HỘI THẢO "XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ CHO TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC"

19/04/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Nhằm hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ngày 13/4/2010, tại Hà Nội, KTNN Việt Nam phối hợp với KTNN Vương Quốc Anh (NAO) và Bộ Phát triển Vương Quốc Anh (DFID) tổ chức Hội thảo "Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước".

 

Đến dự, về phía KTNN Việt Nam có GS.TS Vương Đình Huệ - Tổng KTNN, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN, Ban xây dựng Chiến lược phát triển KTNN, thành viên các nhóm công tác thực hiện các chủ đề, Ban điều phối chương trình xây dựng Kế hoạch hành động phát triển KTNN; về phía KTNN Vương quốc Anh có ông Bill Burnett - nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, chuyên gia khu vực công và giám sát Quốc hội; đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan có PGS.TS Phan Trung Lý - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, TS. Đinh Trịnh Hải - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ - Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội. Đến dự còn có đại diện Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Hiệp hội kế toán công chứng Anh và Văn phòng DFID tại Việt Nam...
Trong bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ cho biết: Trong nội dung dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến 2020, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động KTNN có vị trí đặc biệt quan trọng. Có thể nói, địa vị pháp lý của KTNN đã được đặt ra khá rõ ràng trong Luật KTNN, một đạo luật được đánh giá có nhiều tiến bộ; tuy nhiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp như hầu hết các nước trên thế giới, dẫn đến những khó khăn nhất định trong xác định vị trí pháp lý, xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động cũng như nhận thức của các các cấp, các ngành, công chúng và toàn xã hội. Mặt khác, phạm vi kiểm toán theo quy định hiện nay chưa bao quát hết việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công; một số nội dung chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Luật KTNN; chưa có các quy định cụ thể về chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN... Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược là đề nghị với Đảng và Nhà nước xem xét, phê chuẩn việc quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp, hi vọng Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu trên.
Với định hướng nêu trên, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài ngành đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến, nội dung thiết thực, có giá trị cao về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn nhằm hoàn thiện Kế hoạch. Bên cạnh đó, chuyên gia đến từ NAO đã có tham luận về "Mô hình Luật mới quy định về các cơ quan kiểm toán tối cao" và những ý kiến tham vấn cụ thể đối với dự thảo Kế hoạch hành động. Tham luận với chủ đề: "Về cơ sở hiến định của Kiểm toán Nhà nước", PGS.TS Phan Trung Lý tán thành với phần lớn các nội dung cũng như lộ trình của dự thảo Kế hoạch hành động, đồng thời cho biết: Đây là vấn đề quan trọng nhằm hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN, cần xác định các trọng tâm để phù hợp với khối lượng công việc và quỹ thời gian. Cần sớm có các nội dung đề xuất trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định; nên có nhiều phương án để chọn ra phương án tốt nhất, tăng tính khả thi. ĐC

Xem thêm »