Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trình bày trước Quốc hội sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm và xin lỗi về những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ.
Đại diện Chính phủ trình bày báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành phần lớn thời gian để phân tích tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, dự báo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và kế hoạch 2013. Báo cáo cũng dành gần một trang để thông báo kết quả thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI trong nội bộ Chính phủ.
Theo đó, Tập thể Ban cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã “thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra bài học thấm thía, sâu sắc nhất” trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trong toàn bộ quá trình công tác.
“Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”, Thủ tướng nói.
Trong số những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến các đơn vị này sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
Thủ tướng cũng cho biết, bản thân cũng như từng thành viên Chính phủ sẽ “nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất” để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng như diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các cơ quan chức năng đều thừa nhận nền kinh tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ trì trệ kinh tế hiển hiện, lạm phát tuy có giảm nhưng chưa vững chắc.
Mặc dù lạm phát được kiềm chế ở mức 8%, xuất khẩu tăng vượt chỉ tiêu (dự kiến 16,6%), cán cân thanh toán thặng dư khoảng 8 tỷ USD và dự trữ ngoại hối lên khoảng 11 tuần nhập khẩu… nhưng trong số 15 mục tiêu được Quốc hội phê duyệt cho năm 2012, Chính phủ cũng thừa nhận sẽ không hoàn thành 5 mục tiêu, trong đó có tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Sau 9 tháng, GDP cả nước chỉ tăng 4,73% và ước cả năm khoảng 5,2%. Con số này thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% của Quốc hội, tuy có diễn biến theo hướng quý sau cao hơn quý trước.
Đánh giá tình hình, Chính phủ nhận định kinh tế vĩ mô hiện vẫn chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại. Sức khỏe ngân hàng còn yếu trong khi lãi suất tín dụng cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp khó khăn, tồn kho, giải thể - phá sản còn lớn. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm trong khi đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian còn lại của 2012 cũng như để thực hiện mục tiêu tổng quát là “tăng cường ổn định vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn” của năm 2013, Chính phủ đã đề ra một loạt các giải pháp nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, đảm bảo an sinh xã hội… Qua đó, cơ quan điều hành dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013, trong khi lạm phát được kỳ vọng ở khoảng 8%. Mục tiêu lạm phát này có phần “lỏng” hơn so với con số 7 - 8% mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước đó.
Giữ lại phần lớn quan điểm đã trình bày tại phiên họp thường vụ diễn ra đầu tuần trước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày sau đó đồng tình với khá nhiều quan điểm của Chính phủ. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn, việc đạt và vượt kế hoạch 10/15 chỉ tiêu là nỗ lực lớn của cơ quan điều hành cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đặt ra một số vấn đề, yêu cầu Chính phủ làm rõ như nguy cơ trì trệ của nền kinh tế, thanh khoản ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, tiến trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm… Các vấn đề này sẽ tiếp tục được đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội dự kiến diễn ra giữa kỳ họp này.
Tiếp sau phiên khai mạc buổi sáng, trong chiều nay (22/10), các Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi nhiều báo cáo quan trọng, liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách 2012, dự toán năm 2013 từ Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng như nhiều báo cáo quan trọng khác từ các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội.
Nguồn: chinhphu.vn