Hội thảo quốc tế “Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”.

24/07/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 24.7.2012, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo quốc tế “Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam".

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, đại diện Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội; các chuyên gia, các nhà khoa học, toàn thể lãnh đạo chủ chốt của KTNN Việt Nam; 12 đại biểu quốc tế đến từ KTNN Áo, KTNN Indonesia, KTNN Hàn Quốc, KTNN Nam Phi, Australia và Ngân hàng Thế giới - là một số nước chủ chốt trong Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao ASEAN (ASEANSAI). 

Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Tòa Thẩm kế Áo Josef Moser – Tổng thư ký INTOSAI cùng tham gia chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nhằm bổ sung quy định Địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

                             Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng nói: Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, KTNN Việt Nam đã khẳng định được vai trò là một công cụ quản lý hữu hiệu, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính Quốc gia, tăng cường tính minh bạch và công khai nền tài chính Đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới Đất nước, việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện hội nhập quốc tế đòi hỏi phải nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN. Thực tiễn đã cho thấy, vấn đề tồn tại hiện nay là địa vị pháp lý của KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước như ở hầu hết các nước trên thế giới, nên không tránh khỏi khó khăn khi xác định địa vị pháp lý, xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động KTNN.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010 là: KTNN có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN.

                                         Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo

Hiện nay, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp theo khuyến cáo của INTOSAI và thông lệ nhiều nước trên thế giới. Mặt khác, do chưa có quy định trong Hiến pháp nên chưa có sự tương thích về một số quy định giữa Luật KTNN với các luật liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật ngân sách Nhà nước…Tồn tại này làm giảm hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của quốc gia.

Mặt khác, một số nhiệm vụ phát sinh trong thời gian qua trên thực tế KTNN đã và đang thực hiện, hoặc về lâu dài đây là nhiệm vụ của KTNN nhưng chưa được quy định trong Luật KTNN, cụ thể: Nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán; Nhiệm vụ kiểm toán nợ công; Chưa quy định rõ nhiệm vụ tiền kiểm của KTNN.

Xuất phát từ thực tế, KTNN Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam một số nội dung cơ bản như sau:

Vị trí pháp lý và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước: “KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Chức năng của Kiểm toán Nhà nước: “KTNN có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.

Thẩm quyền bầu Tổng Kiểm toán  Nhà nước: “Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là năm năm và được tái bổ nhiệm một nhiệm kỳ”.

Trách nhiệm của Tổng KTNN: “Tổng KTNN chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và công bố công khai kết quả kiểm toán theo luật định”.
                                                               

Xem thêm »