Xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

31/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đây là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam, cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN.

Sau 6 năm thi hành Luật KTNN, địa vị pháp lý của KTNN được nâng lên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN được quy định đầy đủ hơn; quy mô, loại hình và chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường; vị trí và vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định, nhất là từ khi thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định của Luật KTNN đã bộc lộ những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN. Xuất phát từ những lý do trên, ngày 26/10/2011 Tổng KTNN đã ký Công văn số 1186/KTNN-PC về việc đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật. Công văn số 1186/KTNN-PC nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước như sau:

(1) Địa vị pháp lý của KTNN chưa thể hiện được bản chất của cơ quan KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất như khuyến cáo của INTOSAI và thông lệ các nước trên thế giới, dẫn đến nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và xã hội nói chung về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa đầy đủ và toàn diện.

(2) Chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa bao quát hết đối với việc kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; chưa chú trọng thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực quốc gia; chưa thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối; chưa thực hiện kiểm toán thuế, kiểm toán nợ công; chưa quy định rõ nhiệm vụ tiền kiểm.

(3) Phân cấp cho Tổng KTNN trong việc thiết lập hệ thống tổ chức của KTNN còn hạn chế.

(4) Chưa có quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.

 (5) Mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động kiểm toán chưa được quy định cụ thể.

 (6) Chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

Nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Kiểm toán nhà nước, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, KTNN sẽ tổng kết và đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, cụ thể:

Một là, bổ sung vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một số điều, khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN; thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước”. Trên cơ sở được quy định trong Hiến pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật KTNN như sau:“Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Hai là, bổ sung nhiệm vụ kiểm toán thuế; nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiểm toán nợ công và nhiệm vụ tiền kiểm để Quốc hội xem xét quyết định dự toán NSNN. Tăng loại hình kiểm toán hoạt động và tiến hành kiểm toán hoạt động ngay từ khi các hoạt động về sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước mới bắt đầu triển khai. Mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán; tăng cường kiểm toán trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Ba là, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm người đứng đầu KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực trong công tác kiểm toán; thống nhất tên gọi của các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực chức danh Kiểm toán trưởng tương thích với tên gọi của cơ cấu tổ chức và chức danh tương đương trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung các nội dung về ưu đãi khuyến khích KTV nâng cao hiệu quả công tác; quy định cụ thể hơn về mối quan hệ công tác giữa KTNN và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của KTNN; về thời gian gửi và trình tài liệu để tạo điều kiện cho việc hoàn thành báo cáo thẩm tra, báo cáo kiểm toán trình Quốc hội; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; việc xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán.

Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN và  mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.

Trên cơ sở đó, KTNN đề nghị việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khoá XIII vào năm 2013./.
 

Xem thêm »