Quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2012

17/04/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Ngày 18/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2012. Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Đình Khương cùng đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 10,577 triệu người tham gia BHXH, trong đó có: 10,437 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 8,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 0,14 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 0,332 triệu người (3,3%) so năm 2011. Số thu của toàn ngành ước đạt 97.799 tỷ đồng, trong đó: Thu BHXH bắt buộc 89.613 tỷ đồng, thu BHXH tự nguyện là 379 tỷ đồng và thu bảo hiểm thất nghiệp 7.807 tỷ đồng, tăng 14.991 tỷ đồng (18%) so với năm 2011.

Tổng số chi ước thực hiện là 99.949 tỷ đồng, trong đó: chi BHXH bắt buộc 97.269 tỷ đồng, chi BHXH tự nguyện 55 tỷ đồng, chi bảo hiểm thất nghiệp là 2.625 tỷ đồng, tăng 22.303 tỷ đồng (28,7%) so với năm 2011 do đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tăng 0,122 triệu người (4,9%) so với năm 2011; điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH tăng 26,5%, thực hiện từ ngày 1/5/2012.

Như vậy, cùng với số người tham gia tăng lên hàng năm, số thu BHXH tăng lên cùng với điều chỉnh tăng của tiền lương.

Về quản lý nguồn thu và chi trả các chế độ BHXH, Báo cáo cho thấy, công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các chế độ BHXH cơ bản đã đi vào nề nếp. Việc giải quyết chính sách có nhiều tiến bộ, với thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân tham gia BHXH. Trong năm 2012, ngành BHXH triển khai thí điểm phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện tại các tỉnh/thành nhằm chuyển đổi hình thức chi trả qua cơ quan cung cấp dịch vụ công bước đầu thuận lợi, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên theo báo cáo kiểm toán năm 2011 của KTNN, trong quá trình thực hiện, việc cắt giảm chế độ không kịp thời khi đối tượng hết thời hạn hưởng trợ cấp hoặc chết, chi trả sai chế độ vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Đối tượng tham gia BHXH ở cả 3 loại hình BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng lên nhưng tốc độ tăng còn chậm, chưa đảm bảo được mục tiêu về mở rộng đối tượng. Tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng đối tượng thụ hưởng BHXH và cùng với đó là tốc độ tăng chi cao hơn so với tốc độ tăng thu. Việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM hiện nay chiếm tỷ trọng thấp so với số người được hưởng (khoảng 5%) do thói quen sử dụng tiền mặt; nên việc chi trả qua hệ thống đại lý ở xã, phường, thị trấn là chủ yếu tuy nhiên sự ràng buộc pháp lý chưa cao, tiềm ẩn yếu tố mất an toàn tiền mặt trong quá trình chi trả.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu tán thành với báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện chính sách BHXH cũng như các giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới. Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến trao đổi, như cần có chế tài nghiêm hơn để xử lý tình trạng nợ đọng; mở ra các kênh đầu tư khác để tăng trưởng Quỹ BHXH; so với yêu cầu thực tế thì hoạt động tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, chưa rộng khắp đến đối tượng người lao động; việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH còn ở trình độ thấp so với các ngành có tính chất công việc tương tự.…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH. Theo đó, trong năm 2013, ngành BHXH cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng Luật BHXH sửa đổi trên cơ sở kết quả đánh giá chính sách và quá trình tổ chức thực hiện Luật BHXH hiện hành nhằm khắc phục những bất hợp lý trong chính sách hiện hành, đồng thời đưa vào Luật những định hướng cải cách chính sách như điều chỉnh hợp lý mối quan hệ đóng hưởng, thực hiện lộ trình về tăng tuổi nghỉ hưu, quy định thêm hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về quyền và trách nhiệm trong quá trình thực thi chính sách BHXH; chú trọng tới thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về BHXH, phối hợp giữa cơ quan Thanh tra lao động, Thanh tra Nhà nước và các cơ quan LĐTBXH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, BHXH, Liên đoàn lao động và các cơ quan liên quan  trong kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của Luật BHXH. Về giải pháp nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bà Trương Thị Mai cho rằng, ngành BHXH cần nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống BHXH thông qua việc đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục chi trả các chế độ đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định, hạn chế trục lợi bảo hiểm. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia; Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách; Thực hiện công khai các thủ tục hành chính với người dân, cơ quan, đơn vị; Xây dựng lộ trình từng bước hình thành tổ chức đầu tư quỹ chuyên nghiệp và khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế để thu hút đội ngũ cán bộ được đào tạo có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực đầu tư tài chính; có bộ phận giám sát các hoạt động đầu tư quỹ./.

Hà Linh
   

 

 

Xem thêm »