Nâng cao hơn vai trò kiểm toán hỗ trợ QH, HĐND lập dự toán ngân sách

06/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(eFinance Online) - Trong lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tham gia với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính độc lập, thực hiện đánh giá tính đúng đắn, sát thực và khả thi của dự án NSNN hàng năm trước khi trình QH, Hội đồng nhân dân (HĐND) quyết định.

Kiểm toán - công cụ kiểm tra tài chính công

Từ năm 2006, KTNN đã bắt đầu tham gia các buổi thảo luận về dự toán ngân sách năm sau giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành trung ương và các địa phương, tiếp theo đó là tham gia các buổi làm việc của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội với một số bộ, ngành trung ương… về dự toán NSNN, trên cơ sở đó đưa ra các ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách năm sau trình Quốc hội, trước khi Quốc hội có nghị quyết chính thức về dự toán NSNN. Các ý kiến của KTNN về dự toán NSNN hàng năm đã thể hiện vai trò tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trước khi có quyết định về dự toán.

Để dự toán NSNN trình QH đảm bảo tính độc lập khách quan cần có sự tham gia của cơ quan kiểm tra tài chính độc lập. Dự toán NSNN do các cơ quan Chính phủ lập liệu đã phản ánh đúng tình hình kinh tế, xã hội sẽ diễn ra trong năm kế hoạch hay chưa, có sát thực và hợp lý không… Nhằm trả lời câu hỏi đó và tăng độ tin cậy của tài liệu dự toán trước khi trình QH cần được cơ quan kiểm tra tài chính ngoại vi kiểm tra, đánh giá và xác nhận. Đây là hoạt động nhằm tăng cường độ tin cậy của hệ thống thông tin tài chính Chính phủ trước khi được QH thảo luận xem xét, quyết định.

Sự tham gia của KTNN trong quá trình lập dự toán NSNN sẽ có thêm thông tin đa chiều phục vụ cho việc quyết định của QH chính xác. Căn cứ vào báo cáo kiểm toán, QH, các cơ quan của QH có thêm căn cứ thảo luận, xem xét quyết định dự toán. Thông tin của KTNN cung cấp đảm bảo độ tin cậy, do đây là ý kiến của cơ quan độc lập được đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín thực hiện. KTNN tham gia vào quá trình lập dự toán sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự toán thông qua hoạt động tư vấn cho các cơ quan của Chính phủ, QH. Bằng kinh nghiệm kiểm toán, KTNN tư vấn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục những yếu kém ngay từ khi tính dự toán NSNN mà KTNN đã phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Những sai sót trong lập dự toán sẽ dần được loại bỏ…

Tuy nhiên, ý kiến của KTNN về công tác lập và giao dự toán trong các năm qua gần như chỉ dừng lại ở mức dự báo về các sai sót, bất cập có thể xảy ra của quá trình này. Kiểm toán Nhà nước chưa có những kiến nghị xác đáng, cụ thể về việc nên tăng, giảm dự toán thu, chi ngân sách ở bộ, ngành này, hay địa phương kia nhằm tăng chất lượng của dự toán ngân sách.

Tăng cường hơn nữa vai trò hỗ trợ QH, HĐND

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân, để KTNN phát huy vai trò trong việc giúp QH xem xét, quyết định dự toán NSNN cần hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ công tác của KTNN trong việc tham gia thẩm định, trình ý kiến với QH về dự toán NSNN. Theo đó, cần quy định trách nhiệm và thời hạn gửi báo cáo, cung cấp các tài liệu về lập dự toán NSNN của các bộ, ngành và địa phương; xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan: Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, KTNN, các cơ quan chức năng của Chính phủ trong việc xây dựng dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố…

Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chung về tình hình phân bổ dự toán, thực hiện dự toán để cung cấp thông tin cho KTNN, các cơ quan của QH, Chính phủ làm cơ sở cho việc lập, thẩm định và trình ý kiến về dự toán cũng như việc kiểm tra chấp hành dự toán NSNN. Cần sớm nghiên cứu xây dựng, trình QH quyết định chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chiến lược tài chính trung, dài hạn làm cơ sở cho việc lập, trình bày ý kiến về dự toán NSNN.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân: Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị, các nhà đầu tư và công chúng nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách và sử dụng nguồn tài chính và tài sản công hợp lý hiệu quả. Ảnh: T.Kiên.

Đối với KTNN, cần xây dựng quy trình thẩm định dự toán NSNN theo hướng gắn kết quả kiểm toán, hệ thống thông tin thu thập được với quá trình thẩm định dự toán đối với đơn vị dự toán. Khi thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự toán, cần bố trí kiểm toán viên có năng lực, khả năng phân tích, dự báo và tổng hợp để tham gia thẩm định dự toán NSNN…

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Quynh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bổ sung thêm: Bên cạnh việc hỗ QH, HĐND trong việc quyết định dự toán NSNN hàng năm, thì có 2 vấn đề mà KTNN cần phải thực hiện, nếu làm tốt 2 vấn đề này thì vai trò của KTNN sẽ được nâng cao hơn nữa đó là: kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách và kiểm toán nội bộ trong các cơ quan nhà nước. Trong điều kiện NSNN luôn có giới hạn trong khi nhu cầu chi luôn đòi hỏi cao, đòi hỏi các nhà quản lý cần có nhiều phương sách hữu hiệu trong quản lý. Chính kiểm toán nội bộ là một phương sách hữu hiệu đã giúp các nhà quản lý các cấp, trước hết là lãnh đạo các đơn vị dự toán có được những đánh giá kịp thời cả những rủi ro có thể xảy ra cùng hiệu quả và hiệu năng quản lý ngân sách. Kiểm toán nội bộ trong các cơ quan nhà nước có thể coi là “cánh tay nối dài” của KTNN. Hiện nay, trong hệ thống bộ máy quản lý NSNN của nước ta chưa có kiểm toán nội bộ. Với những phương thức nêu trên, KTNN sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi thực hiện tốt chức năng của KTNN trong hỗ trợ QH, HĐND các cấp trong quản lý điều hành NSNN.

Dự toán NSNN đóng vai trò quan trọng trong chu trình ngân sách, do vậy, việc tổ chức kiểm toán dự toán NSNN hàng năm cũng cần được KTNN tiến hành như đã thực hiện kiểm toán công tác chấp hành và quyết toán NSNN, có như vậy KTNN mới thể hiện được vai trò hỗ trợ, tham mưu cho QH, các cơ quan khác của QH và Chính phủ.

(Trung Kiên)

Theo Tài chính điện tử

Xem thêm »