Chung sức, đồng lòng gỡ khó nền kinh tế: Xử lý nợ xấu và tồn kho của doanh nghiệp

30/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày làm việc thứ 10 - ngày 30/5/2013, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phiên thảo luận này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều khiển nội dung phiên thảo luận.


Có 40 đại biểu Quốc hội đăng đàn
Các báo cáo: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 đã được Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội báo cáo tại phiên họp khai mạc của kỳ họp. Quốc hội đã thảo luận ở tổ và Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ và những vấn đề cần tập trung nghiên cứu để thảo luận tại hội trường.

Trong ngày 30/5, đã có 40 đại biểu Quốc hội của 38 tỉnh, thành phố trực thuộc TW phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Nguyên nhân các chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt được và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế trong năm 2012; Kết quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; Các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ thực hiện; Hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước; Tình hình nợ xấu, hàng tồn kho, thị trường bất động sản, thị trường vàng…và các giải pháp tháo gỡ khó khăn; Thực trạng khó khăn của doanh nghiệp và các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; Các chính sách phát triển nông nghiệp; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế biển; Chất lượng giáo dục - đào tạo, chương trình sách giáo khoa; Vấn đề y đức, quá tải bệnh viện, chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập; Lao động, việc làm, tai nạn giao thông; Công tác quản lý thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; Công tác cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và bộ  máy nhà nước; Chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế… Đặc biệt, nhiều đại biểu lo ngại về vấn đề xử lý nợ xấu và tồn kho của doanh nghiệp, dù cũng đồng tình với một số đánh giá tại báo cáo của Chính phủ.

Nhiều đại biểu đề cập trong phát biểu của mình, cho rằng Chính phủ nên coi việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của nhiều ngành, của các địa phương chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng. Nhiều ý kiến thảo luận cũng xác định, tình trạng hàng tồn kho chính là nút thắt của tín dụng, những giải pháp giảm tồn kho của Chính phủ đã có kết quả ban đầu, nhưng nhìn chung còn chậm.

Gỡ "nút thắt" nền kinh tế: Xử lý nợ xấu và tồn kho của doanh nghiệp
Đăng đàn tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiến - Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra ý kiến về thực trạng nợ xấu: Cuối năm 2012 Thống đốc ngân hàng nhà nước cho rằng nợ xấu khoảng 10% trong khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 8,6%. Trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Cùng thời gian Ủy ban giám sát tài chính đưa ra con số 11,8%. Tháng 3 năm 2013 Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu còn 6%. Con số thực bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều những gì đã công bố. Cho đến giờ này, chúng ta thực sự không biết lượng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. "Các số liệu của cơ quan quản lý và của Hiệp hội bất động sản của các tổ chức nghiên cứu là rất khác nhau 200.000 căn hay 40.000 căn, 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng" - đại biểu Nguyễn Văn Hiến chứng minh bằng con số về lượng tồn kho bất động sản.

Theo đại biểu Phạm Huy Hùng - TP Hà Nội
, vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn giảm, hàng hóa tồn kho lớn, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, cầu có khả năng thanh toán vẫn chưa được cải thiện. Giải quyết vấn đề này cần kích cầu, đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin của thị trường.

Nói về bản chất của nợ xấu, đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, nợ xấu thực chất của nền kinh tế là do doanh nghiệp và khách hàng vay vốn không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng. Từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực chủ động, chỉ đạo giải quyết một cách quyết liệt vấn đề nợ xấu như các ngân hàng thương mại được cơ cấu lại nợ như Quyết định 780, đã thực hiện được trên 270 ngàn tỷ đồng, giám sát các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định và sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được trên 60 ngàn tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã xử lý được trên 330 ngàn tỷ đồng và tuy nhiên nếu nền kinh tế tiếp tục diễn biến không thuận lợi thì các khoản nợ đã được cơ cấu thời gian qua sẽ trở lại thành nợ xấu và gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, nền kinh tế. Nhiều ngân hàng vừa qua đã thực hiện giảm lãi, thậm chí miễn lãi toàn bộ nhưng doanh nghiệp vẫn không trả được nợ gốc. Thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước vừa qua dự định ngày 1/6 tới đây hướng tiếp cận dần tới thông lệ quốc tế. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay, việc tạm hoãn thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. "Xử lý nợ xấu là vấn đề phức tạp cần có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và xã hội. Với đề án tổng thể xử lý nợ xấu và có giải pháp mang tính đột phá, khả thi giải quyết trong thời gian sớm nhất để khơi thông nguồn vốn phát triển cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, tạo đà tăng trưởng trở lại." - đại biểu Phạm Huy Hùng khẳng định.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Quảng Trị đưa ra kiến nghị, chừng nào những vấn đề tồn kho của doanh nghiệp đã được đề cập rất nhiều từ kỳ họp này sang kỳ họp khác của Quốc hội mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về các trách nhiệm và biện pháp khắc phục thì việc khôi phục và duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô còn xa vời. "Bởi thế tôi rất mong qua các phiên thảo luận tại kỳ họp này Quốc hội không chỉ nhận diện rõ những nguyên nhân của lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và vấn đề tồn kho mà nghiêm trọng hơn cả là sự tồn kho tiền, hàng và vốn được coi là vấn đề nan giải của nền kinh tế hiện nay." - đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng còn mở rộng khái niệm “tồn kho” ra nhiều lĩnh vực khác: Vấn đề tồn kho thể chế, tồn kho kiến nghị và đặc biệt là tồn kho trách nhiệm và giải pháp để có thể ưu tiên cả trí lực và tài lực cho việc giải quyết rốt ráo các vấn đề cấp bách cũng như khởi động lại quá trình tái cơ cấu tạo chuyển biến căn cơ cho nền kinh tế.

