(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, sáng 13/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) 2018 với 425 đại biểu tán thành, chiếm 86,56% tổng số đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo trước Quốc hội
Trước khi các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2017, dự toán NSNN năm 2018.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018.
Với 437 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tại hội trường, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018 với 425 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 86,56% tổng số đại biểu Quốc hội.
Bội chi ngân sách Nhà nước tương đương 3,7% GDP
Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý điều chỉnh dự toán NSNN năm 2017, trong đó: Giảm dự toán vốn trái phiếu Chính phủ 14.033,79 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán vốn ngoài nước 14.033,79 tỷ đồng để bố trí dự toán cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí dự toán theo quy định từ năm 2016 trở về trước. Bổ sung các dự án này vào danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và được sử dụng từ nguồn dự phòng chung vốn ngoài nước trung hạn; Bổ sung 245,814 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2017 cho Tập đoàn Điện lực và 08 địa phương theo Tờ trình số 349/TTr-CP ngày 23 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ.
Nghị quyết đồng ý thông qua dự toán NSNN năm 2018 với mức bội chi NSNN là 204.000 tỷ đồng (hai trăm linh bốn nghìn tỷ đồng), tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi NSTW là 195.000 tỷ đồng (một trăm chín mươi lăm nghìn tỷ đồng), tương đương 3,54%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng (chín nghìn tỷ đồng), tương đương 0,16%GDP. Tổng mức vay của NSNN bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 363.284 tỷ đồng.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN
Nghị quyết giao Chính phủ điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán NSNN đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.
Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm tính trung lập của thuế, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và công tác quản lý thu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2018- 2020, tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách Trung ương; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017.
Quốc hội yêu cầu thu vào NSNN 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt- Nga (Vietsovpetro) và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đầu tư theo quy định của pháp luật.
Từ 1/7/2018 tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu
Toàn cảnh phiên họp
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Giao các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2018- 2020, các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư phát triển các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020
Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Quản lý chi đầu tư phát triển từ NSNN phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP), tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực du lịch. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, chi chuyển nguồn theo đúng quy định của Luật NSNN. Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về đầu tư công, sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng giao Chính phủ điều hành chi NSNN theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công. Tiếp tục cải cách hành chính và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi NSNN./.
Như Ý
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự toán thu, chi NSNN năm 2018 về số tuyệt đối đều cao hơn năm 2017, nhưng nếu tính theo tỷ lệ % huy động từ thuế, phí thì thấp hơn năm 2017. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Tỷ lệ huy động từ thuế, phí năm 2018 dự kiến là 19,7%GDP, giảm so với năm 2017 (20,1%GDP) và thấp hơn mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là khoảng 21%GDP. Điều này có nguyên nhân chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm thuế nhập khẩu do cam kết hội nhập, cũng như việc điều chỉnh chính sách thu nội địa chậm hơn dự kiến. Tổng hợp các yếu tố giảm thu nêu trên ước làm giảm mức huy động từ thuế, phí khoảng 0,4-0,5%GDP. |