Địa vị pháp lý Kiểm toán Nhà nước được hiến định, hoạt động sẽ hiệu quả hơn

11/01/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Theo Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan độc lập, hoạt động chỉ tuân theo pháp luật. Để khẳng định tính độc lập này, Uỷ ban sửa đổi hiến pháp đã đưa nội dung quy định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới và Dự thảo này đang trong thời gian lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Bên cạnh đó, KTNN đã tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, chuyên gia kiểm toán trong nước và quốc tế về nội dung quy định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp mới dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2013, bởi khi được hiến định, hoạt động của KTNN sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Trong buổi tọa đàm với Chủ tịch KTNN Hungary, ông László Domokos về điều chỉnh, bổ sung Luật KTNN và các văn bản pháp quy liên quan phù hợp với quy định về KTNN trong Hiến pháp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng đã thảo luận sâu vấn đề đưa địa vị pháp lý của KTNN vào hiến pháp. Phó Tổng Kiểm toán cho rằng, khi Luật Kiểm toán 2005 được ban hành đã nâng cao địa vị pháp lý của KTNN, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN được quy định đầy đủ hơn, đảm bảo tính độc lập, tạo hành lang pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của KTNN. Trên cơ sở hoạt động theo Luật KTNN, vị trí, vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định, nhất là từ khi KTNN thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. 
                                       
            Ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN vẫn còn tồn tại, bất cập. Trước hết, địa vị pháp lý, chưa tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của KTNN và thông lệ chung của quốc tế. Địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp nên không tránh khỏi khó khăn khi xác định vị trí pháp lý, xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, điều này cũng ảnh hưởng tới nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như tính độc lập của KTNN. Chính vì vậy mà theo khuyến cáo của tổ chức Kiểm toán tối cao quốc tế INTOSAI và thông lệ ở nhiều quốc gia trên thế giới, tính độc lập và địa vị pháp lý của KTNN phải được xác định trong Hiến pháp. 

                                    
                             Ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Đánh giá 18 năm hoạt động và phát triển của KTNN, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Huy Trọng cho biết, tổ chức bộ máy và cán bộ của KTNN không ngừng phát triển cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn. Cùng với đó, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ trên hầu khắp các địa bàn và lĩnh vực, trong đó, trọng tâm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn Tổng công ty nhà nước; các chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư xây dựng; các chuyên đề liên quan tới các nội dung được xã hội quan tâm... Kết quả thu được không chỉ là những con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn là đã giúp cho các cơ quan, tổ chức có liên quan nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng tài chính để chấn chỉnh trong công tác sử dụng quản lý, điều hành, khắc phục yếu kém, góp phần ngăn chặn lãng phí, thất thoát, tham nhũng... Tuy nhiên, việc chưa hiến định được địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN, ngoài hạn chế vai trò, vị trí, chức năng và các hoạt động của cơ quan KTNN còn dẫn đến phạm vi kiểm toán chưa bao quát hết việc kiểm soát mọi nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản quốc gia; chưa có các quy định chi tiết về chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; chưa quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong hoạt động kiểm toán; chưa có sự tương thích về một số quy định giữa Luật Kiểm toán nhà nước với các luật liên quan, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ... 
              
                                   
                              Ông László Domokos - Chủ tịch KTNN Hungary

Chia sẻ băn khoăn cũng như kỳ vọng của lãnh đạo KTNN Việt Nam, Chủ tịch KTNN Hungary cho biết, lãnh đạo KTNN Hungary cũng đã có tâm tư này vào năm 2010 khi dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước Hungary đang chờ để Quốc hội Hungary thông qua. Năm 2011, Quốc hội Hungary đã thông qua Luật KTNN mới và chiến lược phát triển KTNN Hungary. Theo đó, KTNN Hungary là cơ quan kiểm toán kinh tế, tài chính của Quốc hội, là cơ quan tối cao về kiểm toán công, hoạt động độc lập về chuyên môn, tiến hành kiểm toán việc sử dụng tiền và tài sản công. Thẩm quyền tối cao của KTNN Hungary được quy định và bảo đảm trong Hiến pháp. Đó là quyền độc lập của KTNN Hungary trong các hoạt động dưới sự chỉ đạo của Quốc hội và chỉ tuân theo luật pháp. Khi có được sự bảo đảm của Hiến pháp và Luật KTNN, KTNN Hungary đã thực hiện các cuộc kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan Đảng, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương.

Chủ tịch KTNN Hungary, ông László Domokos cũng nhấn mạnh, để đảm bảo các quy định của Hiến pháp và Luật KTNN Hungary được thực hiện một cách độc lập, khách quan, Luật cũng quy định điều kiện của người giữ trọng trách Chủ tịch KTNN Hungary là sẽ không được tham gia bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy chính quyền trung ương hay địa phương. Chính vì vậy, với ông László Domokos, khi được bầu và nhận trọng trách làm Chủ tịch KTNN Hungary, đã phải từ bỏ chức vụ lãnh đạo đương nhiệm trong bộ máy chính quyền...

                                   
       Ông János Elek - Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nhân lực KTNN Hungary

Ông János Elek, Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nhân lực KTNN Hungary cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, KTNN Hungary có quyền kiểm toán công tác quản lý tài chính của Chính phủ, các bộ, ngành, các Đảng chính trị cũng như các địa phương và có nghĩa vụ báo cáo lên Quốc hội. Một điều kiện quan trọng khác cần phải xác định để KTNN có thể hoạt động độc lập, đó là KTNN cũng phải có sự độc lập về mặt tài chính, Tổng KTNN phải được quyền hoạch định ngân sách hoạt động của mình mà Chính phủ cũng không thể can thiệp. Điều này rất quan trọng bởi sẽ giúp cơ quan kiểm toán không phải chịu sự chi phối nào trong các quy trình hoạt động kiểm toán.

“Nhưng, để KTNN Hungary có sự độc lập trong Hiến pháp và Luật KTNN cũng như hoạt động hiệu quả trên nhiều phương diện như hiện nay, KTNN Hungary đã phải đấu tranh rất mạnh mẽ, mà mục đích duy nhất của việc đấu tranh này là để hoạt động của KTNN Hungary hiệu quả hơn, góp phần vào việc làm lành mạnh nền tài chính công, giúp chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô!”, ông János Elek nhấn mạnh.

T. H

Xem thêm »