Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước: Sẽ trân trọng và sử dụng nhiều hơn kết quả kiểm toán!

11/08/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 3/8/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 1268/QĐ-CTN về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Sau hơn 5 năm làm Tổng KTNN, ông Vương Đình Huệ đã cùng với tập thể KTNN đưa KTNN phát triển nhanh mạnh và có dấu ấn riêng. Trong sự xúc động bồi hồi, nhân dịp dự Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành KTNN tháng 8/2011, ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng KTNN đã có những chia sẻ về những điều ông tâm niệm nhất với ngành KTNN cũng như sự phối hợp giữa KTNN và Bộ Tài chính trong thời gian tới với phóng viên KTNN:

* Kết thúc nhiệm kỳ làm Tổng Kiểm toán Nhà nước với lời đánh giá rất tốt đẹp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Lúc này đây, Ông có những chia sẻ gì với ngành KTNN trước khi nhận nhiệm vụ mới?

- Tôi vào học trường ĐH Tài chính-Kế toán từ năm 1974-1978, là sinh viên khoá XII của trường, sau đó được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Trong 34 năm công tác, tôi có 23 năm gắn bó với ngành giáo dục và đào tạo, trưởng thành từ giảng viên đến Phó khoa, Trưởng khoa, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Tháng 3/2001, tôi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng KTNN và đến ngày 1/7/2001, tôi chính thức về nhận nhiệm vụ tại KTNN. Ngày 28/6/2006, tôi được QH khóa XI bầu giữ chức Tổng KTNN với nhiệm kỳ 7 năm. Đến 29/7/2011, tôi được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII miễn nhiệm chức vụ Tổng KTNN để phân công nhiệm vụ mới. Như vậy tôi đã có khoảng thời gian gắn bó với ngành KTNN là hơn 10 năm, trong đó trên cương vị của Tổng KTNN là 5 năm 1 tháng và 1 ngày.

Thời điểm tôi về ngành, tổng biên chế là khoảng 400 cán bộ, đến nay là khoảng 2000 cán bộ (tính cả biên chế được giao trong năm 2011). Thời điểm tôi về KTNN chỉ có 11 đơn vị trực thuộc, trải qua quá trình phát triển với 3 cột mốc quan trọng là Nghị định 93 năm 2003; Luật KTNN năm 2006 và Nghị quyết 916/2005/NQ-UBTVQH 11 của UBTV Quốc hội, đến nay, đã có 30 đơn vị trực thuộc, về bộ máy tăng gần 3 lần, về biên chế tăng gần 5 lần. Tổng kết lại như vậy để thấy rằng ngành KTNN đã có bước tiến rất mạnh mẽ.

Khi Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Tổng KTNN, phóng viên có hỏi tôi cảm giác thế nào, tôi có chia sẻ rằng bản thân thấy nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và cũng rất mừng khi được UBTVQH, QH đánh giá là có nhiều cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn động viên là Tổng KTNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sẽ được giao nhiệm vụ mới. Tôi cho rằng, điều này một phần là vinh dự của tôi nhưng quan trọng là sự đánh giá về ngành KTNN, chứ không phải là riêng cá nhân tôi. Đó là sự ghi nhận, đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực và những kết quả mà toàn ngành chúng ta đã đạt được trong suốt 17 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt từ khi Luật KTNN có hiệu lực. Điều này chính là món quà quý giá nhất đối với cá nhân tôi.
 
23 năm ở trường Đại học Tài chính-Kế toán (nay là Học viện- Tài chính), hơn 10 gắn bó với KTNN, quãng thời gian không ngắn, những kỷ niệm và những tình cảm của tôi với ngành KTNN rất sâu sắc. Lúc này đây, tôi cảm thấy thực sự bùi ngùi và xúc động.

Phải nói rằng những thành tích mà ngành KTNN đạt được, những điều mà Quốc hội đánh giá về Tổng KTNN trong 5 năm của nhiệm kỳ công tác vừa rồi là công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ công chức, KTV, người lao động của toàn ngành. Tôi không có điều kiện gặp mặt tất cả các đồng chí trong ngành, qua các ấn phẩm của KTNN rất mong muốn gửi tới toàn thể cán bộ công chức ngành KTNN lời cám ơn sâu sắc của BCS Đảng, tập thể lãnh đạo và cá nhân tôi. Không có các đồng chí thì không thể có những thành tích đáng tự hào như ngày hôm nay. Xin được gửi gắm tình cảm của cá nhân tôi tới tất cả các đồng chí trong toàn ngành.

