Sáng 3/4/2010, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam” do UNDP tài trợ, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Cải cách ngân sách - Một số vấn đề liên quan tới định hướng chiến lược trong cải cách ngân sách”. Tới dự có đông đảo các chuyên gia về tài chính - ngân sách trong nước và quốc tế. Ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách chủ trì hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các chuyên đề như: Luật Ngân sách nhà nước 2002 - Kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra và định hướng sửa đổi; Kinh nghiệm quốc tế trong cải cách ngân sách; Cải cách ngân sách - nhìn từ góc độ Kiểm toán Nhà nước VACPA.VACPA... Nhất trí với ý nghĩa và vai trò quan trọng của cải cách ngân sách, nhiều đại biểu cho rằng, khi Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới, một hệ thống tài khóa được quản lý tốt với trách nhiệm giải trình thích hợp đang ngày càng trở nên cần thiết. Sự minh bạch hơn trong tài chính công và chính sách tài khóa sẽ góp phần cải thiện chất lượng đầu tư và hiệu quả kinh tế. Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) năm 2002 đã góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao, bền vững; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo được sự chuyển biến tích cực trong quản lý thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế... Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả sử dụng ngân sách của nước ta còn hạn chế; việc phân cấp và tính năng động trong quản lý NSNN chưa cụ thể và còn chồng chéo. Các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng khắc phục được những tồn tại trong quản lý tài chính và ngân sách; hoàn thiện hệ thống phân cấp quản lý ngân sách, bảo đảm tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương, tránh sự lạm dụng trong sử dụng nguồn lực hay khai thác cạn kiệt tài nguyên; hoàn thiện hệ thống định mức chi ngân sách, định mức phân bổ ngân sách, bảo đảm đặc thù vùng miền và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương...
Tại Hội thảo, phần giới thiệu về tổ chức, hoạt động của cơ quan kiểm toán nhà nước ở một số quốc gia cho thấy hoạt động này có vai trò rất quan trọng trong quản lý và điều hành ngân sách. Đạo luật Kiểm toán quốc gia (năm 1997) của Úc quy định: Tất cả các cơ quan sử dụng NSNN hàng năm đều phải chịu sự kiểm toán tài chính của Kiểm toán Nhà nước... Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn tiến hành kiểm toán hoạt động một số lĩnh vực tại các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn lực công. Luật Kiểm toán của Niu - Di Lân quy định, Kiểm toán quốc gia phải kiểm toán các báo cáo tài chính, báo cáo thực hiện các nhiệm vụ của các đơn vị trong khu vực công; có thể kiểm tra các vấn đề liên quan đến tính hiệu lực, hiệu quả, tính tuân thủ, sự lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong các đơn vị thuộc khu vực công. Trong qúa trình tham gia dự toán NSNN, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tư vấn cho Quốc hội xem xét phân bổ ngân sách cho các đơn vị một cách hợp lý, công bằng và khách quan.
ĐHC