Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo: Quyết toán thấp hơn tổng dự toán

23/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Theo kết quả kiểm toán của KTNN, việc các gói thầu xây lắp của Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo được tổ chức đấu thầu rộng rãi đã tiết kiệm được gần 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong số ít Dự án về giao thông có mức quyết toán thấp hơn tổng dự toán.

Quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo vừa được cải tạo nâng cấp

Dự án có tổng chiều dài 85 km, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Chủ đầu tư Dự án là Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án 1 (PMU1). Theo kế hoạch, Dự án khởi công năm 2005 và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có gói thầu số 7 khởi công vào tháng 10/2005, còn lại khởi công năn 2006, hoàn thành năm 2009.

Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và NSNN với tổng dự toán được phê duyệt là 1.085,135 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 811,946 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án và chi phí khác là 273,189 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là vốn đầu tư thực hiện Dự án đề nghị quyết toán đến 31/12/2010 là 932,282 tỷ đồng (thấp hơn tổng dự toán), trong đó chí phí xây dựng là 806,956 tỷ đồng, chi phí quản lý Dự án và chi phí khác là 125,326 tỷ đồng.

Theo nhận xét tại báo cáo kiểm toán, về cơ bản đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan đã thực hiện đầy đủ quy định từ khảo sát, lập, trình, thẩm định và phê duyệt dự án; tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng; quản lý chi phí đầu tư; bàn giao đưa công trình vào khai thác, lưu trữ hồ sơ... Đến thời điểm kiểm toán (21/3/2011) hầu hết các hạng mục của Dự án đã hoàn thành bàn giao cho đơn vị quản lý đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo phù hợp với đồ án thiết kế, tiêu chuẩn thiết kế, các yêu cầu về chất lượng, tiến độ và các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội khác.

Về tính kinh tế của Dự án, chủ đầu tư và các bên liên quan đã thực hiện với chi phí hợp lý. Các gói thầu xây lắp được đấu thầu rộng rãi trong nước nên giá trúng thầu giảm so với giá gói thầu được phê duyệt, đã tiết kiệm được gần 8 tỷ đồng (gói thầu số 6 giảm được 1,861 tỷ đồng, gói thầu số 8 giảm được 5,998 tỷ đồng). Tuy nhiên, Dự án cũng còn một số hạn chế, như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thi công các gói thầu xây lắp chậm, do đó một phần đơn giá bồi thường, đơn giá vật liệu, chi phí nhân công tăng cao làm tăng giá trị hợp đồng, phát sinh thêm chi phí, làm tăng chi phí đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế một số hạng mục chưa phù hợp với điều kiện địa chất nên phải điều chỉnh, bổ sung khối lượng kiến cố hóa công trình… Cùng với đó, việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng, đơn giá, áp dụng chế độ, chính sách của Nhà nước chưa chặt chẽ và phù hợp làm tăng chi phí xây dựng công trình trên 22 tỷ đồng.

Về tính hiệu lực của Dự án, mặc dù chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tuân thủ đầy đủ các quy định, tuy nhiên, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các gói thầu xây lắp chưa đảm bảo thời gian quy định; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, tạm thanh toán chậm và chưa chính xác; chưa làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan; còn một số sai sót trong chấm thầu, xét thầu…

Đến thời điểm kiểm toán, hầu hết các gói thầu xây lắp và các hạng mục khác đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng, bước đầu đã phát huy được hiệu quả theo mục tiêu xây dựng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh miền núi Tây Bắc, phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam.

KTNN đã kiến nghị PMU1 giảm chi NSNN, điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thực hiện đầu tư dự án theo kết luận kiểm toán; giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện (đến tháng 12/2010) trên 22 tỷ đồng, trong đó giảm thanh toán 19,266 tỷ đồng, xử lý khác 2,96 tỷ đồng; tăng cường kiểm tra, rà soát công tác quản lý Dự án; khắc phục sai sót, lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán chính thức về điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu để thanh toán cho các nhà thầu; xác định nguyên nhân chậm tiến độ; chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể trong quản lý, thực hiện Dự án.

KTNN kiến nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố Sơn La và Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thuận Châu xin ý kiến UBND tỉnh Sơn La về số tiền đền bù, hỗ trợ sai quy định (tính và áp đơn giá bồi thường không phù hợp làm tăng chi phí đầu tư 152,5 triệu đồng); có hình thức xử lý phù hợp cá nhân và tập thể sai sót. KTNN kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo và tạo điều kiện để PMU1 thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả kiến nghị của KTNN; đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện Dự án đầu tư cũng như các công tác khác liên quan./.

Châu Anh

Theo Báo Kiểm toán số 21/2013
 

Xem thêm »