* Như đã nói, Ông có quãng thời hơn 10 năm gắn bó với KTNN, trong đó có 5 năm, 1 tháng, 1 ngày ở cương vị Tổng KTNN? Xin Ông đưa ra những đánh giá chung nhất về những thành quả của ngành KTNN trong thời gian qua?

Như các đồng chí đã biết, tốc độ phát triển của ngành KTNN trong những năm vừa rồi rất là nhanh, điều này thể hiện được sự quan tâm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng một cách có hiệu quả nhất tất cả nguồn lực của nhà nước, nhất là thu chi ngân sách nhà nước. Tốc độ phát triển này được các chuyên gia quốc tế đánh giá là rất ngoạn mục. Người ta đánh giá là mười mấy năm phát triển của ngành KTNN Việt Nam bằng mấy chục năm của một số tổ chức kiểm toán tối cao có lịch sử hình thành và phát triển sớm hơn.

Thành quả lớn nhất của KTNN trong 17 năm qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây là căn bản, toàn diện và quan trọng. Cho đến nay, xã hội nói chung, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán đã thân thiện hơn với KTNN, hiểu rõ chức năng của KTNN hơn, các đơn vị được kiểm toán hợp tác chặt chẽ hơn, chấp nhận công việc của KTNN, chấp nhận những kết luận, kiến nghị và tự giác thực hiện các kết luận, kiến nghị ngày càng tốt hơn. Theo đánh giá của tôi, đó là những kết quả không đo được bằng định lượng nhưng chính là thành quả lớn nhất của ngành KTNN trong suốt thời gian vừa qua, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác kiểm toán. Chúng ta bước đầu xây dựng được hình ảnh, thương hiệu và nét văn hóa riêng cho ngành KTNN.

Một thành quả rất lớn nữa là, cho đến bây giờ chúng ta có đội ngũ cán bộ khá đông đảo, với gần 2000 cán bộ và nhiều cán bộ trưởng thành qua thực tiễn, dày dạn trong công việc, có bản lĩnh, biết vượt qua những thách thức và khó khăn để những năm sau hoàn thành công tác tốt hơn năm trước với khối lượng và chất lượng ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, để tiến thêm một bước về phía trước là cực kỳ khó khăn, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn. Con đường chúng ta đi đã rất rõ, chúng ta có Luật KTNN, có Chiến lược phát triển KTNN trong 10 năm tới với Kế hoạch hành động gồm 103 hoạt động rất chi tiết. Vấn đề là chúng ta tiếp bước con đường như thế nào? Một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ tới là làm sao trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, cần  hiến định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp. Chắc chắn rằng, ở nhiệm kỳ mới này sẽ có 2 đồng chí Tổng KTNN (bản thân tôi và đồng chí Đinh Tiến Dũng) cùng làm việc này.

* Được đánh giá là người luôn tận tâm với sự phát triển của KTNN. Xin Ông có những chia sẻ về những bài học mà ông cảm thấy tâm đắc nhất khi ở vị trí Tổng KTNN?

- Tôi muốn nói thế này. Tại sao chúng ta có thành tích và phát triển vượt bậc như vậy mà vẫn đảm bảo được tính bền vững, vẫn đảm bảo được đà phát triển. Theo tôi, có mấy vấn đề quan trọng thế này:

Một là, chúng ta có được sự đoàn kết nhất trí, từ các đơn vị cơ sở đến hạt nhân lãnh đạo là Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN, đứng đầu là đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng KTNN. Ở đây, điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là sự đoàn kết thực lòng. Mỗi đồng chí lãnh đạo KTNN có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, tôi từ Trường Đại học về, anh Cao Tấn Khổng từ Bến Tre ra, anh Lê Minh Khái, anh Lê Hoàng Quân, Anh Hoàng Hồng Lạc đều từ ngành khác, địa phương khác chuyển về, anh Đoàn Xuân Tiên cũng từ Học viện Tài chính và trưởng thành từ vị trí Vụ trưởng Vụ TCCB của ngành. Chúng tôi luôn coi nhau như bạn bè, anh em ruột thịt, lúc vui cũng như lúc buồn, rất thẳng thắn và thật lòng với nhau để cùng làm công việc chung. Các đồng chí trong BCS Đảng, lãnh đạo KTNN luôn có được sự đoàn kết, đồng lòng. Đây là điều căn cơ, căn bản và tôi rất mong muốn chúng ta tiếp tục phát huy điều này thật mạnh, đoàn kết từ trong tập thể nhỏ cho đến tập thể lớn.