Theo đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai, việc cần làm ngay, đó là tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản, cùng với việc thực hiện giải pháp phân bổ nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm. Giải pháp trọng tâm đặt ra là phải quyết liệt trả nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp. Kịp thời hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Đây là giải pháp thúc đẩy giải quyết nợ xấu hiện nay.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Tp Hải Phòng đưa ra kiến nghị, sức hấp thụ của nền kinh tế đã ở ngưỡng báo hoảng, không thể kỳ vọng việc tiếp tục giảm lãi suất sẽ làm tăng cầu tín dụng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khi sức mua yếu, hàng tồn kho cao, vấn đề đầu ra chưa được giải quyết thì ngay cả những doanh nghiệp đang hoạt động cũng chỉ cầm chừng không dám vay vốn ngân hàng, vấn đề đặt ra làm thế nào để kích thích tín dụng đi lên. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị: Vấn đề cốt lõi và quan trọng trước hết là tập trung xử lý nợ xấu, khẩn trương đưa công ty quản lý tài sản vào hoạt động, từ đó khơi thông dòng tiền vào nền kinh tế và đưa đồng vốn đầu tư trong những lĩnh vực có hiệu quả.

Hiện tổng cầu suy giảm, hàng tồn kho chính là nút thắt của tín dụng, đó là lý do tại sao ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất nhưng tín dụng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp thu hút đầu tư, kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin cho thị trường.

"Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực trong xử lý nợ xấu. Chỉ riêng ngành ngân hàng nỗ lực là chưa đủ. Với diễn biến kinh tế như hiện nay chúng ta cần xác định xử lý nợ xấu sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và không phải cứ muốn là xử lý được ngay. Đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để các cấp, các ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn chung cho nền kinh tế, trong khi dư địa điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều thì sự đột phá trong chính sách đầu tư cũng sẽ mang lại những kết quả quan trọng trong bối cảnh tháo gỡ khó khăn hiện nay." - Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Buổi chiều cùng ngày, các thành viên Chính phủ báo cáo giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội giải trình về vấn đề tỷ lệ lao động qua đào tạo, vấn đề việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp, vấn đề giảm nghèo; Bộ Kế hoạch đầu tư chuẩn bị giải trình về số liệu thống kê kinh tế xã hội, việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế chậm; Bộ Công thương giải trình về vấn đề dừng 2 công trình thủy điện 6 và 6a Đồng Nai trong quy hoạch sơ đồ điện 7. Vấn đề chống hàng lậu, hàng giả; Ngân hàng nhà nước Việt Nam giải trình về quản lý nhà nước về thị trường vàng trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh báo cáo giải trình về thu ngân sách nhà nước, khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong năm 2013; Vấn đề phát hành thêm trái phiếu Chính phủ theo đề nghị của một số đại biểu; Vấn đề an toàn nợ công, vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Bộ Thông tin và truyền thông trả lời vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin truyền thông, cụ thể là những thông tin không đúng trên mạng. Trong trả lời thì các thành viên Chính phủ sẽ được mời xen kẽ báo cáo giữa các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Thứ sáu, ngày 31-5, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hòa giải cơ sở. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật tiếp công dânLuật bảo vệ và kiểm dịch thực vật./.

Khánh Vy

 

 

 

 

Xem thêm »