Trao đổi với báo Tiền Phong, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Đinh Tiến Dũng cho rằng, Luật KTNN được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực thi hành đã mở ra giai đoạn phát triển mới của KTNN. Luật KTNN quy định KTNN chỉ là "cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước" là chưa phản ánh đúng bản chất công việc của cơ quan KTNN - là cơ quan thực hiện "kiểm tra, đánh giá, xác nhận trong quản trị nguồn lực quốc gia". Hơn nữa, việc quy định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp theo thông lệ quốc tế là vô cùng cần thiết.
Ông Đinh Tiến Dũng - Tổng Kiểm toán Nhà nước
Thưa ông, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước chưa được quy định trọng Hiến pháp đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN ra sao?
Trong những năm qua, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định trong "Luật KTNN" đã giúp cho KTNN hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của ngành, nhưng do địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN mới chỉ được quy định trong Luật Kiểm toán mà chưa được quy định trong Hiến pháp - Đạo luật cơ bản của Nhà nước - hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và thông lệ quốc tế nên dẫn đến sự hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trong những năm qua.
Trong hoạt động kiểm toán, tính độc lập là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy, tính độc lập và địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN phải được xác định trong Hiến pháp. Địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN cũng chưa được quy định trong Hiến pháp đã dẫn đến những quy định về KTNN thiếu tính ổn định, chưa tương xứng và nhận thức chưa đúng về vai trò của KTNN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hơn nữa, sự thiếu tương thích giữa Luật KTNN với những Luật về tổ chức, bộ máy nhà nước như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật KTNN, Luật Phòng chống tham nhũng cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Cũng phải thừa nhận rằng, KTNN chưa tiến hành được nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề với các nội dung được xã hội quan tâm, chất lượng kiểm toán có mặt còn giới hạn; chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN còn thiếu, trình độ, kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động còn hạn chế; các văn bản, quy trình, quy phạm, chuẩn mực trong hoạt động kiểm toán còn bất cập...
Trên thế giới, KTNN có chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia, trong khi Luật KTNN hiện hành quy định: “KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước...” có gây ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của KTNN? thưa ông.
Luật KTNN quy định KTNN chỉ là "cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước" quả thật “chưa đúng tầm” đối với cơ quan KTNN trong quản trị nguồn lực quốc gia như các nước trên thế giới đã quy định. Trong điều kiện đất nước ta đang đổi mới, cơ chế quản lý kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng. Luật KTNN quy định Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ”. Trong khi cả Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ đều không có nội dung nào quy định về vấn đề này. Chính vì vậy dẫn tới nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa thật đầy đủ và toàn diện, thậm chí còn có nhận thức sai lệch, không đúng về vị trí pháp lý, tổ chức, hoạt động KTNN và địa vị pháp lý của KTNN.
Trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, KTNN đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN. Một số nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực kiểm toán cũng được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến sẽ được Luật định cụ thể.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của KTNN, cần thiết phải quy định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp ra sao? thưa ông.
KTNN là công cụ đắc lực phục vụ việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tiền tài sản và nguồn lực của nhà nước. Từ quy định KTNN “do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, cần bổ sung trong Hiến pháp một số quy định, đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật về: bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 84 của Hiến pháp đối với quyền “thành lập KTNN”; KTNN “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” tất yếu phải được quy định trong Hiến pháp.
Việc quy định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp, trước hết nhằm tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán đã được ghi nhận trong Tuyên bố Lima (1977), Tuyên bố Mexico (2007) của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao. Để bảo đảm tính độc lập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, KTNN đề xuất bổ sung vào Hiến pháp một số điều quy định về KTNN và Tổng KTNN như sau:
"KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia"; "Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của KTNN do Luật định".
"Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu KTNN, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của KTNN. Tổng KTNN báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội"; "Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”; “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm”.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đứng trước một vị trí pháp lý rất chơi vơi. Tổng KTNN không hề giống một chức danh nào Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở vị trí tương đương như Bộ trưởng hoặc cao hơn, đó là: không có quyền và nghĩa vụ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây có phải là một cản trở lớn cho cả đại biểu Quốc hội và cả Tổng KTNN?
Trong các kỳ họp Quốc hội, để thực hiện nhiệm vụ của mình, Quốc hội rất cần làm rõ các vấn đề liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp nhà nước. Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được nêu ra trên nghị trường, trong quá trình chất vấn cần được thảo luận và trao đổi làm rõ để đi đến các quyết định về chủ trương chính sách, pháp luật... Theo kế hoạch kiểm toán hàng năm, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; kiểm toán báo cáo tài chính các Tập đoàn, Tổng công ty và Doanh nghiệp nhà nước; kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư; kiểm toán các chuyên đề... Do vậy, Quốc hội, Chính phủ có thể có được một sự khẳng định, một trả lời chính thức từ cơ quan kiểm toán mà người đứng đầu là Tổng Kiểm toán Nhà nước và chịu trách nhiệm về "kiểm tra, đánh giá, xác nhận" các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thực tế, các quy định hiện tại của pháp luật chưa quy định quyền và nghĩa vụ trả lời chất vấn trước Quốc hội của Tổng Kiểm toán Nhà nước mà mới chỉ ở hình thức cung cấp Báo cáo kiểm toán NSNN hàng năm, Báo cáo ý kiến, Báo cáo cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội. Nhiều vấn đề cần truyền tải các thông tin về công tác quản lý, điều hành Ngân sách, vốn và tài sản nhà nước tại các địa phương có liên quan đến chuyên môn kiểm toán nhưng mối quan hệ công tác của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan dân cử ở địa phương cũng chưa được luật hóa mà mới chỉ ở mức độ Quy chế phối hợp giữa các bên.
