Căn cứ nội dung Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII số 32/2012/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2012 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 33/2012/QH13 ngày 15 tháng 11 năm 2012 về phân bố ngân sách trung ương năm 2013; triển khai thực hiện Quyết định số 1792/QĐ – TTg ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 222/2012/TT-BTC quy định tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Theo đó, về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đối với ngân sách địa phương, năm 2013 là năm thứ 3 trong thời kỳ ổn định ngân sách giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (2011 – 2015); tiếp tục thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo mức Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định năm 2011. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được thực hiện ổn định theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân đối với ngân sách trong thời kỳ ổn định. Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo phấn đấu tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách Thủ tướng Chính phủ giao. Việc phân bổ và giao dự toán ngân sách phải dựa trên một số cơ sở như: kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2012; căn cứ các Luật thuế, các chế độ thu; mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, lĩnh vực, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh,…
Các nội dung cơ bản liên quan đến phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển; sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính năm 2013; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, nhiệm vụ năm 2013; phân bổ và giao dự toán vốn vay, viện trợ từ nguồn vốn ngoài nước; bố trí dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phương thức triển khai…cũng được quy định trong Thông tư.
Thông tư nêu rõ nội dung thực hiện cơ chế tài chính tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2013 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương dành 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2013 (riêng ngành y tế là 35%) để thực hiện chế độ cải cách tiền lương trong năm 2013. Nếu các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thực hiện các biện pháp tạo nguồn mà không đủ nguồn thì ngân sách trung ương hỗ trợ để đảm bảo nguồn thực hiện.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp dưới trước ngày 10/12/2012.
Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách huyện trước ngày 20/12/2012. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp xã trước ngày 31/12/2012 và thực hiện phân bổ dự toán chi thường xuyên, đồng thời gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch (một bản) làm căn cứ thanh toán và kiểm soát chi.
Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, cơ quan Trung ương (đối với ngân sách trung ương) quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách; Ủy ban nhân dân các cấp (đối với ngân sách địa phương) trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình đảm bảo giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2013 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách trước ngày 31/12/2012 và tổ chức việc công khai dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả phân bổ, giao dự toán ngân sách địa phương về Bộ Tài chính chậm nhất là 05 ngày sau khi Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách theo đúng quy định.
Trường hợp trong tháng 01/2013 đơn vị sử dụng ngân sách chưa được cấp có thẩm quyền quyết định giao dự toán, cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước tạm cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ. Sau ngày 31/01/2013, Kho bạc nhà nước dừng tạm cấp kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ trường hợp đặc biệt phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan tài chính đồng cấp).
Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước như: tổ chức quản lý thu ngân sách; tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước; thực hiện cấp phát, thanh toán kinh phí; thực hiện điều chỉnh dự toán đơn vị sử dụng ngân sách; thực hiện chuyển nguồn sang năm sau; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng; thực hiện công khai tài chính, ngân sách nhà nước cũng được Thông tư đề cập.
Theo đó, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Thông tư để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền địa phương cấp dưới tổ chức thực hiện.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 và áp dụng đối với năm ngân sách 2013./.