Điều thứ hai mà tôi luôn tâm niệm là phải kiên trì, kiên định với những nguyên tắc, con đường mà mình đã chọn. Tất cả các công việc đều phải dựa trên nguyên tắc của tổ chức, các quy định của pháp luật, đặc biệt ở các nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán. Chúng ta phải luôn khắc ghi nội dung này. Bởi vì một kết luận kiểm toán có thể đụng chạm đến lợi ích cực kỳ lớn của nhiều phía. Nếu không kiên định, kiên trì nguyên tắc sẽ dễ thất bại trong công việc, đặc biệt với nghề của chúng ta vốn đã rất nhạy cảm. Nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc sinh hoạt, nguyên tắc của Đảng không thể xa rời, đặc biệt ở những vấn đề liên quan đến việc xử lý các tình huống, các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Làm tốt được điều này, chúng ta sẽ thực hiện được tính công khai, minh bạch của hoạt động kiểm toán.

Thứ ba là tăng cường sự chia sẻ và phối hợp trong nội bộ ngành cũng như bên ngoài xã hội. KTNN đã và đang có mối quan hệ rất thân thiện và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí. Thông qua việc ký kết Quy chế phối hợp, chúng ta sẽ có được sự ủng hộ, quan tâm rất lớn từ các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí để hoạt động kiểm toán ngày càng có hiệu quả.

Thứ tư, chúng ta phải hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng. Cá nhân tôi, khi còn đương nhiệm vị trí Tổng KTNN đảm nhận 3 vai: Tổng KTNN do QH bầu, Bí thư Ban cán sự Đảng do Bộ Chính trị chỉ định, Bí thư Đảng ủy ngành là do ngành bầu lên. Là người đứng đầu, tôi hiểu hơn ai hết ý nghĩa, tác dụng và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng như thế nào và phải chăm lo đến cả hệ thống chính trị, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... Trong quan hệ công việc với các tổ chức phải luôn rành rọt với nhau. Tôi cho rằng đây là bài học thành công của chúng ta. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và đặc biệt coi trọng công tác củng cố bộ máy tổ chức, kiên trì xây dựng đội ngũ cán bộ công chức KTV trong sạch vững mạnh, nghệ tinh tâm sáng. Chúng ta có Nghị quyết, có Kết luận của BCS Đảng về việc này. Chỉ cần sơ sảy, chủ quan là chúng ta phải trả giá rất nhiều. Các vấn đề liên quan đến phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức nhất là KTV là bài toán hóc búa và cốt lõi nhất. Vì vậy chúng ta không cho phép được lơ là, chủ quan.

Thứ năm là hết sức, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công chức, xây dựng thương hiệu, hình ảnh và văn hóa riêng của ngành. Tôi muốn chia sẻ thế này, 20 bài hát về ngành đối với chúng ta rất quý, chúng ta cần trân trọng và giữ lấy. Bản thân tôi có lẽ không thể làm lại được như thế. Đó là thời khắc không thể diễn tả được, là thời khắc của nhiều mối giao hòa làm cho người nghệ sỹ rung động về ngành của chúng ta. Nhiều Bộ ngành khác đánh giá, bắt đầu chúng ta có nét văn hóa riêng, có thương hiệu của ngành..

Đây là năm bài học lớn mà cá nhân tôi rất tâm huyết. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chia sẻ về những điều mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Chúng ta hãy học và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch. Một là, tránh bệnh thành tích, nói một cách trực diện là trách nói dối, làm dối, báo cáo hay. Trong kiểm toán, cứ đưa ra kiến nghị số liệu thật nhiều nhưng tính khả thi rất thấp, bằng chứng không vững chắc, thành tích báo cáo khoa trương là rất nguy hiểm. Thứ hai là bệnh quan liêu. Chúng ta thường mắc bệnh áng chừng, thiếu cụ thể, xa rời thực tế, không có sâu sát. Chúng ta cần đi sâu vào sự việc mới nắm vững được bản chất vấn đề. Kinh nghiệm công tác của tôi là cần sâu sát quyết liệt mới tránh được bệnh quan liêu. Một vấn đề khác là bệnh thiếu kiểm tra, kiểm soát, nhất là ngành KTNN, hệ thống quản lý kiểm soát nội bộ lúc nào cũng phải đủ mạnh. Chính sách chế độ, Quy chế, Quy trình chúng ta ban hành phải có sơ kết, tổng kết đánh giá, kiểm tra, kiểm soát để mà luôn luôn hoàn thiện. Lãnh đạo luôn phải có kiểm tra kiểm soát bằng nhiều kênh thông tin để có thể đưa ra những quyết định chính xác. Thứ tư là không thể xem thường các tiêu cực. Quyền của KTV rất lớn, chức vụ không có nhưng có quyền. Có quyền thì hay lạm quyền. Chính vì vậy, những vấn đề tiêu cực, những vi phạm tư cách đạo đức trong ngành KTNN luôn luôn phải để ý không thể xem thường.

