Cứ để DN nhảy xuống ao, họ sẽ tự biết bơi

25/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 "Cứ đẩy người ta nhảy xuống ao người ta sẽ tự khắc biết bơi. Có "nhảy" xuống "ao" mới biết "lạnh" hay "nóng", chứ ngồi trên bờ mà đoán đều không chính xác. Bên hành lang QH, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Trưởng ban chỉ đạo QG Hội nhập kinh tế quốc tế đã trao đổi với VietNamNet về tiến trình gia nhập WTO và "hậu WTO" của Việt Nam. Sau 9 năm và 7 vòng đàm phán đa phương, hiện “VN đang ở đâu trên lộ trình gia nhập WTO". Đó là băn khoăn mà nhiều đại biểu đã mang tới nghị trường. Cũng những ngày này, đoàn đàm phán VN đang làm việc "cật lực" ở Geneve trong phiên thứ 8, vòng đàm phán được đánh giá là "mấu chốt" trong tiến trình gia nhập WTO của VN

Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Sau 9 năm và 7 vòng đàm phán đa phương, hiện “VN đang ở đâu trên lộ trình gia nhập WTO". Đó là băn khoăn mà nhiều đại biểu đã mang tới nghị trường. Cũng những ngày này, đoàn đàm phán VN đang làm việc "cật lực" ở Geneve trong phiên thứ 8, vòng đàm phán được đánh giá là "mấu chốt" trong tiến trình gia nhập WTO của VN.

Đã đến lúc chuẩn bị cho "hậu WTO"

- Vừa rồi, có một số ý kiến đại biểu cho rằng, quá trình gia nhập WTO của ta có hơi chậm. Phó Thủ tướng nghĩ sao về ý kiến này?

- Nếu nói là quá trình chuẩn bị gia nhập WTO của ta chậm thì tôi không đồng ý. Chúng ta đã và đang làm rất nhiều việc.

Thứ nhất là khía cạnh điều chỉnh luật pháp, Quốc hội đã làm rất nhiều việc trong việc sửa luật cho khớp dần với luật chơi quốc tế. Đồng thời, chúng ta cũng trình lên WTO một lộ trình sau khi gia nhập năm 2007, chỉ rõ sẽ làm những việc gì. Đây là khối công việc đồ sộ mà chúng ta đang làm và làm một cách tích cực. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam mà Quốc hội làm luật nhiều như thế này.

Mặt khác, quá trình tiến hành đàm phán đã trải qua 7 vòng, (vòng thứ 8 đang diễn ra ở Geneve). Dư luận thế giới, cả Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đều đánh giá đây là bước "đột phá" của chúng ta. Do đó, nó gợi cho họ hứng thú đàm phán với Việt Nam. Lâu nay, chúng ta chưa đàm phán được với nhiều người (chưa đàm phán trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc...).

Việc thứ ba, cơ bản nhất là đổi mới các DN, nâng cao hiệu quả. Đây là khối công việc khổng lồ mà chúng ta đang tích cực làm. Chúng ta đang tiến hành cổ phần hoá, sắp xếp lại các DNNN một cách quyết liệt.

Việc thứ tư là phổ biến cho nhân dân nhận thức về WTO. Theo cá nhân tôi nghĩ thì có lẽ không có nước nào làm chuyện này mạnh mẽ như ở Việt Nam. Báo chí hàng ngày đề cập, rồi Nhà nước cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về WTO. Tại Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho VN tổ chức tại Vinh từ 16-17/6, tôi sẽ đặt vấn đề với cộng đồng tài trợ quốc tế rằng đã đến lúc "các ngài giúp chúng tôi đào tạo con người "hậu WTO" chứ không phải chỉ là tiền WTO nữa" (Tiền WTO thì họ đã giúp rất nhiều, như đào tạo cán bộ đi đàm phán, giới thiệu, in ấn). Vì thế, nếu nói rằng chưa rõ ràng, hoặc chưa làm gì thì không phải. Nhưng nếu nhận xét là "chưa đủ mức" thì đúng.

- Liên quan đến quá trình đàm phán, có một số ý kiến cho rằng quá trình đàm phán song phương có thể "vô tình" đặt ra những "mức thang cao hơn" cho việc Việt Nam gia nhập WTO vì các nước sẽ đòi hỏi cao hơn?

- Việc này theo tôi phụ thuộc vào vấn đề điều hành đàm phán. Cũng có những vấn đề trước mắt chúng ta phải giải quyết ngay.

