Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Bổ sung địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam

22/09/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Sáng 16/6, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Bổ sung địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” để triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch. Cuộc họp với sự tham dự của Ông Đinh Tiến Dũng - Tổng KTNN, Trưởng Ban chỉ đạo; Ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng KTNN, Phó trưởng Ban chỉ đạo thường trực và các thành viên trong Ban chỉ đạo gồm: Ông Trần Văn Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính; Ông Văn Tất Thu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Ông Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Ông Phạm Tuấn Khải - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Bộ Nội vụ ....

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nội dung quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm của ngành KTNN. KTNN có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, những bất cập, hạn chế về địa vị pháp lý của KTNN hiện nay và nguyên nhân của những tồn tại, bất cập đó; tổ chức khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để vận dụng cho phù hợp với điều kiện về thể chế của Việt Nam. Thực hiện Chiến lược, Tổng KTNN lưu ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, phải bám sát lộ trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cố gắng đến cuối năm 2012 phải hoàn thành việc xây dựng Đề án trình cơ quan có thẩm quyền; Thứ hai, quá trình thực hiện phải có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt phải có liên hệ mật thiết với Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội; Thứ ba, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động truyền thông, quảng bá nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương.

Trên tinh thần đó, Tổng KTNN đã đề nghị các thành viên trong Ban chỉ đạo tham gia đóng góp ý kiến về kế hoạch làm việc, nội dung các chuyên đề cần nghiên cứu cũng như việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên để bảo đảm quá trình xây dựng Đề án đạt hiệu quả thiết thực.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, các ý kiến tham gia phát biểu tại buổi họp đã tập trung làm rõ các vấn đề: nội dung của Đề án; chương trình, kế hoạch làm việc của Ban chỉ đạo và việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo. Trong đó, lưu ý xây dựng khung Đề án theo hướng phác hoạ được mục tiêu, yêu cầu, sự cần thiết của việc bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp; đánh giá thực trạng địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN trong hệ thống pháp luật nước ta, những bất cập, hạn chế về địa vị pháp lý của KTNN, của Tổng KTNN hiện nay và nguyên nhân của những tồn tại, bất cập đó; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để vận dụng cho phù hợp với điều kiện về thể chế của Việt Nam; các quan điểm và định hướng về nội dung đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp, cũng như việc xác định các biện pháp tổ chức thực hiện.

 Phát biểu kết thúc cuộc họp, Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các ý kiến thảo luận của các thành viên Ban chỉ đạo. Tổng KTNN nhấn mạnh KTNN phải coi việc hoàn thiện quy định địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của KTNN nên phải tập trung lực lượng và các điều kiện hoàn thành Đề án; đồng thời, tranh thủ sự đồng thuận và ủng hộ của các cơ quan, bộ ngành có liên quan giúp cho việc đề xuất được thuận lợi và đạt kết quả cao; Tổng KTNN giao nhiệm vụ cho Thường trực Ban chỉ đạo (Vụ Pháp chế) lĩnh hội, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo để hoàn thiện Kế hoạch làm việc của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ hợp lý cho các thành viên Ban chỉ đạo và xây dựng đề cương Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ, chú ý việc theo dõi tiến độ hoàn thành và kịp thời báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo để xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.

Lan Hương
 

Xem thêm »