Nghiệm thu đề tài Nâng cao hiệu quả công tác đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương

09/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 9/11/2017, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nâng cao hiệu quả công tác đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương” do Ths. Nguyễn Quốc Tuấn và Ths. Đồ Thu Huyền làm đồng chủ nhiệm. TS Lê Đình Thăng, Giám đốc Trường Đào tạo & Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Tham dự buổi nghiệm thu có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.

Toàn cảnh buổi nghiêm thu

 
Đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương” là đề tài đầu tiên trong số danh mục các đề tài cấp cơ sở tự túc kinh phí năm 2017 được hoàn thiện và nghiệm thu sớm nhất, với thời gian thực hiện là 10 tháng. Đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương” được kết cấu thành 2 chương, chương 1: Tổng quan những vấn đề chung về công tác kiểm tra, đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương; chương 2: Các giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra, đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương.
 
Theo Ban chủ nhiệm đề tài, đối chiếu thuế là một trong những công việc quan trọng trong công tác kiểm toán thu ngân sách địa phương. Hiện nay, hiệu quả và hiệu lực của công tác đối chiếu do KTNN thực hiện chưa cao do hành lang pháp lý, phương pháp đối chiếu và sự hợp tác của cơ quan quản lý thu, người nộp thuế cũng như quy trình, hướng dẫn còn hạn chế. Đồng thời, trong điều kiện thực hiện tự khai, tự nộp và việc thanh tra, kiểm tra người nộp thuế tỷ lệ còn thấp, hiện tượng trốn thuế còn diễn ra tương đối phổ biến, qua công tác đối chiếu thuế của KTNN khu vực cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm tra, đối chiếu thuế đều có tăng thu NSNN. Chính vì vậy, Ban đề tài đã lựa chọn vấn đề này là nội dung nghiên cứu xuyên suốt của đề tài: “Nâng cao hiệu quả công tác đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương”.
 
Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài có kết cấu , phạm vi nghiên cứu phù hợp dựa trên kết quả kiểm toán 3 năm gần đây của KTNN khu vực VI. Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về kiểm tra, đối chiếu thuế về khái niệm, mục đích, vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng. Đồng thời, đề tài đã đưa ra thực trạng công tác đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương.
 
Đề tài đã phân tích thực trạng về cơ sở pháp lý và các hướng dẫn kiểm toán về kiểm tra, đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương hiện nay tại KTNN; sự phối hợp và mối quan hệ giữa các cơ quan chính quyền địa phương và KTNN… Đặc biệt là thực trạng công tác kiểm tra, đối chiếu trong kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN khu vực VI. Từ việc phân tích thực trạng công tác kiểm tra đối chiếu thuế tại KTNN Khu vực VI, đề tài đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương.
 
Một trong số các giải pháp có giá trị thực tiễn cao đó là xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp đưa vào diện đối chiếu và giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp để làm căn cứ lựa chọn đối chiếu thuế.
 
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao những đóng góp của đề tài, bên cạnh đó Hội đồng cũng góp ý để đề tài hoàn thiện và có giá trị cao hơn. Đề tài cần làm rõ mục tiêu nhằm xác nhận, đánh giá việc chấp hành pháp luật về thuế và nâng cao hiệu quả đối chiếu thuế. Trong đó, cần trình bày về trách nhiệm kiểm toán thuế của Cơ quan Kiểm toán tối cao - Tuyên bố Lima. Đồng thời, cần bổ sung đánh giá của cơ quan quản lý thu, các đánh giá này là trọng tâm của việc kiểm tra, đối chiếu trong kiểm toán ngân sách địa phương. Việc đánh giá công tác phối hợp với cơ quan quản lý thu, cụ thể ở đây là cơ quan thuế còn chưa đánh giá một cách rõ ràng, sắc nét, qua đó chỉ ra những bất cập trong chính sách thuế. Có thể đi sâu và phân tích hạn chế việc truy cập phần mềm quản lý thuế để thu thập thông tin về người nộp thuế, việc cung cấp tài liệu của cơ quan thuế và của đơn vị thuộc diện đối chiếu… Hoặc là đi vào phân tích các kiến nghị chưa được cơ quan thuế thực hiện mà hiện nay chưa có chế tài xử phạt; cách thức tổ chức kiểm toán còn khác nhau giữa các KTNN khu vực, KTNN chuyên ngành (việc thực hiện kiểm tra, đối chiếu còn được thực hiện tại cơ quan thuế và có thể thực hiện tại đơn vị đối chiếu); quy định về số lượng mẫu chọn kiểm tra đối chiếu…
 
Kết luận buổi nghiệm thu, TS. Lê Đình Thăng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Để hoàn thiện, Ban chủ nhiệm đề tài cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, đồng thời đề tài cần hoàn thiện các nội dung sau: Làm rõ và phân tích việc kiểm tra đối chiếu thuế là hoạt động của kiểm toán đối với bên thứ 3 (dựa trên Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mexico, Luật KTNN); cơ sở pháp lý của việc kiểm tra, đối chiếu thuế (nghiệp vụ kiểm toán đối với bên thứ 3); lược bớt phần phối hợp, cần đi sâu vào phân tích thực trạng hiện nay đang vướng mắc những gì. Trong Chương 2, cần bổ sung việc hoàn thiện căn cứ pháp lý cho việc kiểm tra, đối chiếu (trước mắt và lâu hạn). Bổ sung giải pháp cần hướng dẫn, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đối chiếu thuế cho KTV (cách thức lựa chọn đơn vị đối chiếu) và hoàn thiện mẫu biểu hồ sơ kiểm toán…
 
Kết quả đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.
 
D.Thúy

Xem thêm »