Bảo đảm an sinh xã hội vẫn được tăng cường trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, số người chết vì tai nạn giao thông tăng.

Về định hướng điều hành trong thời gian tới, Chính phủ kiên định mục tiêu lớn đã đề ra đầu năm. Các chính sách, chủ trương đã được ban hành, vấn đề bây giờ là việc tổ chức thực hiện. Hiện nay, một số chính sách lớn chậm được triển khai.

Trong tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã giải quyết được nhiều vấn đề. Tình hình kinh tế vĩ mô đã tốt lên như chỉ số hàng tồn kho giảm rõ rệt (tiêu thụ xi măng tăng hơn 18%, giải ngân ODA tăng rất tốt so với năm ngoái, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối vượt 12 tuần nhập khẩu…). Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, cần nhìn nhận thực tế nền kinh tế còn khó khăn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất.

Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp chia sẻ quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đồng lòng ra sức thi đua sản xuất và triệt để tiết kiệm.

PV Thanh Tùng, Báo Vietnam Investment Review: Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nguy cơ thiểu phát đã hiện hữu, khi mức tổng cầu xuống rất thấp, vậy Chính phủ có lo về vấn đề này không và chính sách cụ thể như thế nào để tăng tổng cầu cho nền kinh tế?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chính phủ đương nhiên là lo, lạm phát cũng lo, thiểu phát cũng lo, và như nhiều lần tôi đã nói với các bạn, lạm phát như sốt nóng, thiểu phát như sốt rét, còn nguy hiểm hơn. Có ý kiến cho rằng nguy cơ thiểu phát hiện hữu đã được phân tích kỹ, và nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ tái lạm phát vẫn hiện hữu, và không được chủ quan, bằng việc giảm CPI, dù rất nhỏ trong 2 tháng vừa rồi. Nhưng nếu nhớ lại năm ngoái khi CPI giảm mạnh hơn, chúng ta đã lo ngại sẽ có thiểu phát và thậm chí có ý kiến suy diễn rằng sẽ có suy thoái kép nhưng sau đó, 1 tháng sau đã thấy nguy cơ lạm phát rõ ràng hơn.

Tôi xin nhắc lại Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý.

PV Văn Thành, Báo Tuổi trẻ TPHCM: Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, sáng nay, Chính phủ họp, sẽ bàn về các giải pháp kinh tế, trong đó có giải pháp mạnh hơn để nâng tổng cầu, có khả năng thêm nguồn hỗ trợ như xin Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu đầu tư.  Dự án mở rộng Quốc lộ 1 thì chỉ có một phần vốn là theo hình thức BOT, còn 2/3 là dự kiến dùng vốn ngân sách, nhưng dùng vốn ngân sách thì lại phải xin Quốc hội cho phát hành trái phiếu, liên quan nhiều tới trần nợ công. Ý kiến của Chính phủ về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Như Phó Thủ tướng đã nói, chúng ta có một số công trình rất quan trọng, trong đó có Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên. Công trình Quốc lộ 1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, coi đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nhiệm kỳ. Đường Hồ Chí Minh khu vực đi qua Tây Nguyên, cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, vì Tây Nguyên là địa bàn về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh cần đẩy mạnh phát triển, nên hạ tầng phải đi trước. Khác các vùng khác, Tây Nguyên chưa có đường sắt, có một số sân bay nhỏ, để phát triển thì cần tập trung đầu tư giao thông. Yêu cầu đầu tư 2 công trình này là rất cấp bách.

Nhân dân, cả nước và kể cả nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có giải pháp để đầu tư, hoàn thành sớm nhiều công trình giao thông, trong đó có 2 tuyến đường trên.

Câu hỏi đặt ra là làm như thế nào? Đương nhiên theo chủ trương chung, tỷ trọng đầu tư trong tổng thu ngân sách  của chúng ta đã giảm dần. Như chúng ta đã biết, đến năm nay, theo như Quốc hội đã thông qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng ngân sách giảm xuống chưa đầy 19% (những năm trước, tỷ lệ này vào khoảng 30-40%).

