TT - Sáng 20-10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Các báo cáo, phát biểu trình bày tại phiên khai mạc đều nêu rõ kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp - Ảnh: Việt Dũng
|
Giá cả tăng, người nội trợ đắn đo khi mua sắm và thường chọn nơi có bán hàng bình ổn. Trong ảnh: chọn mua hàng tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Chính phủ đưa ra chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng năm nay khoảng 18%, sang năm dưới 10%.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói bối cảnh tình hình hiện nay đòi hỏi phải có các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn trong những tháng cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo.
Chưa thể giảm ngay nợ công
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã đưa ra một số chỉ tiêu quan trọng cho thời gian tới (xem bảng một số chỉ tiêu chủ yếu).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết ủy ban này nhất trí phương án tốc độ tăng trưởng kinh tế như Chính phủ đưa ra, đồng thời “đề nghị phải kiểm soát bằng được chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số trong năm 2012. Phấn đấu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp nhằm nâng cao lòng tin của xã hội, là cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm sau”. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu trong thời gian tới tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế, năm 2015 phấn đấu giảm xuống dưới 4,5% GDP.
Theo ông Giàu, nợ công nước ta dự kiến cuối năm 2011 ước lên đến 58,9% GDP, tuy nhiên chưa thể giảm ngay để tránh ách tắc việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai các đột phá chiến lược và tiếp tục đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các vùng thường xuyên bị thiên tai. Ủy ban Kinh tế nhất trí dư nợ công năm 2012 không quá 60% GDP, đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 40% GDP. Việc sử dụng các nguồn vốn vay này cần phải được tính toán hết sức chặt chẽ, đầu tư phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn và xây dựng phương án giảm nợ công bắt đầu từ năm 2016.
Tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế
Trong báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015 và năm 2012.
Thứ nhất là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về lạm phát, Thủ tướng nói có nguyên nhân bên ngoài, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hệ quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn kém hiệu quả; cùng những hạn chế trong quản lý điều hành và tác động cộng hưởng của các yếu tố tâm lý. Để kiềm chế lạm phát, phải kiên quyết khắc phục các nguyên nhân chủ yếu nêu trên. Chính phủ chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hằng năm không vượt quá mức đề ra trong nghị quyết 11 (tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16% - PV). Giữ mặt bằng lãi suất hợp lý.
“Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường, thực hiện công khai minh bạch giá các hàng hóa này, đồng thời có cơ chế hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thứ hai là ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Thứ ba là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Thứ tư là tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Thứ năm là đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường. Thứ sáu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó có việc coi trọng phản biện xã hội, tăng cường tham vấn nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia khi xây dựng thể chế, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Thứ bảy là tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Để thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra một số đề nghị cụ thể. Trong đó có việc nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiên quyết không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá...
Ông Nguyễn Văn Giàu nói trong những năm tới cần nghiên cứu các phương án để điều chỉnh giảm dần mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than chậm nhất vào năm 2013.
Một số chỉ tiêu chủ yếu
* Tăng trưởng GDP: Năm 2011 khoảng 6%. Năm 2012 khoảng 6-6,5%. Bình quân năm năm 2011-2015 khoảng 6,5-7%.
* Chỉ số giá tiêu dùng: Năm 2011 khoảng 18%. Năm 2012 dưới 10%. Đến năm 2015 khoảng 5-7%.
* Bội chi ngân sách: Năm 2011 khoảng 4,9% GDP. Năm 2012 khoảng 4,8% GDP. Năm 2015 xuống dưới 4,5% GDP.
* Nhập siêu: Năm 2011 bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2012 bằng 11,5-12%. Năm 2015 nhập siêu khoảng 10%.
* Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: Năm 2011 khoảng 34,5% GDP. Năm 2012 khoảng 33,5-34% GDP. Bình quân năm năm khoảng 33,5-35% GDP.
Theo Tuoitre