Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

23/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/11/2017, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp

 
Tại phiên họp, có 19 đại biểu Quốc hội thảo luận và 6 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung: Sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; tiêu chí, điều kiện thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; việc lựa chọn các đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong; Phú Quốc để xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt…; tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; chính sách phát triển kinh tế-xã hội đặc thù bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh; chính sách đặc thù đối với 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc…
 
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Các đại biểu cho rằng để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, bảo đảm khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì Luật có thể quy định những cơ chế, chính sách vượt trội, khác với các luật hiện hành, tuy nhiên, phải bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
 
Nhiều ý kiến khác nhau về Phạm vi điều chỉnh Luật
 
Thảo luận tại Hội trường, một số đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật. Theo đó, Luật sẽ quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Luật áp dụng chung cho 3 đặc khu dự kiến xây dựng: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong Luật và đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
 
Các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng chính sách riêng, đặc thù, không trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, xác định cạnh tranh chủ yếu với quốc tế; sự cần thiết quy định cụ thể ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư tại các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; các chính sách đặc thù cụ thể được dự thảo Luật quy định đối với 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.
 
Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), không nên quy định chỉ áp dụng cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang, vì như vậy sẽ mang tính cá biệt, không thể linh động đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác sau này nếu có thành lập. “Để Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có tính lâu dài nên quy định chung mang tính phổ biến, không nên chỉ quy định ba đơn vị như nêu trên để áp dụng cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thể thành lập sau này, bởi vì với việc thông qua Luật, việc thành lập từng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt cũng phải có Nghị quyết của Quốc hội cho từng đơn vị với những nội dung cụ thể, phù hợp, mang tính đặc thù” – đại biểu Thạch Phước Bình nói.
 
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội trường
 
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: chúng ta ra dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và đưa vào đó 3 đơn vị cụ thể, không biết Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp có ý kiến về việc này không? “Có ý kiến nói là chúng ta có Luật Thủ đô, vì Thủ đô chỉ có một và ghi vào Hiến pháp. Chúng ta lưu ý trong Luật Thủ đô có một câu và đây là một nguyên tắc của nhiều quốc gia "các công dân đều có nghĩa vụ góp phần xây dựng, bảo vệ thủ đô". Bây giờ Vân Phong, Vân Đồn hay Phú Quốc thì không phải như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có Nghị quyết. Cần nghiên cứu kỹ lại toàn bộ dự án Luật, đủ chín muồi để chúng ta ra một Luật chung về các đơn vị hành chính đặc biệt, về các đặc khu kinh tế” – đại biểu nói. 
 
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng, việc tách 3 đơn vị khỏi Luật giúp làm vững chắc, phù hợp nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế việc Quốc hội thông qua lại thường xuyên phải điều chỉnh. Đại biểu đề xuất xây dựng 3 Nghị quyết cho 3 đơn vị hành chính đặc biệt, để áp dụng cơ chế chính sách phù hợp từng địa phương. Khi cần sửa đổi cho phù hợp phát triển sẽ phù hợp thức tế và không làm ảnh hưởng đến các đơn vị còn lại.
 
Tính tự chủ, tự quản là linh hồn của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
 
Tại phiên thảo luận, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Trong dự Luật, Chính phủ đưa ra hai phương án về mô hình chính quyền đặc khu. Theo đó, phương án 1 là không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế-xã hội trên địa bàn đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Phương án 2 là tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
 
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói: Phương án 1 mà Chính phủ trình không vênh với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời có sự nghiên cứu, tiếp thu những điểm cốt lõi của Đề án chính quyền đô thị mà TP.HCM đã “thai nghén” hơn 20 năm nay. “Quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các quận, huyện, phường ở Thành phố Hồ Chí Minh gần 10 năm có rất nhiều kinh nghiệm, thực tiễn thành công để chúng ta tổ chức ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này. Nhiều địa phương khác có thí điểm và có thành công. Từ thực tiễn đó cho phép chúng ta có nhiều kinh nghiệm về mặt thực tiễn và lý luận để chọn phương án 1” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi.
 
Nhấn mạnh tính tự chủ, tự quản là linh hồn của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) ủng hộ mô hình Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, vì mô hình này có nhiều ưu điểm và thể hiện tính đột phá. Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, cơ chế kiểm soát quyền lực của Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt còn chung chung, cần cân nhắc, xem xét quy định rõ hơn.
 
Đồng tình lựa chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ phương án này thể hiện rõ tính vượt trội, đặc biệt, vượt ra ngoài quy định của chính sách, nhưng phù hợp với đổi mới của Hiến pháp. Điều quan trọng là khâu tuyển chọn, bổ nhiệm Trưởng đặc khu vì công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay xấu, nên cơ chế tuyển chọn phải công khai, minh bạch, chọn được người có tâm và có tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
 
Trước băn khoăn của một số đại biểu lựa chọn phương án 2 vì lo ngại Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền và mô hình chính quyền địa phương như ở đặc khu sẽ vi hiến, nhiều đại biểu cho rằng, với cơ chế bổ nhiệm, giám sát như trong dự Luật thì không nên lo ngại điều này. Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, vấn đề quan trọng là phải lựa chọn được đúng người để trao quyền làm Trưởng đặc khu. Đại biểu cũng đồng tình việc không cần lo lắng Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền, vì cơ chế giám sát như trong dự Luật thiết kế là rất tốt.
 
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là đạo Luật lớn và rất quan trọng, có những nội dung phức tạp nên đã dành được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội. Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo để các cơ quan phối hợp, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án Luật trình Quốc hội. “Tôi xin lưu ý các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải phối hợp với nhau để tiếp tục tổ chức những hội nghị, hội thảo, đánh giá sâu sắc toàn diện hơn sự tác động của một số cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để báo cáo với Quốc hội trong Kỳ họp tới” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
 
Dự kiến, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV./.
 
M. Thúy

Xem thêm »