Chúng ta phải tăng cường kêu gọi xã hội hóa, nhưng xã hội hóa làm đường giao thông, nói một cách nôm na là “bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ”, bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để làm đường nhưng thu lại chủ yếu bằng phí giao thông mà người tham gia giao thông trả, đều là nhận tiền lẻ. Muốn hoàn vốn phải có nhiều xe đi qua, hoặc nếu không nhiều xe thì mức phí thu trên mỗi xe phải cao, điều này phụ thuộc vào trình độ phát triển chung của cả nền kinh tế.

Vì vậy, Quốc lộ 1A là đường xương sống dọc đất nước với gần 2.000 km, do vậy không phải đoạn nào cũng có nhiều xe đi để thuyết phục nhà đầu tư đầu tư thu phí.

Tôi xin nói thêm, với định hướng của chúng ta và phù hợp với trình độ phát triển, chúng ta không thể nâng phí giao thông quá cao, do vậy một số đoạn có thể kêu gọi nhà đầu tư, hoặc xây dựng-khai thác-chuyển giao hoặc công-tư cùng làm. Vẫn có một số đoạn không kêu gọi được nhà đầu tư, chúng ta buộc phải dùng ngân sách. Về việc dùng ngân sách, Quốc hội cũng đặt ra chỉ số bội chi (không quá 4,8%). Từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội  xin phương án phát hành trái phiếu để làm Quốc lộ 1. Đây là tuyến đường dài, có từng đoạn xen kẽ, có đoạn sử dụng vốn ngân sách hoặc có đoạn thu hút được vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác… Đây là 1 con đường chứ không phải 1 dự án mà có nhiều dự án cùng làm.

Từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã bàn, thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, được Chính phủ bảo lãnh thực chất là nợ công, nghĩa là khoản tiền này được Quốc hội thông qua về mặt nguyên tắc để tính vào nợ công chung.

Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, Bộ Giao thông vận tải, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện đúng và nghiêm túc theo Nghị quyết của Quốc hội, đã tiến hành các công việc chuẩn bị để phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Nhưng khi tính toán, thời điểm này rất khó khăn với doanh nghiệp và khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cộng với lãi suất ngân hàng hiện hữu, chi phí phát hành sau cùng tính vào chi phí làm đường sẽ rất cao. Do vậy, Chính phủ từ kỳ họp tháng 4 đã bàn và kỳ họp này, như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí, sáng nay, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ trưởng liên quan đề xuất và đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng Quốc lộ 1A, thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên.

Tôi xin báo cáo thêm, nhiều Bộ trưởng sau khi tiếp thu ý kiến từ nhân dân, cử tri cũng báo cáo Chính phủ rằng bên cạnh 2 công trình giao thông đó, còn nhiều dự án đặc biệt bức xúc, đặc biệt quan trọng và nhân dân hết sức quan tâm như một số dự án thủy lợi, một số bệnh viện lớn.

Như tôi đã nói, Chính phủ cũng đang xem xét để trong “cái khó ló cái khôn”, bằng nhiều nguồn vốn để làm thêm một số công trình, không chỉ hoàn thiện hạ tầng cơ bản của đất nước, mà còn đáp ứng yêu cầu rất bức xúc của xã hội, ví dụ như một số bệnh viện lớn, làm sao giảm tải bệnh viện lớn, đặc biệt bệnh viện chuyên khoa ở Trung ương.  Hay chuyện hồ thủy lợi, thủy điện, giải quyết vấn đề tưới tiêu cho nhân dân, kết hợp với giải quyết vấn đề nước để phát triển công nghiệp.

PV Văn Thành, Báo Tuổi trẻ TPHCM: Giá trái phiếu Chính phủ trình Quốc hội liên quan đến dự án QL1 là bao nhiêu tiền?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Năm 2012, Chính phủ đã trình. Số tiền lúc đó trình lên vào khoảng trên 57.000 tỷ đồng, gần 58.000 tỷ đồng.