Ví dụ như vấn đề dệt may có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến công ăn việc làm của hàng mấy triệu con người. Vì thế, nếu chúng ta không đàm phán ngay với Liên minh Châu Âu để tăng hạn ngạch lên thì sẽ thiệt hại rất lớn. Trong bối cảnh đó, phải đáp ứng một số đòi hỏi của họ để họ tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam. Nhưng chúng ta đều có thoả thuận rõ ràng rằng "tôi nhân nhượng "ông" cái này, khi đàm phán WTO, “ông” đừng đòi hỏi nữa nhé. Tôi đã nhân nhượng ông theo tiêu chuẩn WTO. Ngân hàng đã mở thế này, viễn thông đã mở thế này. Coi như, một nội dung đàm phán của WTO đã giải quyết xong". Cũng ương tự như vậy với Nhật, với Mỹ.

Đương nhiên, khi ngồi vào bàn đàm phán WTO, họ thường đòi hỏi cao hơn với lý do là luật chơi WTO phải cao hơn. Nhưng khi đàm phán song phương về các vấn đề cụ thể, chúng ta phải "giao hẹn" trước, "món" này thuộc nội dung WTO, khi đàm phán sau này không quay lại nữa.

Ở đây, rõ ràng phải có sự kết hợp giữa song phương và đa phương. Nếu cứ chờ tất cả mọi nội dung thì có những vấn đề cụ thể, cấp bách không giải quyết được. Nhưng nếu cứ “sa đà" vào song phương mà quên mất WTO thì cũng rất khó khăn.

- Phiên đàm phán thứ 8 Việt Nam gia nhập WTO đang diễn ra tại Geneve sẽ có tầm quan trọng như thế nào đối với tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?

- Theo tôi, đây là vòng đàm phán có ý nghĩa then chốt. Từ trước đến nay VN mới chỉ đàm phán qua giai đoạn minh bạch hoá giải thích cơ chế chính sách... và thử một vài đề nghị xem các đối tác phản ứng ra sao.Chứ còn thực sự đàm phán thì mới là từ vòng 8 này.

Tại phiên đàm phán thứ 8 này VN đã đặt lên bàn đàm phán những đề nghị rất mạnh mẽ về cam kết hội nhập, từ đó một đánh tín hiệu cho cộng đồng quốc tế biết VN muốn vào WTO thật sự bằng hành động chứ không chỉ có nói. Từ đó, mới “lôi” họ vào đàm phán thực. Ý nghĩa của phiên đàm phán này là "ta cũng thực sự muốn và đối tác cũng “ngửi” thấy mùi thực rồi”. Từ đó mới đi vào đàm phán thực chất chứ không phải là theo kiểu tìm hiểu nữa.

Đoàn đi Geneve có báo cáo với tôi là hiện có tới 23 nước xin đàm phán với Việt Nam. Và trong những ngày này, đoàn đang đàm phán liên tục với họ. !

Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH: các đàm phán song phương đang đặt ra những “nấc thang” cao hơn cho tiến trình gia nhập WTO.

“Khi đàm phán một Hiệp định song phương có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận một số điều kiện về mở cửa thị trường cho hàng hoá của đối tác. Hiện VN đang đàm phán song phương với 25 nước. Có nghĩa là những nước chưa có hiệp định song phương với VN sẽ có xu hướng đòi "sàn" đàm phán là những điều kiện mà VN đã chấp nhận trong hiệp định song phương với các nước khác. Thành thử là nếu các điều kiện mà ta đã chấp thuận trong Hiệp định song phương tương đối “rộng” thì "sàn" để ta thương lượng song phương vào WTO sẽ cao.

Về cách tiếp cận tổng thể, theo tôi không thể ký những Hiệp định song phương trước khi vào WTO mà không nghĩ rằng chúng sẽ không tác động đến những thương lượng song phương khác trong khuôn khổ gia nhập WTO. Ví dụ như Mỹ. VN vẫn sẽ phải đàm phán song phương với Mỹ và chắc chắn là Mỹ đang đòi những điều kiện cao hơn so với Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ”.

 Cứ để DN “tự bơi”, DN khắc trưởng thành

Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "khâu lo nhất trong quá trình gia nhập WTO hiện nay của VN là chuyện đổi mới để làm sao tăng khả năng cạnh tranh các doanh nghiệp (DN). Chứ kiểu làm ăn phập phù như hiện nay của các DN là rất gay go: giá thành cao, hệ thống phân phối lỏng lẻo (ngành thép) hay sự quản lý xăng dầu (bao cấp trong nước chưa đủ còn bao cấp quốc tế)".

