Ngày 15/3/2007 tại TP Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV phối hợp với Trung tâm KH&BDCB đã tổ chức Hội thảo với chủ đề " Thực trạng và giải pháp tăng cường chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương".
Tới dự và chủ trì Hội thảo có GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng KTNN; GS.TSKH Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội. Gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo HĐND, UBND và các sở, ban, ngành của TP. HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Vĩnh Long đã tham dự Hội thảo.
Hội thảo đã được nghe 15 ý kiến phát biểu trực tiếp trong tổng số 30 tham luận được đăng ký của các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Quốc hội, HĐND, UBND và từ chính những người đang trực tiếp điều hành hoạt động kiểm toán của KTNN. Từ những căn cứ khoa học và qua hoạt động thực tiễn, các diễn giả đã nhận định xác đáng về thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN và sự phối hợp giữa KTNN với các cấp chính quyền địa phương để từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động này.
Trên cơ sở những ý kiến tuy nhiều chiều nhưng đầy tâm huyết, liên quan tới toàn bộ các lĩnh vực có liên quan tới chủ đề của Hội thảo, các ý kiến đều thống nhất về mặt nhận thức, khi khẳng định vị trí và vai trò rất quan trọng của ngân sách địa phương trong hệ thống ngân sách nhà nước; đồng thời cũng khẳng định vai trò và vị trí của KTNN đối với kiểm toán ngân sách địa phương. Các ý kiến cũng đều bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường cơ chế phối hợp giữa KTNN với HĐND và UBND. Tuy chức năng nhiệm vụ khác nhau, nhưng KTNN và cấp chính quyền các địa phương đều có chung một mục tiêu là NSNN phải được sử dụng đúng đắn nhất, tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất. Tại Hội thảo này chính những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán và những cán bộ trực tiếp làm công tác tài chính kế toán tại địa phương cũng đưa ra đòi hỏi cần sớm đổi mới và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực và quy trình kiểm toán NSNN, trong đó có quy trình kiểm toán ngân sách địa phương. Ngoài ra rất nhiều ý kiến đề nghị hoàn thiện sửa đổi một số văn bản pháp luật, trước hết là Luật NSNN. Cần sớm sửa đổi và bổ sung những điều liên quan tới thời hạn lập và phê chuẩn Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước các cấp, trên cơ sở đó trình UB TVQH sửa đổi Nghị quyết 387 về việc ban hành quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và trình với Chính phủ sửa đổi Nghị định về trình tự lập và phê chuẩn ngân sách địa phương. Cuối cùng các ý kiến tại Hội thảo đã thống nhất cao về yêu cầu nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ KTV nhà nước cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức. Các ý kiến cũng đã đề xuất nhiều giải pháp tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tại Ban kinh tế ngân sách của HĐND và những người làm công tác tài chính, kế toán của các sở, ban, ngành tại địa phương.
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS. TS Vương Đình Huệ, Tổng KTNN đã bày tỏ lòng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, có trách nhiệm của các đại biểu đã giúp KTNN có cái nhìn bao quát và toàn diện về thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương hiện nay. Ghi nhận đánh giá của các đại biểu cho rằng KTNN thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm sau tốt hơn năm trước và đặc biệt kể từ năm 2006 khi Luật KTNN bắt đầu có hiệu lực; tuy nhiên Tổng KTNN cũng cho rằng so với yêu cầu thì chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương vẫn còn có khoảng cách. Theo Tổng KTNN, tăng thu giảm chi cho NSNN là quan trọng, nhất là trong khi đất nươc ta còn nghèo, nhưng sẽ là tốt hơn nếu thông qua kiểm toán đóng góp nhiều vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách vốn luôn lạc hậu so với thục tiễn cuộc sống. Đi sâu phân tích các nguyên nhân hạn chế tới chất lượng hoạt động kiểm toán, đồng chí cho rằng có những nguyên nhân nằm ngay trong nội tại của KTNN, như bộ máy, con người, hệ thống chuẩn mực, quy trình kiểm toán v.v.. và những nguyên nhân khách quan như hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, về cơ chế phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND và các sở ban ngành địa phương v.v...
Nhân dịp này, Tổng KTNN cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, đặc biệt là các KTNN khu vực cần nghiên cứu kỹ những đề xuất kiến nghị tại Hội thảo, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để hoàn thiện ngay cơ chế, chính sách và tổ chức hoạt động của đơn vị, với những lĩnh vực có liên quan tới toàn ngành cũng sẽ sớm có hướng xử lý, khắc phục để tạo thuận lợi trong phối hợp hoạt động giữa KTNN với cơ quan của HĐND và UBND vì mục tiêu chung./.