PV Mạnh Quân, Báo Sài Gòn Tiếp thị: Vừa rồi Thủ tướng có ý kiến về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Xin cho biết Thủ tướng chỉ đạo xử lý sau kết luận thanh tra như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Việc thanh tra tập đoàn được tiến hành theo quy định của pháp luật. Hằng năm, Thanh tra thường tổ chức vài chục cuộc thanh tra. Các cuộc thanh tra, về thời hạn, điều kiện thủ tục, được tiến hành đúng quy định theo luật.

Tuy nhiên, trên thực tế trong những năm vừa qua, có những cuộc thanh tra tiến hành rất nhanh, trong vòng một vài tháng nhưng cũng có những cuộc thanh tra mang tính phức tạp nên phải kéo dài cả năm.

Việc thanh tra hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, trình lên Thủ tướng sau đó Thủ tướng xem xét trên góc độ tổng hợp ý kiến của bộ, ngành liên quan, có đồng ý với kết luận thanh tra hay không, đồng ý ở điểm nào, không đồng ý ở điểm nào, thì sau đó Thanh tra phải làm rõ trước khi hoàn thành kết luận thanh tra chính thức.

Theo quy định của pháp luật, khi nào kết luận thanh tra chính thức được thông qua thì Thanh tra có trách nhiệm tổ chức thông báo tới công luận, trừ những điểm liên quan đến bí mật Nhà nước. Nhà nước có quy định về bí mật Nhà nước và cái nào là bí mật Nhà nước thì không công khai, còn tinh thần là kết quả thanh tra phải công khai, minh bạch. Điều này Thanh tra Chính phủ chắc chắn sẽ ghi nhận ý kiến của báo chí. Ngay sau khi hoàn thành kết luận thanh tra theo đúng quy định sẽ công khai cho công luận.

PV Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TPHCM: Ngày mai, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trước đó, các nhánh quyền lực cũng đã thảo luận, lấy ý kiến nhân dân và tổ chức lấy ý kiến trong nhánh của mình, sau đó có những kiến nghị. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới nhất tại Chương về Chính phủ không có điều chỉnh gì so với Dự thảo trước đây và cũng không thấy nội dung kiến nghị. Vậy quan điểm của Chính phủ về những nội dung kiến nghị sửa đổi Hiến pháp thế nào? Có cách thức nào đó để thuyết phục Quốc hội về vấn đề này?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Thực hiện ý kiến của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành rất nghiêm túc việc tổng kết Hiến pháp 1992 và góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp. Chính phủ đã góp ý toàn diện tất cả các nội dung, đương nhiên trong đó nội dung liên quan đến tổ chức Chính phủ được Chính phủ thảo luận kỹ hơn. Đối với những vấn đề mới, Chính phủ tiến hành tổ chức lấy ý kiến từ dưới và thảo luận nhiều lần. Những ý kiến của Chính phủ đều là những ý kiến đã gửi Quốc hội.

Chính phủ đã bỏ phiếu biểu quyết từng điều một về bản ý kiến của mình. Bản ý kiến của Chính phủ tổng hợp các ý kiến từ dưới trình lên, cộng với kết quả bỏ phiếu trong Chính phủ về từng vấn đề. Đương nhiên, quan điểm của Chính phủ khi đã được bàn bạc, Chính phủ sẽ thống nhất, biểu quyết tập thể theo đúng nguyên tắc. Nếu Chính phủ có thay đổi quan điểm nào cũng phải lấy ý kiến lại. Cho đến giờ phút này, Chính phủ chưa có cuộc thảo luận nào để xem xét ý kiến của mình có thay đổi không.

