Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

29/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 29/5/2013, tại Hà Nội, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII tiếp tục ngày làm việc thứ 9.

Trong buổi sáng, các ĐBQH sẽ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật tiếp công dân; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp công dân. Các ĐBQH sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo Luật tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày gồm 11 chương với tổng số 79 điều. Phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật: quy định về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyền và nghĩa vụ của công dân, của cán bộ tiếp công dân; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban tiếp công dân; Quản lý công tác tiếp công dân; Điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân; Khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác tiếp công dân.

Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân; Ban tiếp công dân, Trưởng Ban tiếp công dân; Cán bộ tiếp công dân; Công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của cán bộ tiếp công dân; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân; Việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban tiếp công dân; Hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; Quản lý công tác tiếp công dân; Điều kiện đảm bảo hoạt động của cơ quan tiếp công dân.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tập trung vào việc sửa đổi một số vấn đề như bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi, ngoài các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Dự thảo Luật lần này cũng bổ sung vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư để bao quát những khoản thu nhập mới phát sinh, đồng thời loại khoản “hoàn nhập dự phòng” khỏi thu nhập khác cho đúng bản chất. 

Để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 theo hướng giảm dần mức động viên, Dự thảo cũng quy định từ 01/01/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22% (hiện nay là 25%). Với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% kể từ 01/7/2013. Từ ngày 01/01/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.

Chiều cùng ngày, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa sẽ trình bày trước Quốc hội Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục quốc phòng - an ninh. Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật giáo dục quốc phòng - an ninh.

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp, sau khi tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua 2 dự án Luật này vào ngày 19-6-2013./.

K.Vy


 

Xem thêm »