Tọa đàm nâng cao chất lượng kiểm toán Chương trình 30a

27/02/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 26/2, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân đã chủ trì tọa đàm trực tuyến toàn ngành về góp ý kiến hoàn thiện Quy trình kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Chương trình 30a). Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng tham dự tọa đàm.

Theo ông Hoàng Quang Hàm, Quyền Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII, trong quá trình triển khai thực hiện rà soát, sửa đổi đề cương kiểm toán 30a, đơn vị đã nhận được 8 ý kiến đóng góp bằng văn bản của các đơn vị tham gia (2 ý kiến đồng ý với đề cương đã ban hành; 6 ý kiến đề nghị chỉnh sửa bổ sung một số nội dung), trên 24 đơn vị được gửi công văn góp ý bổ sung, chỉnh sửa Đề cương kiểm toán 30a KTNN Khu vực VII.

Tại hội nghị trực tuyến, đại diện KTNN chuyên ngành III cho rằng, đề cương kiểm toán nên nâng cấp lên thành Quy trình kiểm toán 30A vì chương trình kiểm toán 30A kéo dài đến năm 2020, đây là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước. Hiện tại trong đề cương kiểm toán chương trình 30a chưa xác định các rủi ro trọng yếu, đánh giá kiểm soát hệ thống nội bộ và hệ thống thu thập thông tin. Về hồ sơ, biểu mẫu đề nghị bổ sung làm rõ thêm 2 nội dung kiểm toán: thứ nhất là đánh giá và có kết luận việc thực hiện cơ chế, chính sách và các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, việc này đánh giá thêm 4 nhóm chính sách: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập; nhóm chính sách giáo dục, đào tạo nghề và nâng cao dân trí; nhóm chính sách cán bộ; và cơ chế đầu tư sở hạ tầng ở thôn, bản, xã, huyện... Hai là về mục tiêu kiểm toán, đề nghị bổ sung đánh giá và có kết luận về mục tiêu của chương trình, các chỉ tiêu này do các huyện căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương và đăng ký, xác định trong đề án (hơn 20 chỉ tiêu).

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng tổng hợp KTNN khu vực XII, có ý kiến trên thực tế được tổng hợp các báo cáo kiểm toán chuyên đề 30a tại tỉnh Kon Tum cho thấy, khi lập các phụ biểu, tất cả các địa phương đều lúng túng, trong khi mục tiêu cuối cùng chỉ để là nắm thông tin các dự án lồng ghép trên địa bàn. Do đó, nên đơn giản và giảm bớt các số liệu, thông tin phải báo cáo, bỏ bớt các nội dung đánh giá về 4 nhóm chính sách và các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Ví dụ như về điều tra, phỏng vấn tính phù hợp, hiệu quả hay sự bất cập chính sách theo mẫu của Bộ NN&PTNT như tỉ lệ cây con, trâu bò, công trình, vườn cây... là rất khó thực hiện. Thực tế, cán bộ xã không đủ năng lực làm, hoặc có làm là để cho đủ hồ sơ. Kiểm toán khó có số liệu, căn cứ chính xác để đánh giá, kết luận.

Đại diện kiểm toán khu vực khu vực II, III, VI và XI cho rằng, hệ thống báo cáo quy định trong đề cương còn tương đối dài, đề xuất cần xoay quanh trọng tâm chính trong kiểm toán 30a. Mục tiêu chính là phải kiểm toán cho được tiêu chí xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Nghĩa là chỉ bổ sung những chỉ tiêu nào thiết thực, quan trọng để phục vụ việc đánh giá rõ 2 tiêu chí giảm nghèo nhanh và bền vững mà địa phương triển khai. Theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng khu vực XI, cần phải có cách tiếp cận thực tế hiệu quả, thực chất hơn. Ví dụ trong mẫu báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán 30a, phần kết quả kiểm toán kết quả chương trình rất dễ xảy ra việc kiểm toán viên chép báo cáo địa phương. Do đó, cần phải quy định việc tiếp cận, phát hiện và có kết luận kiểm toán riêng...

 

Tiếp thu ý kiến tại tọa đàm, ông Hoàng Quang Hàm đại diện tổ soạn thảo cho biết, việc kiểm toán Chương trình 30a theo hướng mở tuân thủ đề cương kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia; Đề cương thiết kế bao trùm tất các các nội dung của Chương trình tập trung vào 2 nội dung chính: Phương thức tổ chức kiểm toán (tổ chức kiểm toán ở các chuyên ngành, các khu vực, thực hiện kiểm toán lồng ghép…) và tập trung hướng dẫn chi tiết nội dung kiểm toán theo từng cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương (tỉnh huyện, xã); hướng dẫn căn cứ tài liệu kiểm toán gồm: căn cứ pháp lý, hồ sơ, tài liệu, số liệu cần thu thập để kiểm toán nội dung đó; hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán, thủ tục kiểm toán. Việc xác định trong yếu, rủi ro kiểm toán sẽ căn cứ vào qui trình kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia và các thông tin, tài liệu, số liệu thu thập được của các đoàn kiểm toán và thể hiện trong kế hoạch kiểm toán của đoàn kiểm toán được duyệt.

Đối với nhóm ý kiến về việc xoay xung quanh mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững để xây dựng đề cương và bỏ bớt các nội dung đánh giá về 4 nhóm chính sách và các chỉ tiêu kinh tế xã hội, Tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu soạn thảo theo hướng dẫn mở, xác định những chỉ tiêu cố định phải thu thập để đánh giá và các chỉ tiêu mang tính hướng dẫn để tùy thuộc vào việc xác định trong yếu, rủi ro và nhân lực, cũng như điều kiện của các địa phương được kiểm toán, để có thể thu thập hoặc không thu thập số liệu, đưa vào đề cương hướng dẫn chi tiết. củ thể. Tổ soạn thảo sẽ, nghiên cứu xem xét tất các các ý kiến tham gia và chỉnh sửa bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân biểu dương sự nổi lực của tổ soạn thảo, các ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục gửi ý kiến đóng góp về Tổ soạn thảo. Phó Tổng KTNN cho rằng, các ý kiến đã tập trung, nhiều ý kiến đã đi sâu vào chi tiết thể hiện trách nhiệm cao, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thiện dự thảo đề cương kiểm toán chương trình 30a của KTNN. Đồng thời, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo Tổ soạn thảo phối hợp với các đơn vị chức năng để rà soát lại nội dung góp ý khẩn trương chỉnh sửa và sớm hoàn thiện dự thảo Quy trình để trình lãnh đạo KTNN xem xét.

T.H

Xem thêm »