PV Bích Diệp, Báo Dân Trí: Liên quan đến cổ phần hóa DNNN, hiện Chính phủ muốn thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trọng điểm là các tập đoàn, tổng công ty lớn nhưng tiến  trình này thực hiện rất chậm và có 76 DNNN xin lùi cổ phần hóa sau năm 2015. Trong phiên họp vừa rồi, Chính phủ có thảo luận về vấn đề này hay không, kết quả như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Như tôi đã nói ban đầu, việc tái cơ cấu có lộ trình chung. Một số doanh nghiệp xin lùi thời hạn tái cơ cấu có lý do là trong lúc tình hình kinh tế và hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nếu vội vàng áp tiến độ như đã tính toán trước đây thì sẽ dẫn đến tình trạng giá bán ra bị thua thiệt. Vì thế cổ phần hóa ngoài mục tiêu đổi mới doanh nghiệp thì còn có mục tiêu rất quan trọng là không để thất thoát tài sản của Nhà nước. Nên Chính phủ chỉ đạo tinh thần chung là hết sức khẩn trương, nhưng chặt chẽ, không quá nóng vội để vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu nhưng không để thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ngược lại cũng có một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp mặc dù thị trường khó khăn nhưng cần thiết phải bán, nếu bán ngay thì không được giá nhưng càng để càng mất giá, nên dù bán bây giờ có lỗ thì lỗ ít còn hơn lỗ nhiều. Qua đó thấy rằng làm việc này phải hết sức linh hoạt, chứ không áp đặt cứng nhắc, đồng loạt giữa tất cả các doanh nghiệp. Tinh thần chung của Chính phủ là khẩn trương.

PV Nhật Minh, Báo VnExpress: Dư luận những ngày gần đây quan tâm tới việc mất điện ở 22 tỉnh miền Nam. Mặc dù ngành điện đã giải thích nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa thuyết phục. Được biết, vừa rồi Chính phủ đã yêu cầu EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) có báo cáo về việc này, Chính phủ đã nhận được báo cáo của EVN chưa? Chính phủ cũng như Bộ Công Thương nhận định thế nào về sự kiện này và có giải pháp gì để phòng những trường hợp tương tự như thế?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi xin nói thêm thông tin để các bạn biết, không chỉ 22 tỉnh, thành miền Nam mất điện mà ở Campuchia cũng bị mất theo. Ngay khi sự cố xảy ra, Chính phủ cũng nhận được ý kiến từ phía Campuchia là thủ đô Phnom Penh mất điện, không biết có vấn đề gì không. Chúng ta đã giải thích rằng 22 tỉnh, thành của Việt Nam cũng mất điện. Tôi nói thêm để các bạn thấy tầm quan trọng của việc này.

Đúng như bạn nói, đây là sự cố từ trước tới giờ chưa có, các đồng chí ngành điện dùng thuật ngữ là “rã lưới”, để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội.

Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời đương nhiên sau mỗi sự cố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, trong trường hợp này là Bộ Công Thương, báo cáo. Bộ Công Thương đã có báo cáo. Đây cũng là một nội dung được đề cập trong phiên họp sáng nay của Chính phủ.

Đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Chúng ta đã có Luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp.

Trường hợp này quy định đã có rồi, vậy thì trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang này đã nghiêm túc chưa. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc.

Thứ hai, cũng yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.

Ở đây có đại diện của Bộ Công Thương, lát nữa sẽ nói kỹ hơn các yếu tố kỹ thuật. Còn tôi nói nôm na là ngoài lý do mang tính sự cố, cũng còn lý do mang tính kỹ thuật là đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt, các đầu nối dẫn vào hệ thống 500kV còn ít. Nếu đúng ra, với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, chúng ta phải có nhiều đầu dẫn vào hệ thông, có nghĩa là, tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đầu dẫn nối vào đường dây 500kV, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.

Xin thông báo với các bạn, không phải chúng ta chưa lường được mà trong quy hoạch điện được duyệt đã tính hết các công trình này. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương và ngành điện tích cực tìm các nguồn vốn đầu tư nhanh, bởi nếu không đầu tư nhanh, kịp thời, đất nước thiếu điện thì công nghiệp không phát triển. Điện như thức ăn của công nghiệp.

