Nghiêm túc, trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

22/03/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 15/01/2013 Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-KTNN lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Xác định việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sự kiện trọng đại đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của toàn ngành trong việc Hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp. Do vậy, tất cả các đơn vị đã chủ động triển khai lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức 01 Hội nghị trực tuyến toàn ngành để triển khai thực hiện Kế hoạch trên. Hội nghị đã phổ biến những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và quán triệt các văn bản liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, như: Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tổ chức 30 hội nghị của 30 đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trên tinh thần nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả. Các ý kiến phát biểu đều thể hiện trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng, nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị của Kiểm toán Nhà nước đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp, đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm về vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong xã hội. Tất cả các ý kiến đều bảo đảm đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ý kiến tham gia toàn diện vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ Lời nói đầu đến các điều của các chương từ Chương I đến Chương XI.

Về Kiểm toán Nhà nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định tại Điều 122 “1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; 2. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội; 3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.”. Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn có các nội dung khác liên quan đến Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước tại Điều 75 (Quốc hội xét báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước; Quốc hội quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước; Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc bầu), Điều 79 (Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát đối với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước), Điều 82 (Hội đồng dân tộc có quyền yêu cầu Tổng Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin hoặc giải trình), Điều 85 (Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước) và Điều 89 (Kiểm toán Nhà nước có quyền trình dự án Luật).

Trong quá trình các đơn vị, cá nhân tham gia ý kiến, cơ bản các ý kiến đều nhất trí với các dự thảo Hiến định về Kiểm toán Nhà nước và cho rằng các quy định như vậy phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán đã được ghi nhận trong Tuyên bố Lima (1977), Tuyên bố Mexico (2007) của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI): “Việc thành lập cơ quan Kiểm toán tối cao và mức độ độc lập cần thiết của nó cần được quy định trong Hiến pháp, các chi tiết cụ thể có thể nêu trong các điều luật. Đặc biệt, Kiểm toán tối cao cần phải có sự bảo vệ đầy đủ về mặt luật pháp nhằm chống lại các tác động từ bên ngoài đối với sự độc lập và thẩm quyền kiểm toán của cơ quan Kiểm toán tối cao” - khoản 5 mục II, Tuyên bố Lima.  Đặc biệt, các quy định của Hiến pháp về Kiểm toán Nhà nước còn thể hiện tinh thần độc lập như ghi nhận tại Nghị quyết A/66/209 (năm 2011) của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã công nhận tính độc lập của cơ quan Kiểm toán tối cao: “Các cơ quan kiểm toán tối cao chỉ có thể hoàn thành trách nhiệm của mình một cách khách quan và hiệu quả khi các cơ quan này độc lập với đối tượng kiểm toán và được bảo vệ chống lại ảnh hưởng bên ngoài”. Ngoài ra, để minh chứng cho các nhận định của mình các ý kiến còn bày tỏ rằng các quy định trong Dự thảo hiện nay cũng phù hợp với thông lệ ở tất cả các nước có cơ quan Kiểm toán Nhà nước, dù là ở các nước đã thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước từ rất lâu hay ở các nước mới thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước như các nước Đông Âu, Liên bang Nga, Trung Quốc,... những vấn đề cơ bản về địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan Kiểm toán Nhà nước đều được quy định trong Hiến pháp (theo thống kê của INTOSAI thì trong 113 nước thực hiện nghiên cứu có tới 79 nước có địa vị pháp lý và tính độc lập của cơ quan Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Hiến pháp; Riêng Hiến pháp ở các nước phát triển thuộc Cộng đồng chung Châu Âu đều có các quy định địa vị pháp lý và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước).

Bên cạnh các ý kiến trên đây thì nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải làm rõ đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, cần phải định danh rõ Kiểm toán Nhà nước là cơ quan gì, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và quy định rõ nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội để bảo đảm các quy định về Kiểm toán Nhà nước được rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ hơn./.

LH

 

Xem thêm »