(kiemtoannn.gov.vn)
- Sáng 19/10/2017, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN)-111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc dự và khai mạc Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng và Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán Lê Đình Thăng đồng chủ trì Hội thảo.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc khai mạc Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Nguyên Môi trường, Sở tài Nguyên môi trường Hà Nội...Đại diện một số hội nghề nghiệp và trường đại học. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và tham dự đông đảo của các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá, bên cạnh Hợp đồng BOT, hình thức Hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa, hoặc những diện tích đất
rộng lớn của địa phương. Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án, hoặc có nhưng chậm; Công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý.
Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, so với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, kết quả kiểm toán các dự án BT thời gian qua cho thấy có một số mặt mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội. KTNN đã đưa ra những kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý nhằm quản lý tốt hơn, tạo sự công khai minh bạch từ khâu lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư đến thực hiện đấu thầu nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ thực lực thực hiện dự án. Tuy nhiên, KTNN vẫn cần nhiều cố gắng hơn trong việc thực hiện kiểm toán các dự án BT nhằm cung cấp thông tin tin cậy, kịp thời cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước và nhân dân nhằm quả lý và phát huy … hiệu quả đầu tư BT.
Mặt khác, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc thực hiện hình thức đầu tư BT cũng còn có những bất cập cần được xem xét, để có thể hoàn thiện cơ chế đầu tư từ việc lập dự án, lựa chọn nhà thầu, giám sát thực hiện quyết toán công trình đến cơ chế thu hút nhà đầu tư thông qua cơ chế tài chính phương án tài chính…
Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, Hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” được tổ chức nhằm phân tích, trao đổi quan điểm và làm rõ bản chất của các dự án BT hiện nay và cơ sở pháp lý kiểm toán các dự án BT của KTNN; đánh giá thực trạng các dự án BT; thực trạng công tác kiểm toán dự án BT của KTNN và đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả các dự án BT.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã nghe các chuyên gia đến từ Tổ chức Oxfam Việt Nam; Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; các chuyên gia của KTNN từ Vụ Tổng hợp; KTNN Chuyên ngành II, KTNN Chuyên ngành V, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán trình bày các bài tham luận tập trung vào các nội dung: Cơ sở khoa học và sự cần thiết của việc thực hiện các hợp đồng BT tại Việt Nam; Cơ chế đầu tư theo hình thức BT;Căn cứ pháp lý tiến hành kiểm toán các dự án BT; Đánh giá thực trạng triển khai các dự án BT trong những năm gần đây, những hạn chế, bất cập, và nguyên nhân trong quản lý, giám sát và triển khai thực hiện hợp đồng BT từ góc nhìn pháp luật, chính sách và từ góc nhìn quản lý tổ chức thực hiện. Phân tích hiệu quả và những vấn đề đặt ra trong việc quản lý dự án BTthông qua kết quả kiểm toán; đánh giá thực trạng công tác tổ chức kiểm toán các dự án BT của KTNN thời gian qua, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; Đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm quản lý dự án BT một cách hiệu quả đồng thời đề xuất giải pháp đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm toán các dự án BT để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác kiểm toán các dự án BT của KTNN đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.
Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến tập trung vào phân tích về đất đai và nguồn lực tài chính từ đất đai; Các nội dung liên quan tới cơ chế đổi đất lấy hạ tầng các dự án đầu tư theo hợp đồng BT: Thực trạng khuôn khổ pháp lý và đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho hình thức Hợp đồng BT; Những tiêu cực dễ phát sinh: Lợi ích nhóm, tham nhũng; Yêu cầu công khai, minh bạch đối với phương thức BT ít nhất trong 2 công đoạn: Giao dự án và giao đất; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các dự án BT…
Ngoài các bài tham luận tại Hội trường, Hội thảo cũng cũng cấp các bài tham luận phong phú được đăng trong kỷ yếu, phân tích về các nội dung của Hội thảo.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng kết luận Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng cho rằng qua các bài tham luận và các nội dung trao đổi tại Hội thảo, Hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện từ lý luận cũng như thực tế của vấn đề, với 3 nội dung chính nổi bật: Khẳng định tầm quan trọng của các dự án BT. Làm rõ những ưu, nhược điểm của các dự án BT trong thực tiễn thời gian qua; Khẳng định vai trò của KTNN trong việc kiểm toán các dự án BT; Đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả các dự án BT.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN và Lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu tối đa để KTNN có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó./.
Ngọc Bích