Tôi xin nói thêm với các bạn, chúng ta đã bàn nhiều về giá điện. Chính phủ kiên trì lộ trình  điều hành giá điện từng bước tiến tới thị trường. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về giá cho công nghiệp và cho đời sống của nhân dân, còn yêu cầu rất quan trọng nữa là  phải có mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó, theo đúng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng là tạo sự hấp dẫn để huy động được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư không chỉ phát triển nguồn điện mà kể cả các công trình cần thiết trong mạng lưới điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã trả lời rất đầy đủ. Tôi chỉ muốn nói thêm một chút về vấn đề này.

Qua sự cố vừa rồi, điều đầu tiên chúng tôi có thể thấy được là tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Sự cố tương tự không chỉ duy nhất xảy ra ở nước ta mà cũng đã xảy ra ở một số nước phát triển hơn nước ta rất nhiều. Bộ Công Thương cùng EVN đã có báo cáo sơ bộ lên Chính phủ. Đồng thời Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện nguyên nhân, tình trạng, cách khắc phục để đưa ra những biện pháp trong thời gian tới như thế nào. Chúng tôi sẽ hoàn thành báo cáo sớm để trình lên Chính phủ. Chúng tôi rút ra một số vấn đề sau:

1. Quá trình xử lý sự cố là tương đối tốt, sau 2 tiếng đồng hồ đã khôi phục điện lưới, sau 5 tiếng đồng hồ TPHCM đã được cấp điện và sau 8 tiếng đồng hồ toàn bộ các tỉnh đã được cấp điện trở lại.

2. Chắc chắn như Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã nói, chúng ta sẽ phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam. Vì hiện nay, khu vực phía Nam có nhu cầu về tiêu dùng điện cao hơn.

3. Tập trung đẩy nhanh triển khai một số công trình đường dây 500kV đã được phê duyệt. Hiện nay, chúng tôi có một số khó khăn và địa phương cũng chưa nhiệt tình trong việc dành đất để triển khai những công trình đường dây 500kV. Tất nhiên chúng tôi hiểu địa phương cũng có khó khăn trong việc thu hồi đất nhưng dù sao công trình đã nằm trong quy hoạch được phê duyệt nên các địa phương cũng cần ủng hộ để chúng tôi thực hiện.

4. Tăng cường trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện. Chúng ta biết là có hàng chục nghìn km đường dây nên lực lượng của EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Trong Nghị định 106/2005/NĐ-CP đã nêu rõ trách nhiệm của các địa phương. Chúng tôi nghĩ chắc chắn các địa phương cũng phải vào cuộc và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân. Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.

PV Việt Anh, Báo Gia đình và Xã hội: Tôi xin hỏi về tình hình giải cứu các con tàu của Vinashinlines và các thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài. Hiện giờ, Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ GTVT, Vinalines, Vinashinlines chưa? Việc thực hiện gói 200 tỷ đồng để giải cứu các thành viên được thực hiện đến đâu? Ngoài ra, một vấn đề nữa tôi được biết tình trạng sức khỏe của các thuyền viên đang rất nguy hiểm, trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo như thế nào để đẩy nhanh việc giải cứu các thuyền viên?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Trong câu hỏi của bạn đã có câu trả lời rồi. Nếu Chính phủ không chỉ đạo và không có báo cáo thì đã không có 200 tỷ đồng để giải quyết vấn đề này. Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể, kể cả cho cơ chế về tài chính để các bộ, ngành liên quan xử lý trên tinh thần đưa tàu thuyền và đặc biệt là đưa thủy thủ về nước an toàn.

Về giải ngân, còn liên quan đến một số bộ nhưng cơ bản những khó khăn đó đã được các bộ bàn tới. Bộ GTVT đang tiến hành chỉ đạo các doanh nghiệp có liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Tôi thấy, nhà báo dùng những từ “giải cứu”, “nguy hiểm đến tính mạng” cho nên đại diện Bộ GTVT ở đây sẽ trả lời, cung cấp thêm thông tin chính xác, chính thức để báo chí tuyên truyền đúng, tránh gây hoang mang dư luận. Nếu Bộ, ngành không chủ động cung cấp thông tin thì báo chí rất khó để tuyên truyền.

