Mười năm công tác tổ chức cán bộ KTNN

04/01/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công tác tổ chức cán bộ của KTNN luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của KTNN trong suốt hơn 17 năm. Ngày 04/01/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trên cơ sở tổ chức tiền thân là Phòng Nhân sự thuộc Văn phòng KTNN. Việc thành lập Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo vào năm 2002 là dấu mốc quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới của KTNN.

Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Đảng uỷ và lãnh đạo KTNN, trong những năm qua, công chức làm công tác TCCB luôn nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, tinh thần trách nhiệm, vượt lên những khó khăn để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp thành tích nhất định vào sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN. Nhìn lại 10 năm hoạt động đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để làm hành trang cho chặng đường tiếp theo trong công tác tổ chức cán bộ của ngành.

Về xây dựng và phát triển cơ cấu tổ chức của KTNN
Là một cơ quan không có tổ chức tiền thân, vì vậy, nhiệm vụ xây dựng, củng cố và từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực đặt ra cho Kiểm toán Nhà nước hết sức nặng nề. Sự phát triển của hệ thống tổ chức của KTNN có thể được chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn từ 1994 - 2003: tổ chức và hoạt động của KTNN được thực hiện theo Nghị định 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ và với vị trí là cơ quan thuộc Chính phủ. Công tác tổ chức cán bộ ở giai đoạn này đóng vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho việc định hình mô hình tổ chức và hoạt động của KTNN. Trong giai đoạn này chủ yếu nghiên cứu, tìm hiểu mô hình các nước để có thể áp dụng vào Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của KTNN giai đoạn này phát triển từ 5 đơn vị trực thuộc ban đầu lên thành 13 đơn vị trực thuộc. Hoạt động kiểm toán được phân thành 4 lĩnh vực: kiểm toán chương trình đặc biệt (an ninh - quốc phòng - tài chính đảng); kiểm toán ngân sách (bao gồm cả ngân sách TW và ngân sách địa phương), kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án vay nợ, viện trợ Chính phủ và kiểm toán DNNN (bao gồm DNNN và tài chính ngân hàng).

- Giai đoạn từ 2003 - 2006: tổ chức và hoạt động của KTNN được thực hiện theo Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN. Lúc này, ngoài chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, đã bổ sung thêm hai chức năng là kiểm toán tính tuân thủ và kiểm toán tính kinh tế, tính hiệu quả (sau này được chuyển thành chức năng kiểm toán hoạt động) đối với các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công. Cơ cấu tổ chức của KTNN giai đoạn này phát triển từ 13 đơn vị lên 19 đơn vị trực thuộc. Các lĩnh vực kiểm toán được phân chia tiếp thành 7 chuyên ngành hẹp (bao gồm: lĩnh vực quốc phòng - an ninh - tài chính đảng; lĩnh vực ngân sách trung ương được giao cho 2 đơn vị thực hiện: 01 đơn vị chuyên kiểm toán khối kinh tế - tổng hợp và nội chính, 01 đơn vị chuyên kiểm toán khối văn hoá - giáo dục - y tế - thể dục, thể thao - thông tin - truyền thông; lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản được giao cho 2 đơn vị thực hiện: 01 đơn vị chuyên kiểm toán các dự án đầu tư thuộc kết cấu hạ tầng, 01 đơn vị chuyên kiểm toán các dự án công trình công nghiệp và dân dụng; lĩnh vực DNNN được giao cho 2 đơn vị thực hiện: 01 đơn vị chuyên kiểm toán DNNN và 01 đơn vị chuyên kiểm toán hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng).

Hoạt động trong lĩnh vực pháp chế, lĩnh vực kế hoạch, tổng hợp, giám định và kiểm soát chất lượng kiểm toán tiếp tục tách khỏi Văn phòng KTNN để chuyển giao cho các Vụ Pháp chế và Vụ Giám định và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Giai đoạn từ 2006 đến nay: đây là giai đoạn tổ chức và hoạt động của KTNN thực hiện theo Luật KTNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006. Giai đoạn này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của KTNN cả về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quy mô tổ chức và lĩnh vực kiểm toán. Cơ cấu tổ chức của KTNN hoạt động theo Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của UBTV QH. Với 21 đơn vị trực thuộc (thành lập thêm Vụ Tổng hợp và Vụ QHQT; Vụ Giám định và Kiểm soát chất lượng kiểm toán được đổi tên thành Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; các đơn vị khác cơ bản giữ nguyên). Cũng trong tiến trình triển khai thực hiện Luật KTNN, năm 2007 UBTV QH cho phép thành lập thêm 04 KTNN khu vực và năm 2011 UBTV QH cho phộp thành lập thêm 04 KTNN khu vực, chia tách 01 KTNN chuyên ngành thành 02 đơn vị, nâng tổng số các đơn vị trực thuộc lên 30 đơn vị. Với kinh nghiệm được tích luỹ và sự chủ động các công việc, chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay 4 đơn vị KTNN khu vực thành lập năm 2007 đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay đã và đang triển khai các công việc tiếp theo để 4 KTNN khu vực thành lập mới và 02 KTNN chuyên ngành mới được chia tách nhanh chóng đi vào hoạt động.

