Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết của UBTVQH về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước; quy trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước

30/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Ngày 24/8/2005, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước và quy trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

 Ông Đỗ Bình Dương Tổng Kiểm toán Nhà nước, thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước phải hợp lý, đồng bộ để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Với những yêu cầu này Kiểm toán Nhà nước trước mắt được tổ chức gồm Văn phòng và 05 Vụ chức năng tham mưu (thành lập mới Vụ Tổng hợp và Vụ Quan hệ quốc tế), 07 đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, 05 Kiểm toán Nhà nước khu vực và 03 đơn vị sự nghiệp. Hoạt động của các đơn vị nêu trên nhằm góp phần giữ vững kỷ luật tài chính, tạo cơ sở tin cậy cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong quá trình xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và giám sát ngân sách địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước, các ý kiến của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định về tầm quan trọng của việc xây dựng, ban hành các chuẩn mực kiểm toán nhà nước, do vậy quy trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và hợp lý. Dự thảo quy trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước gồm 10 Điều được xây dựng theo trình tự các bước xây dựng và ban hành chuẩn mực, thành lập ban chỉ đạo, tổ soạn thảo; xác định nguyên tắc, kế hoạch soạn thảo và ban hành chuẩn mực; soạn thảo chuẩn mực; tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; ban hành và công bố chuẩn mực; quy định về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung bãi bỏ chuẩn mực khi xét thấy cần thiết. Nghị quyết cũng đã quy định thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thành lập Ban chỉ đạo và thành phần Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở quy trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước do Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ quy định, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước làm căn cứ pháp lý nghề nghiệp quan trọng phục vụ hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Tại phiên họp này, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất cao về nội dung 02 dự thảo Nghị quyết nói trên./.

Xem thêm »