(VOV) - Hội nghị sẽ đề cập các vấn đề: kinh tế - xã hội; phát triển giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ và xây dựng đảng.
Khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá XI
Sáng 1/10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị. Tổng Bí thư nêu rõ những vấn đề mà Hội nghị lần này bàn và quyết định “đều rất quan trọng và phức tạp”.
Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) sẽ thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến: Tình hình kinh tế- xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Chính sách, pháp luật về đất đai; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ba nhóm vấn đề Trung ương cần tập trung thảo luận tại Hội nghị lần này liên quan tới kinh tế - xã hội; phát triển giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ và xây dựng đảng.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư đề nghị việc xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 phải đặt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương với trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; nền kinh tế nước ta đang đứng trước những tác động không thuận của tình hình thế giới và khu vực; cán bộ, đảng viên và nhân dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.
Do đó, Trung ương cần tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2012, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém đang tồn tại và chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới với tinh thần thực sự khách quan, khoa học, toàn diện. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tạo tiền dề cho việc lấy lại đà tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững trong những năm sắp tới. Đặc biệt cần đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề có liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.
Đối với Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề lớn và khó, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề như cơ cấu lại lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; đổi mới mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước.
Về vấn đề đất đai, Tổng Bí thư yêu cầu Trung ương thảo luận kỹ để đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương định hướng cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai; chú ý tiếp tục hoàn thiện các quy định về giá đất theo hướng giá đất do Nhà nước xác định trên nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án sản xuất, kinh doanh; việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường và việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng, đã được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư đặt vấn đề: phải chăng đối với cả hai lĩnh vực này, đều phải đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa tư duy và nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành cho phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới.
Trên cơ sở đó, đổi mới căn bản cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đầu tư và cơ chế tài chính; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới đồng bộ hệ thống giáo dục- đào tạo và nghiên cứu; triển khai khoa học- công nghệ; đổi mới công tác quản lý giáo dục- đào tạo, quản lý khoa học- công nghệ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tôn vinh đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý, nhất là những nhân tài đúng với tinh thần “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước sao cho phù hợp.
Về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được toàn Đảng tập trung triển khai thực hiện rất tích cực theo đúng kế hoạch, lộ trình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo ráo riết và chặt chẽ, đồng thời đã tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân một cách nghiêm túc theo đúng quy định.
Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo kết quả bước đầu để Trung ương cho ý kiến. Đối với việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Nội dung công tác quy hoạch mà Hội nghị Trung ương lần này cho ý kiến bao gồm: yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể; độ tuổi tham gia quy hoạch; số lượng, cơ cấu của quy hoạch; đối tượng và điều kiện lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; quy trình phát hiện, giới thiệu, lựa chọn và quyết định nguồn quy hoạch; quản lý và thực hiện quy hoạch…
Với những nội dung của Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thực sự dân chủ và đổi mới, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sâu sắc để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) dự kiến sẽ làm việc đến ngày 15/10./.
(Nguồn: vov.vn)