Kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa

23/02/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Chiều 22/02, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến góp ý cho đề cương kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến xung quanh 04 nội dung chính của cuộc kiểm toán tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính bao gồm: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Theo Ông Nguyễn Hồng Long – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, đại diện tổ soạn thảo, đề cương kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật KTNN, hệ thống chuẩn mực, quy trình KTNN, các quy định của nhà nước về xác định giá trị doanh nghiệp và thực tiễn hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đây là nội dung kiểm toán mới, phức tạp, các đơn vị tổ chức thực hiện chưa có nhiều kinh nghiệm vì vậy trước khi triển khai soạn thảo, Tổ soạn thảo đã chủ động phối hợp với các đơn vị tham mưu như Vụ tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN khu vực I để cùng thảo luận, thống nhất khung đề cương. KTNN chuyên ngành VI cũng nhận được sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của KTNN chuyên ngành V trong quá trình soạn thảo.

Nghiên cứu, đánh giá sơ bộ đề cương hướng dẫn kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, đại diện các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực cho rằng các nội dung trong đề cương hướng dẫn cơ bản đầy đủ, phù hợp với yêu cầu chung. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng Tổ soạn thảo cần có sự điều chỉnh về mặt từ ngữ, thể thức văn bản đồng thời cần xác định rõ giới hạn kiểm toán, thời gian kiểm toán, trọng tâm và rủi ro kiểm toán.

Về vấn đề kiểm toán việc xử lý tài chính của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, KTNN khu vực I đề nghị Tổ soạn thảo làm rõ có hay không kiểm toán việc xử lý tài chính của tổ chức thẩm định giá để bổ sung thêm vào quá trình thực hiện kiểm toán bởi đề cương mới chỉ đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp mà chưa đề cập trách nhiệm của tổ chức thẩm định giá. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V cho biết, qua thực tế kiểm toán lĩnh vực DNNN, chủ yếu các doanh nghiệp hiện nay xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản. Trong hướng dẫn, những nội dung liên quan đến phương pháp tài sản xác định giá trị doanh nghiệp, cần thiết phải xem xét sự đúng đắn, trung thực của các chỉ tiêu báo cáo tài chính và đặc biệt là bảng cân đối tài sản; từ đó xác định được giá trị tài sản tại thời điểm xác định để cổ phần hóa có chính xác, trung thực hay không. Nếu thực hiện các chỉ tiêu xem xét kiểm toán việc thu chi cân đối kế toán như kiểm toán báo cáo tài chính thì sẽ đảm bảo được tính thận trọng và đưa ra giá trị tài sản khi cổ phần hóa chính xác hơn. Về vấn đề này, trong quá trình làm, KTNN chuyên ngành V đã trao đổi rất nhiều với các đơn vị chức năng cũng như một số chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp. Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đề cương cần bổ sung thêm nội dung đánh giá việc lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp. “Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng trong quá trình xử lý tài chính trước khi cổ phần hóa. Mà xử lý tài chính và xác đinh giá trị doanh nghiệp là hai nội dung chủ yếu trong đề cương này.”

Kết thúc buổi tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng phát biểu hoan nghênh những ý kiến góp ý tâm huyết của các đơn vị trong ngành đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Tổ soạn thảo. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng đây là một trong những nội dung kiểm toán mới, do đó trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị cần hết sức thận trọng, tránh sự chủ quan, vội vàng để hạn chế tối đa rủi ro. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành sau buổi tọa đàm tiếp tục gửi ý kiến về Tổ soạn thảo để Tổ soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh các nội dung còn chưa phù hợp, đảm bảo việc ban hành và áp dụng phù hợp, hiệu quả./.

Hà Linh

 

 

Xem thêm »