Phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020

07/01/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tiềm lực dự trữ quốc gia sẽ được tăng cường, bảo đảm đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8% - 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Chiến lược nhằm mục tiêu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ động viên công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Mức dự trữ quốc gia sẽ thực hiện theo hai giai đoạn:
Giai đoạn 2013-2015: Chiến lược được cụ thể hóa bằng việc thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2011-2015, đảm bảo tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP.

Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Chiến lược bằng việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2016-2020, đảm bảo tổng mức dự trữ quốc gia khoảng 1-1,5% GDP.

Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 xác định 5 nhóm mặt hàng bao gồm: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; nhóm hàng phòng chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; nhóm hàng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng.

Ngoài ra, chiến lược cũng xác định mức dự trữ một số mặt hàng thiết yếu đến năm 2020 như: Lương thực; xăng dầu; vật tư trang thiết bị ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; muối trắng; các mặt hàng nông nghiệp (bao gồm: hạt giống cây trồng cac loại, thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin thuốc thú y); dự trữ các trang thiết bị y tế và hóa chất khử khuẩn, khử trùng đáp ứng nhu cầu phòng chống, cấp cứu cho người tại các vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Đối với các mặt hàng phụ vụ quốc phòng, an ninh, trang thiết bị đảm bảo giao thông vận tải: Căn cứ vào tình hình quốc phòng, an ninh và khả năng ngân sách nhà nước trong từng năm, từng giai đoạn để bố trí kế hoạch tăng dự trữ quốc gia theo hướng ưu tiên dự trữ các mặt hàng đảm bảo quốc phòng, an ninh với mức bố trí tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu giữ gìn quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội và toàn vẹn lãnh thổ.

Chiến lược nêu rõ: Dự trữ lương thực đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc), sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể. Mức dự trữ xăng dầu đến năm 2020 là đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng (khoảng 500.000m3, tấn xăng dầu thành phẩm) và 700.000 tấn dầu thô. Đối với hạt giống cây trồng các loại, dự trữ hạt giống lúa đạt 10.000 tấn/năm, hạt giống ngô 1.500 tấn/năm, hạt giống rau 130 tấn/năm...

Dự trữ quốc gia đối với thuốc bảo vệ thực vật đến năm 2020 giữ mức ổn định khoảng 600 tấn; vắc xin đạt 10 triệu liều, thuốc sát trùng phòng chống dịch bệnh gia súc đạt 1 triệu lít và thuốc sát trùng phòng bệnh thủy sản 2.000 tấn...


 

Xem thêm »