Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp

24/01/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 22/01/2013, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 28/QĐ-KTNN ban hành Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp (thay thế Quyết định số 463/QĐ-KTNN ngày 31/3/2011) và Quyết định số 29/QĐ-KTNN ban hành tài liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp của KTNN. Mục tiêu của chương trình là bồi dưỡng công chức đang làm nhiệm vụ kiểm toán có trình độ cao về nghiệp vụ chuyên môn; có năng lực tổ chức, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán đặc biệt là các cuộc kiểm toán phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực; có năng lực xây dựng và quản trị chiến lược phát triển ngành, kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn.

Theo Quyết định, những đối tượng được bồi dưỡng gồm: công chức ở ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương (không giữ ngạch kiểm toán viên cao cấp) được phân công làm nhiệm vụ kiểm toán; công chức ở ngạch kiểm toán viên chính đang làm nghiệp vụ kiểm toán có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định.

Trong thời gian 04 tuần với 160 tiết học, nội dung bồi dưỡng tập trung vào 13 chuyên đề, được chia thành 04 học phần, cụ thể:

(1) Học phần I: Cơ sở pháp lý và nghề nghiệp về tổ chức và hoạt động KTNN, gồm 03 chuyên đề về: Địa vị pháp lý của cơ quan Kiểm toán tối cao; Tổ chức và hoạt động của cơ quan Kiểm toán tối cao; Hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán của cơ quan Kiểm toán tối cao.

Nhóm chuyên đề này nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức các vấn đề chung về SAI của các nước; Địa vị pháp lý, tính độc lập của SAI và người đứng đầu SAI; Quyền hạn, trách nhiệm, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu SAI và các nhân sự cao cấp của SAI; Hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam. Tìm hiểu các vấn đề chung về tổ chức, hoạt động của SAI và hoàn thiện tổ chức, hoạt động của KTNN Việt Nam. Trong nhóm chuyên đề này, còn đề cập đến hệ thống chuẩn mực, Quy trình, phương pháp kiểm toán của SAI và hoàn thiện chuẩn mực, Quy trình, phương pháp kiểm toán của KTNN Việt Nam.

(2). Học phần II: Phân tích chính sách kinh tế phục vụ cho công tác kiểm toán của KTNN, gồm 02 chuyên đề về: Phân tích tình hình và chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho công tác kiểm toán; Phân tích và đánh giá tính bền vững của NSNN trong kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN.

Nhóm chuyên đề này nhằm cung cấp bổ sung những kiến thức về cơ chế kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, phân tích chính sách kinh tế vĩ mô, tình hình thực hiện chính sách tài chính tiền tệ phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN; Tìm hiểu lý luận, phân tích về đánh giá tính bền vững của NSNN trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN và vai trò của KTNN.

(3). Học phần III: Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KTNN với 04 chuyên đề về xu hướng phát triển các cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới; Xây dựng và quản trị chiến lược phát triển ngành; Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam; Xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Nhóm chuyên đề này nhằm cung cấp những lý luận cơ bản về lịch sử ra đời và phát triển các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới; Vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức của INTOSAI, ASOSAI; Xu hướng phát triển các loại hình kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao thế giới; Xây dựng, tổ chức xây dựng quá trình thực hiện chiến lược phát triển ngành; Các quan điểm, mục tiêu, nội dung, kế hoạch hành động thực hiện theo Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2020 và vận dụng xây dựng Chiến lược phát triển trong từng lĩnh vực kiểm toán; Xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán hàng năm.

(4). Học phần IV: Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN với 04 chuyên đề về tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của đơn vị và đoàn kiểm toán; Tổ chức và quản lý các loại hình cuộc kiểm toán; Tổ chức quản lý và kiểm soát chất lượng kiểm toán; Mối quan hệ trong hoạt động kiểm toán của KTNN với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND, UBND và các đơn vị được kiểm toán.

Nhóm chuyên đề này nhằm cung cấp kiến thức cho người học nâng cao năng lực tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán như tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực, của đoàn kiểm toán, quan hệ công tác của đoàn kiểm toán; Hướng dẫn, đào tạo và quản lý kiểm toán viên; Kinh nghiệm quốc tế của các cơ quan KTNN các nước về tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán; Hoàn thiện công tác tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của đơn vị, đoàn, tổ kiểm toán. Trong nhóm chuyên đề này, nội dung bồi dưỡng cũng đề cập đến tổ chức và quản lý hoạt động cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, cuộc kiểm toán hỗn hợp và hoàn thiện công tác tổ chức và quản lý hoạt động cuộc kiểm toán. Ngoài ra, còn trang bị thêm kiến thức về chất lượng kiểm toán, hoạt động và quy trình chung kiểm soát chất lượng kiểm toán; Hình thức, nội dung, tiêu chí, phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán,…; các mối quan hệ trong hoạt động kiểm toán với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND, UBND và các đơn vị được kiểm toán…

Cùng với việc nghe giảng, các học viên sẽ thảo luận, nghe báo cáo chuyên đề của các đơn vị trong ngành có liên quan. Đây là căn cứ để học viên viết đề án và đưa ra nhận định, phân loại, đánh giá thực tế và các đề xuất.

Quyết định quy định cụ thể việc biên soạn, giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm toán viên cao cấp của KTNN./.

Kim Dung

 

Xem thêm »