Phó thủ tướng: 'Kinh tế đã qua thời khắc khó khăn nhất'

15/06/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chính phủ nhận định những khó khăn nhất đã qua và quyết tâm năm nay tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 7-8% - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong lần đầu giải trình trước Quốc hội sáng nay.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: QH.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên cuối cùng của Chính phủ và sẽ chốt lại hoạt động chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này. Những vấn đề nóng cử tri chờ đợi ông giải trình trong lần đầu tiên đăng đàn kể từ khi được Quốc hội bổ nhiệm, gồm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ về tình hình kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng.

Trước khi nhận câu hỏi chất vấn từ đại biểu, Phó thủ tướng công bố Báo cáo cập nhật của Chính phủ về một số vấn đề điều hành tế - xã hội năm 2012. Theo báo cáo này, tăng trưởng tế quý II ước đạt 4,5%, cao hơn mức 4% của quý I. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tăng GDP dự kiến ở mức 4,31%, sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%, công nghiệp tăng 4,4%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 3% (thấp nhất trong 3 năm). Ước 6 tháng, xuất khẩu tăng 20,8% so với cùng kỳ, nhập siêu tương đương khoản 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng bắt đầu bớt tiêu cực hơn. 5 tháng đầu năm, có khoảng 21.800 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,5%, so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng tháng 5, số doanh nghiệp “chết” đã bắt đầu giảm khoảng 10% so với tháng 4. Hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5.

"Căn cứ vào các tiêu chí này có thể nhận thấy nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt", Phó thủ tướng khẳng định.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ phấn đấu điều hành để đạt mức tăng GDP khoảng 6% trong năm nay, trong khi lạm phát ở mức 7-8%. Trước đó, vào đầu kỳ họp, đại diện Chính phủ cũng nêu rõ chưa có ý tưởng xin điều chỉnh mục tiêu tổng quát được Quốc hội giao cho năm 2012 (GDP tăng 6-6,5%, lạm phát một con số).

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng hay nguồn giải ngân tín dụng lên tới 21.000 tỷ đồng mỗi tháng từ nay cho tới cuối 2012 theo Phó thủ tướng cũng nằm trong kế hoạch vì thế sẽ không dẫn tới lạm phát. "Mục tiêu của Chính phủ là không vì tăng trưởng mà bỏ qua lạm phát", ông Phúc khẳng định.

Báo cáo của Chính phủ cũng dành riêng một mục nói về quản lý doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty. Một mặt khẳng định vai trò và thành tích của khối doanh nghiệp này, Chính phủ nhìn nhận thời gian qua vẫn còn nhiều đơn vị hoạt động kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ, chậm đổi mới quản trị, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường.

"Một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu, kinh doanh thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, đất đai còn thấp. Một số lãnh đạo tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật. Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước, kiên quyết thoái vốn ngoài ngành, cơ cấu lại một số tập đoàn, tổng công ty, ban hành Nghị định riêng về nhiệm vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng. Cơ quan quản lý cũng sẽ ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao đối với doanh nghiệp.

Vấn đề tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đã được nhiều đại biểu đặt ra ngay sau khi Phó thủ tướng kết thúc phần báo cáo. Như để làm dịu không khí chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dí dỏm khen giọng nói "như có nhạc" của xứ Quảng (quê Phó thủ tướng), nhưng cũng nhắc khéo Phó thủ tướng "nói chậm và rõ" để đại biểu, cử tri cả nước có thể dõi theo. Cách pha trò của Chủ tịch Quốc hội khiến nhiều đại biểu cười tủm tỉm.

Băn khoăn vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với việc các tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin đại biểu Trần Du Lịch chất vấn "tại sao đến nay vẫn không làm? Mà chỉ đến khi thanh tra mới biết (các tập đoàn, tổng công ty) hư cái gì".

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ đã yêu cầu tất cả các tập đoàn, tổng công ty cần công khai hoạt động trong thời gian tới. "Việc công khai minh bạch thông tin để quốc hội, cử tri giám sát tốt hơn, góp phần chống tham nhũng tiêu cực", ông Phúc nói.

Đại biểu Lịch cũng bày tỏ lo ngại về tác động do nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt các đơn vị làm ăn thua lỗ. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông đã trao đổi với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thu lỗ không đóng góp tỷ lệ cao, không phải là nguyên nhân chính trong bức tranh nợ xấu của các ngân hàng.

Trước nhiều chất vấn của đại biểu về trách nhiệm Chính phủ khi quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó thủ tướng cho rằng Chính phủ có trách nhiệm về mọi mặt kinh tế xã hội, trong đó bao gồm cả quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

"Mỗi thất thoát hay bất cứ hiện tượng xã hội nào không tốt, Chính phủ đều chịu trách nhiệm. Từ một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm cho tới chiếc máy bay bị nổ, cũng có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan", Phó thủ tướng nói. Ông cho biết Chính phủ đang xây dựng hẳn chương trình quản lý, giám sát để đảm bảo các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn, chống thất thoát vốn nhà nước.

Liên quan tới đề án tái cơ cấu kinh tế, một số đại biểu tiếp tục đặt vấn đề với Phó thủ tướng khi Chính phủ chưa tính chi phí triển khai và chưa có đánh giá, lường trước những vấn đề xã hội phát sinh. Chia sẻ vấn đề này, ông khẳng định bản chất của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực để mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế và tất nhiên sẽ có những phát sinh như thất nghiệp, mất việc, vấn đề xã hội. Ông cho biết, Chính phủ xác định phải có nguồn lực để xử lý các vấn đề phát sinh, có thể từ ngân sách của chính doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ của nhà nước và có thể từ nguồn ODA.

"Chúng tôi tin các vấn đề phát sinh sẽ được giải quyết hợp lý. Hằng năm Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội về quá trình triển khai đề án tái cơ cấu, cũng như báo cáo về ngân sách để Quốc hội phê duyệt", ông nói thêm. Ông cũng nhắc lại kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau buổi thảo luận cuối tuần trước là "đề án được Chính phủ chuẩn bị công phu" và hứa sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên kết luận của Quốc hội.

4 thành viên Chính phủ đã đăng đàn sau hai ngày Quốc hội chất vấn vừa qua. Là người trả lời đầu tiên, Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường nhận các chất vấn nóng về khiếu kiện đất đai. Còn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư tập trung giải trình về đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm về nhiều vấn đề của ngành như độc quyền giá, thủy điện sông Tranh... Phiên chất vấn được nóng nhất và được trông đợi nhiều nhất hai ngày qua diễn ra chiều qua, khi Bộ trưởng Công an cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải cùng tập trung giải trình về vụ nguyên chủ tịch Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) Dương Chí Dũng.
Nhóm phóng viên

Theo Vnexpress.net
                                                               

Xem thêm »