(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 21/02, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến chuyên môn toàn ngành về chuyên đề quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 – 2012. Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của KTNN. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng đã chỉ đạo Hội nghị.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về nội dung đề cương như đối tượng, mục tiêu, nội dung kiểm toán các chỉ tiêu đánh giá, và tổ chức thực hiện khi tiến hành kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 – 2012. Theo đại diện KTNN khu vực I, nội dung trong Đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2010 - 2012 đã giúp đơn vị định hướng nghiệp vụ, quy trình kiểm toán chuyên đề TPCP. Tuy nhiên đề cương hướng dẫn có bổ sung thêm các tài liệu, chỉ tiêu cần thu thập trong quá trình khảo sát để thực hiện kiểm toán; Hai là bổ sung hồ sơ, mẫu biểu về kế hoạch chung kiểm toán TPCP. Trên cơ sở căn cứ kế hoạch chung đó, cơ sở sẽ thu thập trong quá trình kiểm toán. Các nội dung trong báo cáo kiểm toán cũng cần phù hợp với nội dung trong đề cương. Vì trong dự thảo đề cương nêu nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mà chưa xác định rõ nguồn lực này trong hệ thống quản lý đầu tư nhà nước (đây là nguồn hỗ trợ có mục tiêu ngân sách địa phương, nguồn vốn này Trung ương có báo cáo riêng....) trong báo cáo kiểm toán chưa đưa vào. Nếu không cụ thể sẽ khiến các đơn vị thực hiện lúng túng.
Ông Hoàng Quang Hàm, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII cho rằng, cần làm rõ hơn nội dung biểu mẫu hướng dẫn, phân định rõ ràng mục tiêu kiểm toán. Trong hướng dẫn cũng chưa hướng dẫn việc quản lý sau đầu tư. Do đó, kiểm toán nên đề cập vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó vụ Trưởng Vụ Tổng hợp, trong Đề cương xác định chỉ kiểm toán các công trình có vốn TPCP, nhưng thực tế có những công trình lồng ghép cả vốn vay và vốn khác. Do đó, cần phải xác định phạm vi nguồn vốn tham gia dự án cụ thể và hình thức xử lý riêng. Bên cạnh đó, đại biểu Vụ Tổng hợp, Vụ chế độ và kiểm soát chất lượng, KTNN khu vực V, XI... cũng cơ bản đồng thuận và đề nghị Đề cương cần tập trung theo hướng kiểm toán hoạt động, nên cần phải có các tiêu chí đánh giá hiệu quả bám sát các báo cáo quyết toán, biểu mẫu yêu cầu báo cáo theo quy định của pháp luật và niên độ báo cáo cụ thể.
Tham luận tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu bổ sung các nội dung về thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi… liên quan việc quản lý sử dụng, phân bổ nguồn vốn. Nhiều đại biểu cho rằng, chuyên đề này nội dung đề cương nên hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thực hiện kiểm toán. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều nội dung giải pháp cũng như đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với thực tiễn của công tác kiểm toán nguồn vốn TPCP.
Ông Lưu Trường Kháng đại diện Ban soạn thảo Đề cương đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự tọa đàm. Theo đó, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để bổ sung, chỉnh sửa đảm bảo các nội dung, quy trình, phương pháp xây dựng trong Đề cương này. Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, tham gia để tiếp tục hoàn thiện và trình lãnh đạo kiểm toán phê duyệt.
Tổng kết tọa đàm, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng biểu dương Ban soạn thảo đã nỗ lực xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề TPCP. Phó Tổng kiểm toán cho rằng, đề cương mới là bước đầu định hướng khung nghiệp vụ, do đó cần phải được toàn ngành góp ý, bổ sung chỉnh sửa để hoàn thiện. Các ý kiến của đại diện các đơn vị tại buổi tọa đàm sẽ được lựa chọn, tiếp thu, chỉnh sửa. Sau khi hoàn chỉnh sẽ mời các đơn vị tham mưu, các chuyên ngành, khu vực và đơn vị tham mưu tham gia, đóng góp ý kiến và cuối cùng sẽ đưa ra để ban cán sự xem xét và ký ban hành.
Phó Tổng kiểm toán lưu ý, việc quản lý, sử dụng TPCP giai đoạn 2010 - 2020 là một chương trình lớn của toàn quốc nhằm phục vụ đáp ứng theo yêu cầu của nhân dân, Quốc hội, Chính phủ. Muốn đạt được mục tiêu thì Đề cương kiểm toán phải kết hợp được giữa kiểm toán báo cáo tuân thủ với kiểm toán hoạt động để đánh giá được tính trung thực hợp lý cũng như hiệu quả nguồn vốn này. Bên cạnh đó những tồn tại, bất cập về thể chế, cơ chế, và thực tế triển khai cũng sẻ được nêu vào trong báo cáo để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội sửa đổi hạn chế này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
T.H