Có thể đánh giá, hệ thống tổ chức của KTNN trong 10 năm qua có một bước phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ. Việc củng cố tổ chức bộ máy trong từng giai đoạn là có hiệu quả, đặc biệt là việc phát triển hệ thống các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực đã giúp KTNN thực hiện toàn diện hơn, hiệu quả hơn đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước ở mọi cơ quan, đơn vị. Trong thiết kế xây dựng hệ thống tổ chức, luôn bám sát đặc điểm mô hình tổ chức của KTNN là mô hình quản lý tập trung thống nhất, gồm: các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, các Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp. Có thể nói, đến nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN và của từng đơn vị cơ bản phù hợp, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Về công tác xây dựng văn bản quản lý cán bộ
Trong 10 năm qua KTNN ban hành được hệ thống các văn bản tương đối đồng bộ quy định về công tác tổ chức cán bộ, trong đó có những văn bản nòng cốt, làm cơ sở hoạt động cho công tác tổ chức cán bộ của ngành, như: Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức KTNN; Quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch KTV NN; Quyết định quy định các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí đối với cán bộ, công chức, viên chức KTNN và hướng dẫn thực hiện QĐ của Tổng KTNN về quy định chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức KTNN; hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo; hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của KTNN; hướng dẫn công tác đánh giá cán bộ. công chức, viên chức hàng năm; Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức KTNN; Quy chế bồi thường đào tạo đối với cán bộ, công chức KTNN; Quy định về chế độ thi, cấp chứng chỉ, thẻ KTV nhà nước, mẫu thẻ và chế độ sử dụng thẻ KTV nhà nước...

Nhìn chung, việc tham mưu và xây dựng kịp thời các văn bản về công tác tổ chức cán bộ đã tạo hành lang pháp lý làm cơ sở từng bước tạo ra sự chính quy hóa trong công tác tổ chức cán bộ của KTNN.

Về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ công chức
Sự hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức của KTNN gắn liền với sự ra đời và phát triển của KTNN. Từ khi thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức của KTNN có bước phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2002 đến nay, biên chế của KTNN luôn được Chính phủ và Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện, giao tăng dần qua từng năm. Việc xây dựng biên chế để trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, luôn xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của KTNN và của từng đơn vị, phù hợp với sự phát triển của hệ thống tổ chức bộ máy và đảm bảo có cơ cấu công chức phù hợp theo từng lĩnh vực công tác; việc bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức nhìn chung hợp lý. Đến nay, biên chế của KTNN được giao là 1944 người.

Trên cơ sở số biên chế được giao, trong những năm qua KTNN thực hiện tốt công tác tuyển dụng cụng chức. Luôn bám sát các quy đinh của Đảng và Nhà nước nghiên cứu, vận dụng vào điều kiện của KTNN để xây dựng phương án và tổ chức thực hiện việc tuyển dụng cụng chức phù hợp với từng đơn vị, từng vị trí công tác.

Đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển khá toàn diện về số lượng cũng như chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo quy định của Luật KTNN. 100% KTV đều có trình đại học trở lên (đại học chiếm gần 90%; sau đại học chiếm gần 10 %).

Về công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm cụng chức lãnh đạo
+ Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
Là một ngành mới, chưa có tổ chức tiền thân ở nước ta, nên lực lượng cán bộ rất thiếu. Đội ngũ cán bộ được bổ sung và hoàn thiện dần từng bước. Vì vậy, công tác quy hoạch cán bộ của KTNN trong những năm đầu chưa có điều kiện để thực hiện. Công tác quy hoạch của KTNN bắt đầu thực hiện vào năm 2005. Đây thực sự là công việc lớn và có ý nghĩa lâu dài về mặt chiến lược phát triển nguồn nhân lực của KTNN. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương KTNN cụ thể hóa thành 2 giai đoạn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp KTNN (đợt 1 là giai đoạn 2005 – 2010, gồm: 11 cán bộ lãnh đạo KTNN, 76 cán bộ lãnh đạo cấp vụ, 211 cán bộ lãnh đạo cấp phòng; giai đoạn 2 từ năm 2011 - 2015, gồm: 14 cán bộ lãnh đạo KTNN, 124 lãnh đạo cấp vụ, 326 cán bộ lãnh đạo cấp phòng).

Đây thật sự là công việc có ý nghĩa lâu dài về mặt chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp cho KTNN, tạo điều kiện cho KTNN chủ động để đào tạo, rèn luyện, thử thách, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của KTNN đủ về số lượng, cơ cấu và đảm bảo sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ.
 