PV Vũ Lan, Báo Đất Việt: Trong phiên họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu có bày tỏ băn khoăn về báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ bình yên quá, có nghi ngờ về số liệu trong báo cáo Chính phủ đưa ra có mâu thuẫn. Vậy những số liệu có đáng tin cậy hay không?

Mới đây Bộ Công an đưa ra khả năng Tết này có thể được đốt pháo hoa, trong đó đề cập đến vấn đề sửa nghị định và sửa luật hay không, và sẽ sửa như thế nào?

Bộ trưỏng Vũ Đức Đam: Như các bạn đã biết, báo cáo ra Quốc hội, Trung ương Đảng, báo cáo ra Chính phủ, đều tuân theo quy trình chặt chẽ, số liệu báo cáo phần nhiều lấy từ hệ thống thống kê Nhà nước, được lấy, phân tích theo quy định của luật, văn bản dưới luật rất chặt chẽ. Tôi nói phần lớn vì trong báo cáo điều hành hằng tháng của Chính phủ cũng có một số số liệu không phải lấy từ hệ thống thống kê Nhà nước, mà cũng có một số số liệu mang tính điều hành. Nhưng về cơ bản các số liệu khi báo cáo ra Quốc hội, Trung ương, Chính phủ đều được xem xét thận trọng, và dựa trên báo cáo của các bộ, ngành, và được quy định bởi các văn bản pháp luật chặt chẽ.

Số liệu đó có đáng tin cậy hay không, có mâu thuẫn hay không thì khi các ý kiến phân tích (nếu có) chỉ ra, Chính phủ hết sức cầu thị, xin tiếp thu và sẽ xem xét tại sao có những số liệu không đủ cơ sở, mâu thuẫn nhau, nếu do công tác thống kê còn có vấn đề gì thì sẽ chấn chỉnh.

Tôi cũng xin nói thêm đây là một việc làm rất thường xuyên và Chính phủ rất chú trọng. Trong buổi họp báo cách đây mấy tháng, tôi có thông báo là lần đầu tiên, sau khi Chính phủ thảo luận rất sôi nổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận trước Chính phủ là sẽ có số liệu thống kê chính xác về tình hình doanh nghiệp. Sau đó mấy tháng, ngành kế hoạch đã có số liệu chi tiết đến từng doanh nghiệp. Điều đó cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề thông tin, số liệu, điều hành mà không nắm được số liệu thật thì có khi chính sách không trúng.

Tôi xin khẳng định Chính phủ không bao giờ không trung thực khi báo cáo với Quốc hội. Chính phủ nhìn nhận nghiêm khắc những khuyết điểm, yếu kém để rút kinh nghiệm, để làm tốt hơn. Chính phủ nhìn vào những kết quả không phải để tô hồng, không phải để tự thỏa mãn mà luôn nhìn nhận còn rất nhiều khó khăn, và yêu cầu phải cố gắng hơn. Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu những ý kiến, không chỉ về số liệu thống kê, mà về tất cả những hạn chế, kể cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ để rút kinh nghiệm.

Vấn đề thứ hai, việc cấm đốt pháo được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, nếu thay đổi chủ trương thì cũng phải sửa văn bản quy phạm pháp luật ở mức độ tương ứng, cái nào quy định bằng luật thì sửa luật, cái nào quy định bằng nghị định thì sửa bằng nghị định. Ý kiến của bạn đề cập chắc được đề xuất bởi một cơ quan chức năng thì Chính phủ sẽ xem xét, còn việc sửa luật không chỉ là ý muốn của Chính phủ mà còn căn cứ vào chương trình làm luật của Quốc hội, được Quốc hội bàn và thông qua.

PV Tố Như, Báo Nông nghiệp Việt Nam: Như thông tin mới nhất tôi biết hôm qua liên quan tới câu chuyện các doanh nghiệp đến thời điểm trả, thanh toán tiền nợ của các ngân hàng. Chúng tôi được biết hiện có một số doanh nghiệp đang càng ngày lâm vào tình trạng nguy cơ phá sản cao. Kể cả các doanh nghiệp có vốn đến trăm tỷ đồng cũng có nhiều nguy cơ.

