(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 25/2/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 356/QĐ-TTg: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm ưu tiên đầu tư phát triển, tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, Chính phủ tập trung nguồn lực để xây dựng, nâng cấp một số tuyến có nhu cầu vận tải lớn, xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, các trục cao tốc trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo hành lang an toàn giao thông.
Mục tiêu phát triển trong giai đoạn đến năm 2020: Đạt khối lượng khách vận chuyển đạt 5,6 tỷ hành khách, với 154,56 tỷ hành khách luân chuyển; khối lượng hàng vận chuyển 1.310 triệu tấn với 73,32 tỷ hàng hóa luân chuyển; phương tiện ô tô các loại có khoảng 3,2 - 3,5 triệu xe. Ưu tiên nâng cấp QL1, XD một số đoạn tuyến cao tốc Bằc-Nam, tuyến nối TP Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với các cảng cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng. Triển khai thực hiện Quỹ Bảo trì đường bộ để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Dành 16-26% quỹ đất xây dựng tại các đô thị cho hạ tầng giao thông đường bộ. Ưu tiên phát triển đường giao thông nông thôn cho phương tiện cơ giới tới tất cả các trung tâm xã hoặc cụm xã.
Định hướng đến năm 2030: Thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải với chất lượng cao, kết nối được với các phương tiện vận tải khác, nhất là các điểm chuyển tải khách đường dài với vận tải hành khách đô thị. Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục xây dựng các đoạn tuyến cao tốc; đường đô thị; đường vành đai.
Quy hoạch phát triển đến năm 2020: ưu tiên phát triển giao thông trục dọc Bắc-Nam, QL1 từ Hữu Nghị Quan - Lạng Sơn đến Năm Căn - Cà Mau; đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó - Cao Bằng đến Đất Mũi - Cà Mau.
Khu vực phía Bắc: ưu tiên phát triển các tuyến nan quạt gồm QL5, QL8, QL2, QL3, QL6, QL32, QL32B, QL32C, QL70; Các tuyến vành đai gồm các đường: Vành đai 1, 2, 3; Các tuyến quốc lộ khác gồm: QL18C, QL10, QL38, QL38B, QL39, QL12B, QL21, QL21B, QL2B, QL2C, QL31, QL34, QL3B, QL1B, QL43, QL4E, QL4G, QL12, QL100 và các đường: Nội Bài - Bắc Ninh, đường nối cảng Ninh Phúc, đường Nghi Sơn - Bãi Trành và hoàn thành cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Việt Trì II, Mễ Sở.
Khu vực miền Trung: ưu tiên phát triển QL217, QL47, QL45, QL48, QL48B, QL48C, QL7, QL46, QL8, QL8B, QL12A, QL12C, QL15, QL15B, QL9, QL49, QL14B, QL14D, QL14C, QL14E, QL14G, QL24, QL24B, QL19, QL25, QL29, QL26, QL27, QL27B, QL 28, QL49B, QL40, QL1D, QL1C và đường Trường Sơn Đông.
Khu vực phía Nam: ưu tiên phát triển khu vực Đông Nam Bộ, với các QL51, QL55, QL56, QL22, QL22B, QL13, QL20, QL1K; XD và hoàn thành các cầu lớn qua sông Sài Gòn, sông Đồng Nai như: cầu Sài Gòn 2, cầu Đồng Nai 2, cầu Hóa An, các cầu Thủ Thiêm 2,3,4, cầu Nhơn Trạch vành đai 3 và cầu Bình Lợi 2.
Khu vực Tây Nam Bộ, ưu tiên phát triển các tuyến N1, QL50, QL62, QL30, QL54, QL53, QL57, QL60, QL61, QL61B, QL63, QL80, QL91, QL91B, QL91C, đường Quảng Lộ - Phụng Hiệp, tuyến N2; XD và hoàn thành các cầu lớn: cầu Đức Huệ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Cổ Chiên, Đại Ngải, Đình Khao, Xẻo Rô - Tắc Cậu.
Trong giai đoạn từ nay đến 2020, Chính phủ cũng ưu tiên xây dựng và nâng một số tuyến lên quốc lộ; nhanh chóng phát triển mạng đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2020 có trên 2.000 km đường bộ cao tốc; nghiên cứu và bổ sung một số một số tuyến cao tốc, điều chỉnh hướng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; đường bộ ven biển; đường hành lang biên giới; phát triển hệ thống đường tỉnh; định hướng phát triển: giao thông đường bộ đô thị, giao thông nông thôn, phát triển vận tải, bến bãi và điểm dừng...
Dự kiến nhu cầu đất sử dụng cho mạng lưới quốc lộ đến 2020 khoảng 77.934ha, trong đó cần bổ sung cho phát triển mạng lưới QL đến 2020 khoảng 21.203ha. Nhu cầu đất phát triển đường bộ cao tốc đến 2020 khoảng 41.100ha, trong đó bổ sung thêm khoảng 38.200ha; nhu cầu đất phát triển đường Hồ Chí Minh đến 2020 khoảng 8,873ha.
Ước vốn đầu tư XD kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không bao gồm QL1 và đường Hồ Chí Minh đến 2020: 255.701 tỷ đồng cho quốc lộ; QL1 khoảng 89.362 tỷ đồng; đường Hồ Chí Minh khoảng 240.839 tỷ đồng; đường bộ cao tốc khoảng 392.379 tỷ đồng; đường bộ ven biển khoảng 28.132 tỷ đồng; đường tỉnh khoảng 120.000 tỷ đồng; giao thông đường bộ đô thị cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khoảng 280.500 tỷ đồng; giao thông nông thôn khoảng 151.404 tỷ đồng. Vốn bảo trì đường bộ cho TW quản lý đến 2020 bình quân khoảng 6.700 tỷ đồng/năm; đường địa phương khoảng 5.500 tỷ đồng/năm.
K.Vy