+ Công tác điều động, luân chuyển cán bộ và chuyển đổi vị trí công tác
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, trong những năm qua KTNN đã từng bước thực hiện luân chuyển cán bộ. Trên cơ sở Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, Ban cán sự đảng ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCS ngày 04/7/2003 về triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ và Tổng KTNN ban hành Quyết định số 1331/QĐ-KTNN ngày 15/10/2008 quy định các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi đối với cán bộ, công chức, viên chức KTNN và Hướng dẫn số 80/HD ngày 09/02/2009 về thực hiện quy định chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức KTNN. Ngày 25/11/2011 Ban cán sự Đảng KTNN ban hành Nghị quyết số 34-NQ/BCS về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức KTNN. Đề án luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức bổ sung cho các đơn vị Kiểm toán nhà nước khu vực mới thành lập và các đơn vị KTNN khu vực có khó khăn trong công tác tuyển dụng được Tổng KTNN ban hành.

Trên cơ sở đó, những năm qua KTNN thực hiện điều động, luân chuyển được gần 60 cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; bước đầu đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác ở các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm toán. Nhìn chung, công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác bước đầu đã tạo được động lực phấn đấu, học tập đối với đội ngũ cán bộ; tạo được môi trường để cán bộ rèn luyện thử thách, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ để tăng cường cho các đơn vị mới thành lập, các đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ. Cán bộ được điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành quyết định của cấp trên, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

+ Công tác bổ nhiệm cán bộ
Từ những ngày đầu mới thành lập, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Trên cơ sở quy định của Đảng và Nhà nước, Để làm tốt công tác này việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để nắm chắc đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thuộc diện quy hoạch. Trong 10 năm KTNN thực hiện bổ nhiệm hơn 400 lượt cỏn bộ lónh đạo các cấp của KTNN. Hầu hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Kiểm toán Nhà nước đều phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý và chuyên môn của mình: gương mẫu về đạo đức, lối sống; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng lãnh đạo, quản lý, tập hợp quần chúng và đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên từng vị trí được phân công, góp phần lãnh đạo các đơn vị và toàn ngành hoàn thành chương trình công tác hàng năm.

Về công tác đánh giá cán bộ
Do đội ngũ cán bộ của KTNN được tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau và đặc thù công việc thường xuyên xa trụ sở cơ quan, địa bàn phân tán trên cả nước, hoạt động theo đoàn kiểm toán nên công tác đánh giá cán bộ gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở các quy định về đánh giá cán bộ của Đảng và Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã phân cấp đánh giá cán bộ và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức đánh giá cán bộ định kỳ hàng năm và đột xuất phục vụ cho việc bố trí, điều động, bổ nhiệm cán bộ.

Mặc dù chất lượng đánh giá cán bộ còn hạn chế, song qua việc thực hiện đánh giá cán bộ đã phát hiện được những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác để khen thưởng biểu dương kịp thời; những cán bộ đủ tiêu chuẩn đề nghị xem xét bổ nhiệm, đưa vào quy hoạch hoặc bố trí ở các vị trí phù hợp; những cán bộ còn có mặt hạn chế để có giải pháp khắc phục.

Về công tác xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ
Về xây dựng chế độ, chính sách cán bộ: Từ năm 2006 UBTV QH11 quyết định một số chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước, như: chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, chế độ trang phục cho đội ngũ cán bộ, công chức, chế độ ưu tiên đối với KTV NN. Nhờ những chế độ, chính sách đó, đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức được cải thiện thêm một phần, tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Về thực hiện chính sách cán bộ: trong những năm qua, việc giải quyết chế độ, chính sách công chức luôn kịp thời. Công tác chuyển xếp lương, nâng lương trước thời hạn, cử cán bộ thi nâng ngạch, hỗ trợ việc tự học tập nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, giải quyết chế độ thai sản, nghỉ phép, … đều thực hiện đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của KTNN, được coi là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của ngành và của từng cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ kiểm toán viên. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện thông qua các hình thức đào tạo: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo từng ngạch công chức; tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, chế độ, chính sách mới của Nhà nước;bồi dưỡng về quản lý nhà nước, lý luận chớnh trị, ngoại ngữ, tin học. Để thực hiện các mục tiêu về đào tạo, bồi dưỡng công chức KTNN ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xây dựng được chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng các ngạch KTV NN. Trên cơ sở đó, KTNN thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó, 100% kiểm toán viên được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm toán, kiến thức quản lý nhà nước; tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Thông qua hợp tác với nước ngoài, KTNN đã cử hàng trăm lượt cán bộ, công chức, kiểm toán viên đi học tập, nghiên cứu, tham gia các hội thảo quốc tế ở nhiều nước trong đó có nhiều khoá học do INTOSAI và ASOSAI tổ chức.

