Lập kế hoạch chi tiêu trung hạn cho ngân sách bền vững

26/09/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chỉ còn hơn ba tháng nữa là hết năm, nhưng thu ngân sách nhà nước (NSNN) mới đạt hơn 60% dự toán năm, trái ngược hẳn với nhiều năm trước đây, thu ngân sách luôn vượt dự toán ở mức cao.

Các doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội

Với tình hình kinh tế được dự báo có thể còn tiếp tục khó khăn trong nhiều tháng tới, khiến NSNN đang và sẽ đứng trước áp lực phải bảo đảm các nhiệm vụ chi, mà thường là nhu cầu chi mỗi ngày một nhiều hơn trong khi thu ngân sách không hề dễ dàng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 45.020 tỷ đồng, đưa số thu NSNN tám tháng đạt 447.000 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 70.990 tỷ đồng, lũy kế chi tám tháng đầu năm ước đạt 571.545 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy chỉ trong tháng 8, ngân sách đã bội chi 26.000 tỷ đồng, nếu tính lũy kế tám tháng bội chi đã lên tới 102.145 tỷ đồng. "Ðiều này cho thấy thu NSNN đang rất khó khăn, nên việc vừa bảo đảm chi NSNN hỗ trợ tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP, vừa bảo đảm mục tiêu giữ mức thâm hụt ngân sách không vượt quá 4,8% sẽ là thách thức lớn trong năm nay", TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận.

TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: "NSNN sẽ khó duy trì mức thu như giai đoạn năm năm vừa qua. Tình hình kinh tế khó khăn đã  khiến khả năng thu ngân sách giảm mạnh trong khi phải thực hiện các chính sách giãn, giảm và miễn thuế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Ước tính số thu cân đối NSNN năm nay khó có khả năng vượt dự toán như mong muốn".

Tuy đã giảm khá nhiều so với giai đoạn trước, nhưng trong 10 năm qua lúc nào ngân sách cũng trong cảnh bội chi cao, kể cả ở những năm có tốc độ tăng thu cao nhất như năm 2009. Trong khi, để có được một nền tài chính bền vững, bội chi ngân sách những năm tới đã xác định khống chế dưới 5% GDP, để đến năm 2015 bội chi phải giảm về mức 4,5% GDP và năm 2020 là 4% GDP, sau đó hướng về mục tiêu 3% GDP. Bội chi cao và kéo dài khiến không gian tài khóa ngày càng bị thu hẹp và đẩy nợ công liên tục ngấp nghé ngưỡng an toàn đã báo hiệu nỗi lo cho sự bền vững của NSNN. 

 Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Chiến lược phát triển ngành tài chính đã đưa ra nhiều biện pháp, chỉ số về an ninh, an toàn tài chính và bền vững tài khóa. Ðồng thời, ngành tài chính cũng đã và đang thực hiện nhiều cải cách, cân đối lại cơ cấu thu hợp lý hơn, phù hợp  nguyên tắc chung và xu hướng chung của thế giới. Nhưng thực tế, tỷ trọng thu NSNN từ thuế gián thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các khoản thuế trực thu từ sản xuất, kinh doanh chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, số thu NSNN hằng năm vẫn đang phụ thuộc tương đối vào các khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu, từ dầu thô và các khoản thu từ đất mà những khoản thu này luôn luôn chịu ảnh hưởng từ những biến động về giá trên thị trường. Hơn nữa, dự báo cho thấy các khoản thu từ đất sẽ giảm đi, cộng thêm tới đây khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế quan thì số thu từ thuế nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn.

"Nền tài khóa bền vững khi kiểm soát được các nguồn thu chi, hướng tới nguồn ngân sách cân bằng và ổn định", theo TS Vũ Viết Ngoạn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng kế hoạch ngân sách trung hạn, nhờ góp phần bảo vệ NSNN trước các cú sốc kinh tế. "Ðể quản lý một cách hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, mỗi quốc gia đều phải sử dụng những cách thức nhất định để soạn lập kế hoạch ngân sách sát với khả năng thu, từ đó cân đối mức độ chi và phân bổ ngân sách vào những mục tiêu nhất định. Ðây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng". PGS, TS Ðặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội nhấn mạnh.

Theo TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách Tài chính thì lập kế hoạch ngân sách trung hạn là việc cần làm để bảo đảm sự bền vững của nền tài chính quốc gia, trong đó hướng đến sự cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư đồng thời nhanh chóng cơ cấu lại nguồn thu. Ðặc biệt với kế hoạch ngân sách trung hạn, cần lập ra kế hoạch chi tiêu trung hạn, để việc phân bổ nguồn lực hằng năm định hướng vào các mục tiêu trung hạn và dài hạn. Khi có được kế hoạch chi tiêu trung hạn sẽ kiểm soát chi tiêu bền vững. Ðây được coi là một trong những công cụ quan trọng để bảo đảm tính minh bạch và ổn định tài khóa bền vững.                                                                

Theo nhandan.com.vn

Xem thêm »