- Chính phủ đã có khảo sát nào về mức độ sẵn sàng hội nhập của các nhóm hàng, về sức cạnh tranh của các DN vào thời điểm này chưa, thưa Phó Thủ tướng?

- Khảo sát về sức cạnh tranh của DN thì có nhiều kênh như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Thương mại... Theo đánh giá của các Bộ ngành thì nhóm hàng cạnh tranh được là: may mặc, nông sản có thể chịu đựng được và có thể phát triển mạnh (gạo, cà phê, hồ tiêu, thuỷ sản), một số ngành cơ khí đã bắt đầu khởi sắc và cũng có thể chịu đựng được. Đây là những mặt hàng mạnh có thể yên tâm khi hội nhập. Những ngành có sức cạnh tranh ở mức trung bình nếu bổ sung thêm có thể đứng vững là đồ điện tử, Chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển. Ngành đáng lo ngại dễ phá sản nhất là đường và một ngành hàng khác...

- Với tư cách là trưởng ban chỉ đạo của Uỷ ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Thủ tướng đánh giá như nào về sự sẵn sàng hội nhập của các DN?

- Tôi nói hơi “đời thường” một chút: Cứ để người ta nhảy xuống ao, người ta sẽ tự khắc biết bơi, còn ngồi trên bờ thì sẽ không bao giờ biết bơi đâu. Có "nhảy" xuống "ao" mới biết "lạnh" hay "nóng". Chứ cứ ngồi trên bờ mà đoán đều không chính xác.

Thực tế cũng đã chứng minh rằng ngành nào "xuống bơi" cũng đều tự phát triển được như ngành bia rượu, ngành dệt may... Cứ để cho các DN tự bơi tự tin vào khả năng phát triển của mình thì họ sẽ trưởng thành lên chứ cứ ngồi chờ bao cấp, chỉ đạo thì sẽ không thể phát triển được.

- Nhưng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ gì cho DN để “tự bơi” được mà không “chết đuối” thưa Phó Thủ tướng?

- Đối với những ngành đã có thể phát triển tốt Chính phủ sẽ tạo điều kiện để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, những ngành hàng có sức cạnh tranh còn chưa vững, Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung một số cơ chế chính sách để cho các nhóm ngành hàng này vươn lên. Những mặt hàng có thể phá sản Chính phủ sẽ cho sắp xếp lại toàn bộ.

Nhưng quan trọng hơn cả là phải tạo được một khuôn khổ pháp lý giống nhau, nói cách khác là "sân chơi chung" cho tất cả các ngành. Hiện nay Chính phủ đang cho sửa Luật đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước để sớm nhập hai Luật này làm một, Luật doanh nghiệp cũng sẽ sửa thành một Luật chứ không như hiện nay có tới 3-4 Luật doanh nghiệp khác nhau.

Ngoài ra, Chính phủ đang ra sức chỉ đạo để VN sớm tạo dựng được một nền công nghiệp phụ trợ (ví dụ, để có hàng dệt may thì phải có công nghiệp dệt, công nghiệp sản xuất cúc, chỉ,... đi xa hơn nữa là thiết bị may mặc). Đây là cái chúng ta còn rất yếu bởi VN mới chỉ là một nền kinh tế gia công.

- Việc quyết định các mặt hàng cạnh tranh phải xét đến các yếu tố động bởi nền kinh tế liên tục phát triển. Ví dụ như ngành dệt may chỉ khoảng 15 năm nữa sẽ không còn là ngành mũi nhọn nữa. Điều này có gây khó khăn gì cho nền kinh tế không?

- Đây là quy luật kinh tế cái gì cũng có chu kỳ của nó không có gì vĩnh viễn cả. Bây giờ ở nhiều nước có lao động đắt đã thôi không làm dệt may nữa (Singapore thừa quota dệt may còn chuyển cho VN), còn VN bây giờ đang "hứng" lấy ngành cần nhiều lao động. Nhưng khoảng 10-15 năm nữa khi giá lao động của mình đắt lên, năng lực sản xuất kinh doanh của mình tốt hơn thì mình cũng sẽ chuyển sang ngành khác. Đây là một cách chuyển dịch lợi thế so sánh trong kinh tế và VN cũng không nằm ngoài quy luật này.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Xem thêm »