KTNN tổ chức toạ đàm Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới

28/02/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều ngày 27/02/2013, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng đã chủ trì buổi toạ đàm "Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới". Tham gia buổi toạ đàm có lãnh đạo và cán bộ có liên quan của các đơn vị trực thuộc KTNN.

Theo KTNN Khu vực I – Tổ soạn thảo Đề cương, kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới là một vấn đề mới và rộng, với lượng thời gian có hạn, nên KTNN Khu vực I mới xây dựng được Đề cương, mẫu biểu hướng dẫn thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới cho các cuộc kiểm toán tại cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW, huyện và xã; chưa xây dựng được hướng dẫn thực hiện kiểm toán cho toàn bộ Chương trình trên phạm vi toàn quốc.
 
Thông qua nghiên cứu những vấn đề chung về chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng chính phủ, KTNN Khu vựcI đã xây dựng được đề cương kiểm toán gồm các nội dung: Xác định mục tiêu kiểm toán; Xác định nội dung kiểm toán; Phạm vi, giới hạn kiểm toán; Trọng yếu, rủi ro kiểm toán; Thu thập thông tin tài liệu; Tổ chức thực hiện kiểm toán. Trên cơ sở đó, KTNN KV I đã đưa ra một hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán cho cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã nhận được rất nhiều ý kiến tham luận, đóng góp chi tiết từ các đại biểu tham dự buổi toạ đàm. Đa số các đại biểu cho rằng mục tiêu, phạm vi, đối tượng kiểm toán của Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới quá rộng. Chính vì vậy, việc xác định nội dung, mục tiêu, đối tượng và các đơn vị được kiểm toán phù hợp với cuộc kiểm toán là hết sức quan trọng; Cách đánh giá sự thành công của cuộc kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia theo bộ tiêu chí quốc gia cũng được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp.

Ông Hoàng Quang Hàm – Quyền Kiểm toán Trưởng KTNN Khu vực VII cho rằng: Thực hiện chuyên đề kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới cần có thêm nhận xét về các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan; Đề cương còn mang tính quy chế nên khó áp dụng vào thực tiễn kiểm toán.

Ông Đinh Trọng Hanh – KTNN Khu vực X đưa ra đề nghị: Trong năm 2013, ngành cần tổ chức thực hiện kiểm toán một vài xã về chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới nhằm rút ra được những kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thiện Đề cương.

Nhiều ý kiến cho rằng, Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới là tài liệu hướng dẫn cho ngành về việc thực hiện kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia. Chính vì vậy, cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện đến báo cáo kiểm toán; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ mẫu biểu, đáp ứng được yêu cầu của ngành...

  

Ông Mai Vinh – Kiểm toán Trưởng KTNN Khu vực I, đại diện cho đơn vị soạn thảo khẳng định sẽ tiếp thu toàn diện tất cả ý kiến đóng góp quý báu của đại diện các đơn vị trong ngành, nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Đề cương. Theo ông Mai Vinh, với nội dung rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia là cuộc kiểm toán rất mới, phức tạp đối với toàn ngành. Chính vì vậy, ông bày tỏ mong muốn nhận được hơn nữa sự phối hợp, giúp đỡ của các KTNN Chuyên ngành, KTNN Khu vực trong việc hoàn thành Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của KTNN Khu vục I, trong thời gian ngắn đã hoàn thành bản Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia một cách chi tiết, cũng như các ý kiến tham luận của các đơn vị trong buổi toạ đàm. Phó Tổng KTNN cho rằng chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới là một chủ chương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Chính vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán, ngành cần tổng hợp được những cái chung nhất; Đảm bảo bám sát theo đúng chỉ thị của Chính phủ, Bộ chính trị đề ra; Tổ chức tập huấn chi tiết, giúp các kiểm toán viên có được tầm nhìn trong nghiệp vụ kiểm toán, phát hiện, chứng minh được những sai phạm (nếu có) trong hoạt động của các bộ, ngành, kiến nghị với Chính phủ.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo Tổ soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị trong toàn ngành, nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Đề cương trong thời giam sớm nhất./.

Thành Vinh

Xem thêm »