Đối với ngân hàng thương mại hay cổ phần hóa, hình thức siết nợ doanh nghiệp, như trong 1 doanh nghiệp có nhiều công ty con và họ mang một công ty ra để thế chấp ngân hàng vay tiền. Vậy ngân hàng khi siết nợ có được quyền lấy công ty không? Và tình trạng này dẫn đến nhiều sản phẩm bị ngân hàng thu, nên doanh nghiệp ngày càng không có đầu ra để hoạt động để trả lãi cho ngân hàng mối nợ cũ. Chính phủ có ý kiến gì về câu chuyện này?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Như chúng ta biết, khi 1 doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng là phải dựa trên cơ sở hợp đồng. Hợp đồng đó được quy định chặt chẽ bởi pháp luật, không chỉ Luật các tổ chức tín dụng mà còn nhiều luật khác. Khế ước đó là khế ước dân sự giữa 2 bên ký kết.

Khi cho vay theo hợp đồng, nghĩa vụ của người cho vay và nghĩa vụ của người được vay khi  trả nợ cũng phải quy định theo hợp đồng.

PV Quang Chính, Báo Lao động: Trong báo cáo của Bộ KHĐT đưa ra 5 tháng vừa qua có đến 182.300 người thất nghiệp, như vậy tỷ lệ thiếu việc làm và không có việc làm tương đối cao. Điều này cho thấy tình hình doanh nghiệp hết sức khó khăn. Xin hỏi Bộ trưởng từ giờ đến cuối năm Chính phủ có biện pháp nào để giải quyết việc làm cho người lao động?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Như tôi nói ban đầu, Chính phủ nhìn nhận tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn, mặc dù chúng ta thấy số lượng thống kê, các chỉ số vĩ mô đều tốt hơn, tốc độ tăng trưởng cũng như phát triển công nghiệp đều nhích hơn. Chính phủ không chỉ có một giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp mà có rất nhiều giải pháp khác nhau.

Tôi xin nói đến khía cạnh thứ 2 của vấn đề. Thực chất khi chúng ta nói về tái cơ cấu trong khi trao đổi với các nhóm chuyên gia, cũng có ý kiến cho rằng một trong những kết quả tái cơ cấu vừa qua rất cụ thể nhưng ít được đề cập đến là chính từng doanh nghiệp tự tái cơ cấu. Có những doanh nghiệp ngành sản xuất này khó khăn thì họ tự tái cơ cấu, chuyển đổi đầu tư để làm sản phẩm khác. Những doanh nghiệp yếu kém thì dừng hoạt động, lao động nghỉ việc, có 2 nguồn: thứ nhất sẽ đi kiếm việc mới ở DN còn việc làm, thứ 2 là hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên số người hưởng trợ cấp thất nghiệp không đồng nghĩa chính xác là số người mất việc làm vì có rất nhiều người trước đây cũng không có việc làm nhưng do chúng ta chưa có cơ chế kịp thời hay có rồi nhưng chưa tuyên truyền tận nơi hoặc thủ tục của họ chưa đủ thì bây giờ mới giải quyết được.

Chính các nhà báo giúp Chính phủ, giúp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cảnh báo từ mấy tháng trước về vấn đề này. Khi thấy Chính phủ ban hành các chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chính các doanh nghiệp rất linh hoạt, tìm cách ngưng việc để hưởng trợ cấp xong thì tìm việc mới. Điều này đã được các nhà báo cảnh báo cho Bộ LĐTBXH và Bộ đã có chỉ đạo để một mặt hỗ trợ người lao động không có việc làm đồng thời tránh mọi hình doanh nghiệp thức lợi dụng chính sách, lạm dụng công quỹ của Nhà nước còn hạn chế trong khi nhiều người khác còn cần hơn. 

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Xem thêm »