Khai mạc Phiên họp thứ Mười hai của UBTVQH

07/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

* Dự án Luật Việc làm: Mọi chính sách phải hướng đến mục tiêu tạo việc làm bền vững cho người lao động

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Mười hai của UBTVQH

Ngày 5.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười hai.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến với dự án Luật Việc làm.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện chủ yếu điều chỉnh nhóm đối tượng có quan hệ lao động (thông qua hợp đồng lao động), trong khi chưa điều chỉnh số lượng lao động lớn không có quan hệ lao động. Chính sách, chế tài về việc làm và tạo việc làm cũng chưa đủ mạnh để xóa bỏ mọi rào cản, giải phóng năng lực của mọi người cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, chính sách đầu tư, huy động vốn kém hiệu quả đã tác động không nhỏ đến giải quyết việc làm; chính sách thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đô thị hóa đang gây ra thiếu việc làm trầm trọng tại khu vực nông thôn. Do đó, dự thảo Luật Việc làm đưa các quy định để điều chỉnh cho cả khu vực chính thức và phi chính thức; việc làm của những người lao động tự do, những người tự làm; việc làm trong và ngoài nước. Đồng thời, quy định về 7 nhóm vấn đề lớn của việc làm gồm: phát triển việc làm; thông tin thị trường lao động; quản lý lực lượng lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; tuyển, đăng ký sử dụng lao động; bảo hiểm việc làm.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày cơ bản đồng tình với việc xây dựng dự án Luật; đồìng thờâi nhấn mạnh, chính sách việc làm là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, và góp phần phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Vì vậy, chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội; nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, cũng như xã hội đối với vấn đề cải thiện điều kiện làm việc, tạo thu nhập hợp lý, và nâng cao chất lượng việc làm. Cần có chính sách ưu tiên thúc đẩy việc làm đối với nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực phi chính thức, nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở nhóm đối tượng và các khu vực này. Bởi đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập và thiếu tính ổn định hơn so với khu vực chính thức.

Đồng tình nhiều nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi người lao động thuộc các thành phần kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học... để cụ thể hóa các chính sách, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm tính khả thi trước khi trình ra QH. Hơn nữa, về nguyên tắc, Luật Việc làm là luật cụ thể hóa quy định gốc tại Bộ luật Lao động, nên không thể tiếp tục quy định chung chung, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Cùng quan điểm này, nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc việc đưa quy định mang tính chất phủ nhận quy định tại Bộ luật Lao động, các luật liên quan về vấn đề quỹ bảo hiểm việc làm, phát triển kỹ năng nghề… Trong đó, việc quy định về Quỹ Bảo hiểm việc làm cần cân nhắc do có mục đích trùng lặp với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thực tế, việc bảo hiểm thất nghiệp chỉ áp dụng cho một số đối tượng mà đã có nguy cơ vỡ quỹ, do người lao động đăng ký thụ hưởng tăng quá nhanh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ Bảo hiểm việc làm sẽ kéo theo hình thành bộ máy quản lý, bộ máy thực thi - trái với chủ trương tinh giản bộ máy hành chính của Đảng, Nhà nước. Về vấn đề này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp hiện chỉ hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn đầu thất nghiệp, chưa thể hỗ trợ cho thời gian sau, cũng như ngăn ngừa rủi ro cho người lao động. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thực tế, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để đưa ra quy định hướng việc bảo hiểm việc làm sang mục đích duy trì sự ổn định, phát triển doanh nghiệp; duy trì việc làm cho người lao động, nhằm bảo đảm tốt hơn chính sách an sinh xã hội ở góc độ phòng ngừa rủi ro cho người lao động.

Theo Tờ trình dự án Luật Việc làm, đối tượng áp dụng của Luật được mở rộng cả với lao động nước ngoài đang làm việc tại nước ta, bên cạnh người lao động và cơ quan sử dụng lao động trong nước. Về vấn đề này, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, dự án Luật chỉ nên tập trung vào điều chỉnh việc làm của nhóm lao động chính thức và nhóm lao động phi chính thức trong nước, cũng như cơ quan sử dụng lao động trong nước. Bởi nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng điều chỉnh; còn nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định trong Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, dự án Luật cũng cần làm rõ tác động khác nhau của chính sách đối với hai nhóm lao động nêu trên. Trong đó, do nhóm lao động chính thức đã được quy định tại Bộ luật Lao động, nên dự thảo Luật cần tập trung vào chính sách bảo hiểm việc làm, chính sách phát triển kỹ năng nghề - là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nghiệp cho người lao động. Đối với khu vực phi chính thức, ngoài lực lượng lao động tự do có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thì chủ yếu là lao động tự làm, lao động gia đình không được trả công, sinh sống tập trung tại khu vực nông thôn. Vì thế, cần quan tâm đến các chính sách về an toàn lao động; về tạo cơ hội tiếp cận việc làm trong khu vực chính thức. Cụ thể là thông qua các hình thức tư vấn, đào tạo nghề; tổ chức việc làm công trong thời gian không có hoặc thiếu việc; hỗ trợ để tự tạo việc… 

Theo daibieunhandan.vn

Xem thêm »