KTV luôn cần được đào tạo, bồi dưỡng để khỏa lấp các kiến thức, kỹ năng còn thiếu

11/04/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trước thềm xuân Quý Tỵ 2013, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã dành cho báo Kiểm toán cuối tháng cuộc trò chuyện xung quanh các nội dung công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên

Thưa ông, xin ông cho biết một số đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của KTNN trong những năm gần đây và năm 2012? 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) của KTNN có đặc thù rất khác so với các ngành nghề khác. Bên cạnh yêu cầu xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên (KTV) của KTNN có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng thì KTV KTNN còn phải tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề kiểm toán và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Vì vậy, công tác ĐTBD là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu có tính chiến lược và là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn ngành cũng như của từng cán bộ, KTV trong thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, KTV có chất lượng cao, chuyên nghiệp cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn và tình hình mới. 

Năm 2012, công tác ĐTBD của KTNN đã giành được những kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, trong ĐTBD chúng ta đã thực hiện phân cấp mạnh hơn, sâu hơn, cụ thể hơn cho các đơn vị trực thuộc; 22 đơn vị đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng được 139 chuyên đề gắn sát với chuyên môn, với 10.274 lượt người tham gia; ngành đã tổ chức ĐTBD tập trung 1 lớp KTV chính với 102 KTV; 08 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngành kỹ thuật cho 403 KTV; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 441 cán bộ cấp Vụ, cấp Phòng, 100 công chức là Tổ trưởng kiểm toán; bồi dưỡng nghiệp vụ thư ký lãnh đạo cho 49 công chức; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tin học cho 410 công chức; hàng trăm công chức được cử đi bồi dưỡng QLNN các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, lý luận chính trị cao cấp, QPAN...; tiếp tục cử KTV học chứng chỉ kiểm toán quốc tế ACCA và CPA (hiện nay đang có 38 KTV tham dự các chương trình đào tạo ACCA và CPA); cử 25 đoàn với 136 lượt cán bộ đi đào tạo, học tập, hội thảo ở nước ngoài, trong đó tiếp tục cử các KTV đào tạo và thực hành kiểm toán dài hạn theo chương trình CCAF tại Canada; nhiều người tham gia vào các hoạt động, các nhóm làm việc của INTOSAI và ASOSAI, nhóm kiểm toán môi trường, nhóm kiểm toán nợ công của ASOSAI; trong năm cũng đã tổ chức cho các cán bộ đi học tập ở nước ngoài báo cáo kết quả và các đề xuất với lãnh đạo KTNN kế hoạch triển khai ứng dụng các kết quả học tập và kinh nghiệm vào thực tiễn; đặc biệt năm 2012 với sự giúp đỡ của EU chúng ta tổ chức ĐTBD kỹ năng lãnh đạo cho 51 cán bộ lãnh đạo cấp vụ, trong đó đào tạo 8 giảng viên nguồn.

Thứ hai, năm 2012 KTNN đã tổ chức rất nhiều chương trình tọa đàm, tập huấn trực tuyến các đề cương kiểm toán chuyên đề, hồ sơ mẫu biểu rất thiết thực và hiệu quả (hầu hết KTV trong toàn ngành tham gia); tổ chức nhiều hội thảo gắn sát với hoạt động kiểm toán trong năm với gần 500 lượt người tham dự, như: kiểm toán chuyên đề gắn với đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng quyết định, giám sát NSNN của các cơ quan dân cử; tổ chức kiểm toán đối với hoạt động quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản; tổ chức kiểm toán đất đai, đô thị; chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán đầu tư xây dựng công trình...

Thứ ba, xây dựng và ban hành Quy chế mới về đào tạo, bồi dưỡng công chức KTNN; Quy định về giảng viên kiêm chức.

Thứ tư, lần đầu tiên chúng ta đã xây dựng và ban hành nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp; rà soát, xây dựng lại và chuẩn bị ban hành nội dung chương trình bồi dưỡng các ngạch KTV dự bị, KTV và KTV chính theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp ĐTBD...       
   
Có thể nói rằng, được sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN và sự nhận thức của cán bộ, công chức và KTV đối với tầm quan trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đến nay KTNN đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, KTV có chuyên môn tốt trên các lĩnh vực kiểm toán; đội ngũ KTV Nhà nước những năm gần đây đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đó là lực lượng nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ của KTNN và phục vụ cho việc thực hiện chiến lược phát triển KTNN trong các giai đoạn tới. Đó cũng là kết quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức KTV của KTNN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTBD trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập nhất định, như: nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết, ít thực tiễn, chưa gắn sát với hoạt động nghiệp vụ thực tế, trong khi đó chương trình mới chậm được ban hành dẫn đến một số lớp bồi dưỡng ngạch KTV chưa thực hiện được theo kế hoạch; phương pháp ĐTBD chậm đổi mới, chưa theo hướng tích cực, thời lượng dành cho thực hành, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và rèn luyện kỹ năng còn ít; đội ngũ giảng viên còn mỏng, thiếu ổn định. Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.