Về Xây dựng đội ngũ làm công tác cán bộ
Đội ngũ công chức làm công tác tổ chức cán bộ của KTNN khi mới thành lập có 3 người năm 1994, khi thành lập Vụ TCCB năm 2002 có 9 người đến nay 2012 là 22 người. Trong 10 năm qua, được rèn luyện, đào tạo; không ít cán bộ của Vụ TCCB đã phát triển và trưởng thành. Một số đồng chí được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao phó những trọng trách quan trọng của ngành đó là có 2 đồng chí được bổ nhiệm Phó Tổng KTNN, 3 đồng chí là Vụ trưởng, 2 đồng chí Phó Vụ trưởng và có một số đồng chí là lãnh đạo cấp phòng. Đây chính là niềm tự hào của tập thể Vụ TCCB và đã góp phần bổ sung thêm nguồn cán bộ lãnh đạo cho KTNN. Đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ có mặt mạnh là đều có trình độ chuyên môn, được đào tạo cơ bản, một số cán bộ có học hàm, học vị cao; hầu hết đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ đều có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác...

Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ hiện nay của KTNN vẫn còn thiếu so với yêu cầu; đội ngũ hầu hết đều chưa được đào tạo về nghiệp vụ về công tác tổ chức cán bộ; cán bộ phải vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Để khắc phục những hạn chế đó, năm 2008 KTNN ban hành Đề án tăng cường năng lực đối với đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ có thêm kiến thức, nghiệp vụ cần thiết để làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong công tác TCCB.

Bên cạnh những mặt được đó còn một số mặt tồn tại những khó khăn, hạn chế trong công tác TCCB sau:
- Cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa thật hợp lý. Trong những năm qua việc xây dựng biên chế ở các đơn vị chưa thật sự đảm bảo tính khoa học, còn mang tính chất định tính, chưa gắn với xu hướng phát triển lâu dài của KTNN.

- Trình độ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tuy đa số có kinh nghiệm thực tiễn nhưng nhiều cán bộ chưa được đào tạo một cách cơ bản và đầy đủ về hoạt động kiểm toán và các kiến thức cần thiết của nền kinh tế thị trường; hạn chế về lý luận, năng lực phân tích, tổng hợp; trình độ ngoại ngữ, tin học, kiến thức về quản lý nhà nước và thủ tục hành chính còn yếu.

- Một bộ phận cán bộ, kiểm toán viên chưa thật sự cố gắng, gương mẫu; thái độ ứng xử, phong cách làm việc còn thiếu chuyên nghiệp; chậm đổi mới tư duy trong tiếp cập phương pháp làm việc của một ngành mới trong thời kỳ đổi mới.

- Số mới được tuyển dụng chưa được trải nghiệm thực tiễn, chưa được rèn luyện về bản lĩnh chính trị, thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng xử lý tình huống. Để có thể đáp ứng được yêu cầu, số cán bộ này cần được tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận và thực tiễn; cần phải có thời gian rèn luyện thử thách.

- Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao còn mỏng, thiếu chuyên gia ở một số lĩnh vực.

- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vẫn còn những khó khăn như: Đội ngũ giảng viên kiêm chức còn mỏng; chưa xây dựng được đội ngũ giảng viên chuyên trách của Kiểm toán Nhà nước; nội dung, kết cấu chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết chưa quan tâm đầy đủ đến phần thực hành; phương pháp đào tạo còn nặng về thuyết trình.

- Công tác đánh giá cán bộ theo quy định hiện nay của Đảng và Nhà nước, được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp nhận xét, cơ chế đánh giá nhìn chung còn nặng về một chiều, dễ bị chi phối bởi sự nể nang, cảm tình hoặc quyền uy của người có chức vụ..., do đó, dễ dẫn đến sự đánh giá không đảm bảo tính khách quan, thiếu chính xác, gây hậu quả không tốt cho công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ.

Với chặng đường 10 năm hoạt động, tuy cũng không ngắn nhưng công tác TCCB rút ra một số bài học kinh nghiệm để công tác TCCB sẽ hoàn thiện hơn đóng góp cho sự nghiệp phát triển KTNN:

Thứ nhất, luôn bám sát chủ trương, đường lối định hướng của Đảng, nhà nước.  Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban cán sự đảng và Tổng KTNN;

Thứ hai, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, đề cao trí tuệ tập thể, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khi thực thi công vụ;

Thứ ba, có sự phân công rõ ràng từ lãnh đạo các cấp đến từng công chức trong ngành để đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân;

Thứ tư, tăng cường công tác chuyên quản, nắm bắt tình hình cán bộ để công tác tham mưu về TCCB đảm bảo chính xác.

Thứ năm, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trở thành người cán bộ tổ chức với phẩm chất công minh, chính trực và khách quan./.
 

Xem thêm »