Đại hội thi đua yêu nước Kiểm toán Nhà nước lần thứ nhất - tôn vinh những cá nhân và tập thể điển hình, tiên tiến

30/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Trong không khí hân hoan đón chào kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 8 thành công và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 19/8 cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất. Tham dự Đại hội có đại diện một số cơ quan Trung ương và Hà Nội, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo và cán bộ, công chức KTNN đã nghỉ hưu và 138 đại biểu chính thức là các cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua, điển hình tiên tiến và đại diện cho các tập thể điển hình tiên tiến trong ngành.

 Với nội dung xuyên suốt "Tất cả vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước", trong những năm qua toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTNN đã hăng hái nhiệt tình thi đua sáng tạo trong công tác, thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp KTNN. Các phong trào "Rèn luyện kỷ luật nghiêm, xây nếp sống đẹp", "Kiểm toán giỏi, chất lượng cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng" đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các đơn vị. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng phát động sâu rộng, sôi nổi nhiều phong trào thi đua với các chủ đề phong phú, thiết thực. Các phong trào mang chủ đề: "Nâng cao trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, chất lượng công tác cao, xây dựng công đoàn vững mạnh"; "Trung thành - Sáng tạo - Tận tuỵ - Gương mẫu" đã có 100% đoàn viên các công đoàn bộ phận đăng ký danh hiệu thi đua. Các phong trào thi đua liên tục với những chủ đề thiết thực đã góp phần tạo nên sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của KTNN trong giai đoạn vừa qua. Trong 5 năm (2000 - 2004) KTNN đã thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách 95 lượt các tỉnh, thành phố; 40 lượt bộ, ngành; kiểm toán báo cáo tài chính 72 lượt doanh nghiệp lớn của Nhà nước, 67 lượt đơn vị quốc phòng, an ninh và khối kinh tế Đảng; kiểm toán báo cáo quyết toán 16 công trình đầu tư XDCB, 11 chương trình mục tiêu. Qua đó KTNN đã cung cấp những thông tin, số liệu xác thực về tình hình quản lý và điều hành ngân sách, những kiến nghị có tầm vĩ mô giúp Chính phủ, Quốc hội trong quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý NSNN và tài sản công. Quá trình kiểm toán đã giúp các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, ngân sách; ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí; sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tài chính quốc gia. Trong 5 năm, đã kiến nghị tăng thu cho NSNN 3.065 tỷ đồng, giảm chi 1.239 tỷ đồng và ghi thu, ghi chi quản lý qua NSNN 2.465 tỷ đồng. Trên cơ sở những nỗ lực đó, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật KTNN, sự kiện không chỉ đưa hoạt động KTNN lên một tầm cao mới mà còn cho thấy hoạt động KTNN ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy.

Ghi nhận những thành tích đó, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (11/7/1994 - 11/7/2004) và thời gian vừa qua, Chủ tịch nước đã tặng thưởng KTNN và cá nhân đồng chí Tổng KTNN Huân chương Lao động hạng nhất; tặng thưởng huân chương lao động các hạng nhì, ba cho 13 tập thể và cá nhân khác trong ngành. Trong 5 năm qua có 4 tập thể cấp vụ được tặng cờ thi đua của Chính phủ; 14 tập thể cấp phòng và cấp vụ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; hàng trăm lượt đơn vị cấp vụ và cấp phòng được Tổng KTNN tặng cờ thi đua, bằng khen và giấy khen; hàng ngàn lượt cá nhân được phong tặng các danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp ngành", "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" và "Lao động giỏi".

Thông qua hoạt động và phong trào thi đua của các tổ chức Đảng, đoàn thể, nhiều tập thể và cá nhân ngành KTNN đã được nhận các danh hiệu thi đua của thủ tướng Chính phủ, Đảng uỷ khối cơ quan kinh tế Trung ương, Đảng uỷ cơ quan KTNN, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam... Toàn ngành có 21 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương về thành tích trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong 24 tập thể và cá nhân điển hình tiến tiến được tôn vinh lần này, có 6 điển hình được chọn báo cáo thành tích tại Đại hội. Có nhiều yếu tố để đưa tới thành công nhưng trong thành tích của mỗi tấm gương tập thể và cá nhân đều toát lên một điểm chung, đó là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao; yêu ngành, yêu nghề và say mê với công việc.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Đỗ Bình Dương - Tổng KTNN, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng KTNN - nhận định: Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của toàn ngành nhằm biểu dương những nhân tố mới, những tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước những năm qua. Đồng thời tổng kết, đánh giá những kết quả thi đua đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đề ra những phương hướng mục tiêu cho phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006-2010. Đồng chí đã nhiệt liệt biểu dương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến của KTNN trong 5 năm vừa qua và nhấn mạnh thêm một số vấn đề nhằm tiếp tục đưa chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua của KTNN lên một bước mới. Theo đồng chí Tổng kiểm toán, trước hết mọi hoạt động phong trào thi đua đều phải nhằm đến việc nâng cao chất lượng kiểm toán, trong đó đặc biệt quan trọng là nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Để làm được việc đó, vai trò của lãnh đạo từng đơn vị đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ riêng việc hưởng ứng, tổ chức các phong trào thi đua mà còn phải biết phát hiện các nhân tố mới để vun đắp, phát triển, tổng kết đánh giá và rút ra các bài học kinh nghiệm. Phải làm thế nào phát động được phong trào thi đua với khí thế sôi nổi, rộng khắp, qua đó tạo nên hình ảnh người kiểm toán viên nhà nước dũng cảm, có tâm trong sáng và nghề nghiệp tinh thông. Mong rằng trong tương lai không xa, ngành KTNN sẽ xuất hiện những gương anh hùng, những tấm gương tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Một số mục tiêu chính cho phong trào thi đua những tháng cuối năm 2005 và giai đoạn 2006-2010 được Đại hội đề ra, bao gồm: tiếp tục quán triệt chỉ thị của Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác thi đua khen thưởng tạo sự chuyển biến sâu rộng hơn nữa trong toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành; nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng và phẩm chất đạo đức cách mạng của từng cá nhân trên từng cương vị công tác, kiên quyết đổi mới lề lối và tác phong làm việc; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; thực hiện tốt nếp sống văn hoá và văn minh nơi công sở và nơi công tác, gương mẫu đi đầu trong việc chống lãng phí tiêu cực và thực hành tiết kiệm; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa chính quyền, Đảng và các đoàn thể trong phát động các phong trào thi đua; đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xem thêm »