Theo ông, chương trình khung đào tạo bồi dưỡng các ngạch KTV của KTNN vừa được  xây dựng đã phù hợp với yêu cầu thực tiễn?
Năm 2012, KTNN đã xây dựng và ban hành chương trình và tài liệu bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp, đây là nét nổi bật và là kết quả cố gắng của KTNN (vì đến nay cũng rất ít ngành xây dựng được chương trình bồi dưỡng ngạch cao cấp); KTNN cũng đã xây dựng được khung chương trình bồi dưỡng các ngạch KTV dự bị, KTV và KTV chính đang hoàn thiện để sớm ban hành chính thức. Tôi cho rằng chương trình bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như trong trung hạn, tuy nhiên hàng năm các giảng viên tiếp tục bổ sung, điều chỉnh bài giảng cho phù hợp, cập nhật kiến thức và thông tin. Còn các chương trình bồi dưỡng các ngạch KTV thì khung chương trình mới xây dựng cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt. Một trong những nội dung đổi mới trong việc hoàn thiện chương trình lần này là thiết kế một số chuyên đề phù hợp với từng đối tượng tuyển dụng đầu vào thuộc 2 nhóm: nhóm đối tượng cử nhân kinh tế  và nhóm đối tượng là các kỹ sư; hai đối tượng này học những chuyên đề riêng là bồi dưỡng một số chứng chỉ chuyên môn về kế toán, kiểm toán (đối với đối tượng khối cử nhân kinh tế), chứng chỉ chuyên môn quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, những vấn đề cơ bản về kế toán, kiểm toán (đối với đối tượng thuộc khối kỹ sư), rồi sau đó mới học chung ở các ngạch từ ngạch KTV dự bị trở đi. Tùy từng ngạch, chương trình sẽ trang bị cho KTV những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của KTNN, của tổ, đoàn kiểm toán; quy trình, chuẩn mực, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán; một số kỹ năng, phương pháp cơ bản trong tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán; văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán…. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu lâu dài thì ngoài chương trình bồi dưỡng các ngạch, KTNN cần phải xây dựng và đưa vào ĐTBD các chương trình mềm khác nữa để bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên sâu còn thiếu cho KTV, cũng như chương trình bồi dưỡng theo chuyên môn kiểm toán theo từng lĩnh vực kiểm toán (ngân sách, đầu tư xây dựng, doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, kiểm toán hoạt động…) theo từng cấp độ cho KTV.
 
Được biết, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 xác định cơ cấu nguồn nhân lực theo chuyên môn đào tạo là: số cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 95%, trong đó 50% chuyên môn đào tạo về Tài chính - kế toán - kiểm toán - ngân hàng; 25% về xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, kiến trúc; 20% về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, luật, công nghệ thông tin và khác. Trước đây đã có ý kiến cho rằng vấn đề đào tạo thêm văn bằng về kế toán, kiểm toán cho các KTV là kỹ sư có vẻ khả dĩ và hiệu quả hơn so với việc đào tạo ngành kỹ thuật cho các KTV đã tốt nghiệp ngành kinh tế. Ông thấy ý kiến này như thế nào?
Trước hết tôi cho rằng chiến lược cơ cấu nguồn nhân lực đến năm 2020 của KTNN như vậy là rất đúng, bởi lẽ hoạt động kiểm toán của KTNN không chỉ kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, mà càng ngày càng mở rộng và phát triển kiểm toán hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, như: đầu tư xây dựng công trình, đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin…do vậy, KTNN tuyển dụng đầu vào đội ngũ KTV đã tốt nghiệp ở rất nhiều trường đại học với nhiều ngành khác nhau là để đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm toán là rất đa dạng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Về ý thứ hai của câu hỏi là vấn đề đào tạo thêm văn bằng về kế toán, kiểm toán cho các KTV là kỹ sư có vẻ khả dĩ và hiệu quả hơn so với việc đào tạo ngành kỹ thuật cho các KTV đã tốt nghiệp ngành kinh tế thì theo tôi cũng đúng. Bởi vì, các KTV phải chuyên sâu lĩnh vực chuyên môn đã đào tạo cơ bản, đồng thời cũng phải biết và hiểu những vấn đề cơ bản nhất thuộc lĩnh vực liên quan trong hoạt động kiểm toán thì mới đáp ứng yêu cầu (thí dụ kỹ sư khi làm kiểm toán cũng phải biết và hiểu được những vấn đề cơ bản kiểm toán, tài chính, kế toán... còn các KTV ngành kinh tế cũng biết và hiểu những vấn đề cơ bản nhất về kỹ thuật khi kiểm toán đầu tư dự án...); chính vì vậy, các KTV luôn cần được đào tạo, hoặc bồi dưỡng bổ sung để khỏa lấp các kiến thức, kỹ năng còn thiếu. Việc ĐTBD bổ sung kiến thức có thể thực hiện bằng nhiều cách, như: đào tạo đại học văn bằng hai (theo chương trình đại học- thời gian dài), hoặc đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề rất cần thiết trực tiếp (thời gian ngắn hơn), tuy nhiên, theo tôi cũng không nhất thiết phải học đại học văn bằng hai mà có thể học theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề có thể hiệu quả hơn (vì chọn lựa những chuyên đề thiết thực trực tiếp học sẽ tiết kiệm thời gian hơn, không nhất thiết học tất cả các môn bổ trợ nếu theo chương trình đại học là bắt buộc). Thực tế cho thấy việc ĐTBD bổ sung các kiến thức về kiểm toán, kinh tế, tài chính, kế toán các KTV là kỹ sư thì dễ hơn là bổ sung kiến thức về kỹ thuật cho các KTV ngành kinh tế. Hơn nữa các KTV là kỹ sư thì ở đại học chưa được trang bị kiến thức cơ bản về kiểm toán, tài chính, kế toán; trong khi đó làm kiểm toán mà không biết và hiểu những kiến thức đó thì không thể tiếp cận được những vấn đề như: quy trình, chuẩn mực, kỹ năng và phương pháp kiểm toán. Do vậy bắt buộc các KTV này phải được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về kiểm toán, kế toán; còn đối với các KTV ngành kinh tế làm nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng thì KTNN cũng khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng (thông qua các hình thức phù hợp) các chuyên đề về nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Xin ông cho biết kế hoạch ĐTBD của KTNN trong thời gian tới? Với bối cảnh hiện tại, kế hoạch phát triển Trung tâm KH&BD cán bộ thành Học viện Kiểm toán của KTNN sẽ như thế nào, thưa ông?
Năm 2013 và các năm tiếp theo KTNN tập trung tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo các ngạch KTV dự bị, KTV và KTV chính, tiếp đến là tập trung biên soạn tài liệu cho các chương trình này; sau đó xây dựng và áp dụng các chương trình mền, chuyên sâu để đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng, phương pháp kiểm toán và theo lĩnh vực kiểm toán để bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên sâu theo từng cấp độ KTV. Tổ chức các khóa bồi dưỡng các ngạch KTV và các chương trình khác theo kế hoạch ĐTBD năm 2013 đã ban hành; tiếp tục tổ chức tạo đàm trực tuyến toàn ngành về đề cương kiểm toán các chuyên đề kiểm toán trong năm, tọa đàm để hoàn thiện các quy trình, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán; xúc tiến triền khai dự án đào tạo kiểm toán hoạt động theo chương trình tài trợ của CCAF- Canada và các dự án đào tạo khác. Tiếp tục thực hiện phân cấp ĐTBD cho các đơn vị mạnh hơn, sâu hơn trên cơ sở phải thực hiện phân loại từng đối tượng và vị trí của KTV; nội dung chương trình bồi dưỡng tại các đơn vị theo định hướng:

