Phối hợp kiểm soát quyền lực - cần nâng cao địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước

11/03/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lần đầu tiên trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước được đề cập. Việc quy định này chính là để nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực và phù hợp với thực tiễn.
 
Điều 122 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định:
 
"1. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 
2. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định”.

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực là của nhân dân cho nên việc quyết định chính sách tài chính, ngân sách của 1 quốc gia là thể hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội là cơ quan dân cử, là cơ quan đại diện cho nhân dân vì thế cơ quan này thực hiện quyền gián tiếp của người dân thông qua đại biểu Quốc hội. Việc quy định như vậy thể hiện được Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất có trách nhiệm quyết định về các vấn đề quan trọng của đất nước trong đó có vấn đề về tài chính, tài sản công. Để các quyết định của Quốc hội chính xác, tin cậy và đảm bảo thì Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm: kiểm tra, đánh giá, xác nhận qua đó đưa ra những ý kiến độc lập của mình về tình hình tài chính, ngân sách, tài sản công để đại biểu Quốc hội hình thành ý kiến, có căn cứ quyết định và yên tâm thông qua quyết định chính sách của đất nước.

Theo ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam: Tài chính, ngân sách là vấn đề lớn của quốc gia, nó không chỉ dừng lại ở nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế, nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ chính trị kinh tế, mà lớn hơn là thông qua hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và nguồn lực của nhà nước, góp phần điều hành vĩ mô nền kinh tế; đảm bảo sự ổn định, phát triển không chỉ hôm nay mà lâu dài của quốc gia, vì vậy các quyết định của Quốc hội ngoài việc thể hiện thẩm quyền của nhân dân thì còn đảm bảo tính tuân thủ, hiệu quả, hiệu lực trong công tác huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực cho phát triển và đạt được mục tiêu đề ra.

Từ thực tiễn gần 20 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong tổ chức bộ máy nhà nước. Với tư cách là một trong những công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong nền kinh tế, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả lĩnh vực dự trữ quốc gia, an ninh, quốc phòng và ngân sách Đảng. Qua đó, đã phát hiện nhiều vi phạm chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính và kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền rất lớn. Kết quả kiểm toán không chỉ giúp cho các bộ, ngành, địa phương thấy được nhiều sai phạm chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính, tài sản công, kiến nghị tăng thu, tiết kiệm chi mà điều quan trọng hơn là kết quả kiểm toán đã giúp cho Quốc hội trong công tác quyết định và giám sát thực hiện Ngân sách nhà nước, chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan chức năng về những kẽ hở trong công tác quản lý, những bất cập nảy sinh trong cơ chế, chính sách hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; giúp các đơn vị được kiểm toán nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng tình hình tài chính, khắc phục được những yếu kém sơ hở trong quản lý kinh tế và sản xuất kinh doanh, cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ.

Bàn về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước gắn bó chặt chẽ với công tác phòng chống tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí. Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp rất nhiều thông tin tại các báo cáo kiểm toán cho chính quyền địa phương, cơ quan Thanh tra, Cơ quan điều tra và bộ phận chức năng. Các kết luận, kiến nghị tại các báo cáo kiểm toán này đã giúp cho các cơ quan chức năng của nhà nước phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí và các bất cập của quy định pháp luật để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
 
Tuy nhiên, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Theo ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng kiểm toán Nhà nước: "Quy định pháp luật về Kiểm toán Nhà nước hiện còn một số tồn tại ví dụ chế định về địa vị pháp lý của KTNN chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ. Việc nội dung quy định địa vị pháp lý của cơ quan KTNN và Tổng kiểm toán Nhà nước chưa được xác định trong hiến pháp là vấn đề có thể gây ra khó khăn khi xác định, xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của KTNN cũng như dẫn tới nhận thức về hoạt động của KTNN chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, công chúng và toàn xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của KTNN, hơn nữa phạm vi kiểm toán hiện chưa bao quát hết được việc kiểm soát mọi nguồn lực tài chính và tài sản công. Mặt khác, chưa có sự tương thích về một số quy định giữa Luật Kiểm toán nhà nước với các luật liên quan, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước; chưa có các quy định cụ thể về chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán nhà nước..."

Theo đó, cần phải sớm xác định địa vị pháp lý và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp. Bởi nếu địa vị pháp lý không được xác định thì chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình hội nhập, cụ thể: hội nhập thiết chế quản lý, hội nhập cơ chế quản lý, hội nhập các biện pháp vĩ mô và nếu không xác định địa vị pháp lý thì vai trò, vị trí của KTNN bị hạn chế và không trở thành một công cụ mạnh của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.
 
Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Nhà nước cho rằng, khi các quy định chưa được thể hiện trong Hiến pháp của Nhà nước với tư cách là bộ luật căn bản, bộ luật gốc thì trong trường hợp nhất định Kiểm toán Nhà nước vẫn gặp khó khăn, cả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngay cả việc đảm bảo tính độc lập, xử lý các vấn đề hậu kiểm toán dựa trên kết quả kiểm toán.

Từ thực tiễn trên thế giới, quyền lực nhà nước nếu không được kiểm soát sẽ trở thành tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, đó chính là căn nguyên của hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Chính vì vậy một trong những quan điểm, tinh thần chủ đạo trong bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần này là xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để qua đó quy định, xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Với một tinh thần như vậy, nội dung dự thảo Hiến pháp điều 122 có nội dung quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Qua đánh giá, bước đầu nội dung này đã có được sự đồng thuận cao của Nhân dân.
 
Là cơ quan có vai trò quan trọng trong quản trị Quốc gia, ngoài vai trò độc lập, Kiểm toán Nhà nước ngoài việc cung cấp những thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng, thông qua hoạt động kiểm toán còn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng tài chính, tài sản công. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đều có quy định trong Hiến pháp về cơ quan Kiểm toán Nhà nước, theo đó ở mức độ khác nhau nhưng đều ghi nhận quy tắc hoạt động độc lập và không chịu sự can thiệp từ các thiết chế quyền lực khác của Kiểm toán Nhà nước.

Ở Việt Nam, đề cập đến địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp chính là nhằm bảo đảm thực hiện triệt để nguyên tắc: Tất cả Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, kiểm soát Quyền lực nhà nước là một vấn đề phức tạp và Quản lý nhà nước chỉ có thể được kiểm soát khi Nhà nước có cơ chế xác định rõ ràng và có các điều kiện cần thiết cho sự vận hành của nó trên thực tế.

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Nhà nước đưa ra ý kiến: "Nên quy định rõ hơn vai trò kiểm soát các nhánh quyền lực và trên nhất là sự kiểm soát của nhân dân, trước hết là sự kiểm soát của các cơ quan đại diện cho nhân dân đại diện cho cử tri người ta bầu ra vì thế vai trò của cơ quan Quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực cao nhất được quy định rõ hơn. Ở đây nội dung dự thảo Hiến pháp tại Điều 122 chúng ta mới quy định cơ quan Kiểm toán Nhà nước là do Quốc hội thành lập, Tổng Kiểm toán Nhà nước là do Quốc hội bầu, nhưng vấn đề đặt ra là còn cần xác định rõ vai trò và mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan dân cử ở địa phương"./.

Tường Vy

Xem thêm »