Những điều tôi tâm sự ở trên cũng là bài học cho chính bản thân tôi trong cương vị công tác tới đây, cũng muốn chia sẻ để các đồng chí tham khảo.

* Nguyên là Tổng KTNN, giờ được Đảng, Nhà nước giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Vậy trong thời gian tới việc phối hợp giữa 2 cơ quan sẽ được Ông chỉ đạo thực hiện như thế nào?

 - Trước khi nói đến công tác phối hợp giữa 2 cơ quan, tôi có một câu thế này: quá trình gắn bó với ngành không thể tránh được việc này việc kia, nhưng tôi xin được mượn lời của một đồng chí lão thành để nói thế này: "Điều dở vứt bỏ xuống sông; Niềm vui giữ mãi trong lòng dài lâu". Chúng ta hãy cùng gìn giữ những kỷ niệm tốt đẹp về nhau.

Về bên Bộ Tài chính tôi chắc chắn rằng sẽ luôn trân trọng và sử dụng ngày càng nhiều hơn kết quả kiểm toán bởi hơn ai hết tôi hiểu quá rõ về tầm quan trọng của những kết luận, kiến nghị của KTNN. Bên cạnh đó, việc phối hợp công tác giữa KTNN và Bộ Tài chính sẽ ngày càng tốt hơn dựa trên những điều trong Quy chế phối hợp đã được 2 cơ quan ký kết trong tháng 7 vừa rồi. Tôi cũng sẽ quan tâm, chia sẻ và hiểu rõ những khó khăn nội tại về cơ sở vật chất của  ngành.

* Vậy Ông có gì nhắn gửi với Tân Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng, các đồng chí trong BCS Đảng, các đồng chí lãnh đạo đơn vị của KTNN? 

- Tôi muốn nói thế này, Quốc hội đã lựa chọn rất chính xác và hợp lý đồng chí Đinh Tiến Dũng ở vị trí Tổng KTNN. Đồng chí Đinh Tiến Dũng nguyên là sinh viên khóa 16 Học viện Tài chính. Quá trình trưởng thành từ cơ sở, trải qua các vị trí có gắn với công tác quản lý tài chính, từ cấp phòng lên cấp Vụ, tới Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho đến khi được luân chuyển làm Phó Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh Điện Biên, rồi về làm Bi thư tỉnh Ninh Bình đều trực tiếp gắn với lĩnh vực này. Đồng chí Dũng có kinh nghiệm được đào tạo chính quy, căn bản và được Bộ Chính trị, Quốc hội đánh giá cao. Tôi tin đây là sự lựa chọn đúng đắn và tôi tin chắc rằng đồng chí Đinh Tiến Dũng tiếp tục phát huy được những thành tích, đưa con thuyền KTNN tiếp tục đi lên, có những bứt phá đột phá mạnh hơn nữa. 

Mong các đồng chí trong BCS Đảng, lãnh đạo KTNN, thủ trưởng các đơn vị ủng hộ đồng chí Đinh Tiến Dũng, cùng nhau tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết đó là sức mạnh to lớn của chúng ta để chúng ta tiếp tục tiến lên.

Với cá nhân, tôi hài lòng với bản thân mình, từ ngày đầu tiên đến KTNN cho đến ngày cuối cùng trên cương vị Tổng KTNN đã làm việc hết mình và đầy trách nhiệm, tận tuỵ với ngành. Có nhiều lúc, tôi làm việc trên 100% sức lực, một ngày không kể bao nhiêu tiếng, thực tế chưa có được ngày nào được thanh thản bởi nỗi lòng lúc nào cũng luôn đau đáu tới sự phát triển lớn mạnh của ngành. Đây là điều mà tôi thấy tự hài lòng với mình nhất.

Một lần nữa trân trọng cảm ơn các đồng chí trong BCS đảng, lãnh đạo KTNN, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt về sự cộng tác, chia sẻ giúp đỡ cho tôi trong hơn 10 năm gắn bó với KTNN, đặc biệt là trong hơn 5 năm qua khi tôi được bầu làm Tổng KTNN. Qua các đồng chí cho tôi gửi lời thăm hỏi sức khoẻ, chúc mừng đến tất cả các đồng chí cán bộ, công chức, KTV và người lao động qua các thế hệ của KTNN. Xin nhắn nhủ một câu rằng đồng chí Vương Đình Huệ ra đi nhận nhiệm vụ công tác mới nhưng tấm lòng lúc nào cũng sẽ ở lại với KTNN./.

Lê Phương Vân (thực hiện)
 

Xem thêm »