(i) Cập nhật chính sách, chế độ liên quan hoạt động kiểm toán của đơn vị, các văn bản hướng dẫn, các quy chế, quy định của ngành về hoạt động và quản lý kiểm toán, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp;

(ii)  Tập huấn quy trình, chuẩn mực, phương pháp, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán theo lĩnh vực, chuyên đề sát với các cuộc kiểm toán trong năm…

(iii)  Bồi dưỡng chuyên đề kiểm toán theo lĩnh vực (ngân sách, đầu tư, doanh nghiệp, tài chính ngân hàng…), kỹ năng, phương pháp kiểm toán, ghi chép nhật ký kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán theo từng đối tượng và vị trí KTV (mới, cũ, chuyên ngành đào tạo…) trên cơ sở phân loại và đánh giá nhu cầu ĐTBD (thiếu, yếu) của từng KTV để tổ chức lớp học theo từng nội dung phù hợp. Xây dựng kế hoạch trung hạn (3-5 năm) để ĐTBD cho phù hợp trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu ĐTBD cho từng KTV, để có cái nhìn toàn diện, tổng thể định hướng, mục tiêu, nội dung ĐTBD (đích đạt được sau 5 năm và từng năm) đối với từng loại đối tượng, từng KTV. Tiếp tục từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức của KTNN. Còn kế hoạch phát triển Trung tâm KH&BDCB của KTNN thành Học viện Kiểm toán của KTNN thì trước đây cũng có ý tưởng như vậy; tuy nhiên, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 chính thức đã ban hành thì chỉ định hướng là thành lập Trường (hoặc Trung tâm) Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ kiểm toán và Viện NCKH kiểm toán (đến năm 2015) trên cơ sở Trung tâm KH&BDCB hiện nay, còn sau này sẽ nghiên cứu và tính toán chiến lược phát triển KTNN sau năm 2020. Thực tế hiện tại các điều kiện để đến năm 2015 thành lập Trường (hoặc Trung tâm) Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ kiểm toán và Viện NCKH kiểm toán cũng đang là vấn đề thách thức lớn đối với KTNN, vì vậy để thực hiện được đúng kế hoạch chiến lược KTNN cần phải đặc biệt cố gắng và tập trung các nguồn lực và các biện pháp rất cụ thể và hữu hiệu thì mới mong thực hiện được.       

Xin trân trọng cám ơn ông! 

Nguyên Sơn (thực hiện)     
 

Xem thêm »