Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước

01/02/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 01 tháng 02 năm 2013, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định số 62/QĐ-KTNN ban hành "Quy định về quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước". Đối tượng áp dụng quy tắc ứng xử là Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Kiểm toán viên (KTV) Nhà nước, cộng tác viên kiểm toán, các công chức khác của KTNN tham gia hoạt động kiểm toán.

Quy định này được ban hành nhằm chuẩn mực hoá việc ứng xử của KTV Nhà nước khi thực hiện hoạt động kiểm toán, trong quan hệ xã hội, thực hiện công khai các hoạt động kiểm toán; nâng cao ý thức trách nhiệm của KTV Nhà nước, uy tín của cơ quan KTNN, tăng cường hiệu quả hoạt động, chất lượng kiểm toán của KTNN.

Theo Quy định, trong thực hiện hoạt động kiểm toán, KTV Nhà nước phải tuân thủ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Kiểm toán Nhà nước, Bộ luật Lao động, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng - chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác. Trong trường hợp, KTV Nhà nước là đảng viên phải tuân thủ quy định những điều đảng viên không được làm. Việc ứng xử của KTV Nhà nước được quy định cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ và trong các mối quan hệ công tác:
 
Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTV Nhà nước phải thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTV Nhà nước được quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước và các văn bản khác có liên quan; tuân thủ đầy đủ các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của KTV Nhà nước như độc lập, khách quan và chính trực, có lương tâm trách nghiệp nghề nghiệp, bảo vệ, tôn trọng lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và của đơn vị được kiểm toán; không làm các công việc ảnh hưởng tới nhân cách hoặc tổn hại kết quả thực hiện công vụ của mình, làm ảnh hưởng đến uy tín của KTNN,... KTV Nhà nước phải thực hiện công việc với sự thận trọng và có trách nhiệm giữ bí mật quốc gia, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán; bảo vệ các thông tin thu thập được từ các đơn vị kiểm toán và các thông tin nội bộ của KTNN. Trong quá trình làm việc, KTV Nhà nước phải đeo thẻ, sử dụng trang phục KTV theo quy định của KTNN; thẻ và trang phục KTV phải được giữ gìn cẩn thận, không được đem cho, cho mượn, bán hoặc làm quà tặng.

Ứng xử trong mối quan hệ với đơn vị được kiểm toán, KTN Nhà nước phải có thái độ ứng xử văn hoá, lắng nghe, tôn trọng, lịch thiệp, thiện chí; ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không được lợi dụng danh nghĩa KTNN để thực hiện hành vi trái pháp luật như nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần nhằm vụ lợi; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; không được cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; không tiết lộ thông tin về tình hình và kết luận kiểm toán khi chưa được công bố chính thức; tôn trọng các quy định nội bộ của đơn vị được kiểm toán.

Ứng xử trong mối quan hệ nội bộ KTNN, phải tôn trọng lãnh đạo, người quản lý. Không lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại uy tín của cán bộ lãnh đạo quản lý và đồng nghiệp. Trong quan hệ với đồng nghiệp, KTV Nhà nước phải trung thực, thân thiện, tôn trọng, bảo vệ danh dự và giữ uy tín của đồng nghiệp, không quấy rối, gây phiền hà hoặc coi thường đồng nghiệp trong cơ quan. Đối với KTV Nhà nước là lãnh đạo, quản lý phải xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức và văn hóa công sở trong cơ quan, đơn vị, trong Đoàn, trong Tổ Kiểm toán; tôn trọng và tạo niềm tin cho KTV khi giao nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện kiểm toán; bảo vệ danh dự của KTV khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật. Không được che dấu, bưng bít và làm sai lệch nội dung phản ánh của cấp dưới, của cơ quan tổ chức khác hoặc của công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do đơn vị mình được giao thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Ứng xử trong mối quan hệ với cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thông tin báo chí và với tổ chức, cá nhân nước ngoài, KTV Nhà nước chỉ cung cấp những thông tin tài liệu về kiểm toán với các cơ quan, tổ chức có liên quan một cách trung thực, đúng đắn khi có kết luận chính thức của KTNN và được Lãnh đạo KTNN giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật tại Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của KTNN.

Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, KTV Nhà nước phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của Tổ, Đoàn Kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến tổ chức thực hiện kiểm toán.

Khi tham gia các hoạt động xã hội khác, KTV Nhà nước phải thể hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong giao tiếp, ứng xử để mọi người tin yêu; chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến về hoạt động kiểm toán, về phòng, chống tham nhũng, các văn bản pháp luật khác. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mạo danh để tạo thanh thế khi tham gia các hoạt động trong xã hội và không được vi phạm các quy định về nội quy và quy tắc, các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng để đảm bảo sự văn minh, tiến bộ của xã hội,...

Để thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của KTV Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN quán triệt, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này của các KTV trong đơn vị; phê bình, chấn chỉnh các vi phạm hoặc đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xử lý các vi phạm đối với KTV trong đơn vị. Các KTV Nhà nước có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Quy tắc ứng xử và vận động các KTV Nhà nước khác thực hiện đúng các quy định của Quy tắc này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 07/2008/QĐ-KTNN ngày 16/5/2008./.

Xem thêm »