Rõ ràng đây chính là các trở ngại đáng kể cho Quốc hội, Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng của mình là xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát tối cao.
Nếu được quy định rõ trách nhiệm của Tổng KTNN là: hàng năm báo cáo hoạt động và kết quả kiểm toán trước Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ông có sẵn sàng?
Tìm hiểu hoạt động thực tế sinh động từ các Nghị viện trên thế giới, từ thực tế Việt Nam và để khắc phục hạn chế nêu trên, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này, liên quan đến các nội dung đề cập đến địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội và Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp đã trao đổi, xem xét vấn đề và trình dự thảo phương án "Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội".
Nếu nội dung này được thông qua sau khi xin ý kiến nhân dân thì trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước trước nhân dân, Đảng, Quốc hội và Chính phủ được nâng lên một tầm cao mới.
Việc phải báo cáo công tác trước Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội giúp cho Quốc hội nắm được các hoạt động của kiểm toán thông qua quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, quá trình triển khai kiểm toán, hiệu quả và các kết quả kiểm toán đạt được cũng như các tồn tại của hoạt động kiểm toán. Quá trình báo cáo, trao đổi, trả lời chất vấn với đại biểu Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan Quốc hội về các vấn đề có liên quan đến quản lý nền tài chính quốc gia, nguồn lực đất nước mà các đối tượng quan tâm cùng với công tác tổ chức, hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước là các căn cứ quan trọng để Quốc hội đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Được giao phó trách nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước, tôi ý thức và xác định được sự tin tưởng của nhân dân, Đảng, Nhà nước với mình, sát cánh cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ của Kiểm toán Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ được giao và sẵn sàng báo cáo trước Quốc hội, trả lời các vấn đề Quốc hội yêu cầu với một tinh thần gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, đạo đức lối sống, sát sao trong chỉ đạo điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn.
Ở nhiều nước, khi Nghị viện xem xét, thảo luận và quyết định ngân sách, Tổng Kiểm toán được bố trí một ghế sẵn sàng trả lời những vấn đề liên quan khi các Nghị sĩ yêu cầu, nhằm giúp họ có cơ sở biểu quyết thông qua những vấn đề tài chính quốc gia được chính xác. Như vậy, năng lực, uy tín của Tổng Kiểm toán đối với Nghị viện là rất dễ kiểm chứng. Ở Việt Nam, theo ông có nên áp dụng phương thức hoạt động này?
Việc áp dụng phương thức báo cáo, trao đổi, trả lời chất vấn, trao đổi thông tin... trên Nghị trường, dù với hình thức "Tổng Kiểm toán Nhà nước được bố trí một ghế thường xuyên, luôn sẵn sàng trả lời những vấn đề liên quan khi được yêu cầu" hay "có mặt khi liên quan đến các nội dung báo cáo, phạm vi lĩnh vực hoạt động, phụ trách" thì cũng luôn đòi hỏi ở Tổng Kiểm toán Nhà nước một sự sẵn sàng, nghiêm túc, trách nhiệm cao trong báo cáo, trao đổi, trả lời chất vấn ... với một mong muốn thỏa mãn và cung cấp đầy đủ câu trả lời, thông tin có chất lượng cao tới các Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có thể yên tâm khi biểu quyết thông qua vấn đề liên quan.
Thông qua quá trình báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin, trả lời chất vấn với đại biểu Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan Quốc hội về các vấn đề có liên quan đến quản lý nền tài chính quốc gia, nguồn lực đất nước kết hợp với đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, Đại biểu Quốc hội có thể đánh giá năng lực chuyên môn, uy tín, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Để tăng cường vai trò của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, theo ông cần bổ xung những quy định pháp luật gì?
Tôi đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội đã nêu trong quá trình thảo luận sửa đổi Hiến pháp "để chống tham nhũng tốt thì Quốc gia nào cũng buộc phải xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả ngay từ trong Hiến pháp". Để có thể làm được điều này, trước hết phải thực hiện các giải pháp hoàn thiện các thể chế, các quy định của pháp luật phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng; hạn chế các kẽ hở của pháp luật trong các hoạt động quản lý, điều hành, thực thi. Nội dung các quy định của pháp luật cũng cần phải mạnh mẽ, cương quyết, minh bạch, gắn với trách nhiệm cụ thể hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm với các hành vi tham nhũng, không bỏ sót một ai, không chừa một "vùng cấm" nào. Việc sửa đổi Hiến pháp theo lộ trình có nội dung liên quan đến bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chính là nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của KTNN, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó Nhà nước ta cũng cần phải làm tốt công tác giáo dục ý thức, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng đi đôi với cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân kết hợp với tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử.
Xin trân trọng cảm ơn ông!