Kiểm toán nhà nước khu vực VI: Dấu ấn 10 năm chặng đường hình thành và phát triển

17/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tròn 10 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN), sự phối hợp và giúp đỡ có hiệu quả của các đơn vị trong Ngành, các địa phương trên địa bàn; cùng với sự nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, đồng sức đồng lòng của toàn thể đảng viên, công chức và người lao động đơn vị, KTNN khu vực VI đã có bước trưởng thành nhanh chóng. Những thành tích đạt được đóng góp tích cực vào quá trình phát triển và nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan KTNN trong Hệ thống tổ chức bộ máy của nhà nước Việt Nam.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động Kiểm toán nhà nước khu vực VI

 
Những bước phát triển căn bản và quan trọng
 
Với sứ mệnh giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của một số tỉnh phía Bắc, KTNN khu vực VI đã được thành lập ngày 26/10/2007, đặt trụ sở tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Những năm đầu thành lập, Tổng Kiểm toán nhà nước giao cho KTNN khu vực VI nhiệm vụ kiểm toán tại 7 tỉnh/thành, đến nay đơn vị thực hiện kiểm toán tại 5 tỉnh/thành, gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
 
Nhìn lại quá trình từ khi thành lập đến nay, qua một thập kỷ, có thể thấy rõ những nỗ lực không ngừng, từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên của KTNN khu vực VI. Đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, chất lượng kiểm toán ngày càng tốt hơn, tạo uy tín với các địa phương và đơn vị được kiểm toán, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn Ngành.
 
Từ chỗ thiếu thốn cả về nhân lực, cơ sở vật chất, đến nay, cơ cấu tổ chức của đơn vị đã được hoàn thiện với 6 phòng trực thuộc và 77 công chức, người lao động. Đáng chú ý, trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức sau 10 năm rèn luyện ngày càng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ lãnh đạo đơn vị có bản lĩnh chính trị, năng lực quản lý, điều hành, trưởng thành từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, không chỉ đảm nhận tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm được Tổng Kiểm toán nhà nước giao mà còn tăng cường nhân lực lãnh đạo cho các đơn vị trong và ngoài Ngành.
 
Song song với sự phát triển của tổ chức bộ máy, các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh của KTNN khu vực VI cũng dần được thành lập, từng bước phát triển, hoạt động nề nếp, phát huy hiệu quả, đồng bộ của hệ thống chính trị cơ sở. Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, công tác thi đua khen thưởng luôn được cấp ủy và lãnh đạo đơn vị xác định là nhiệm vụ thường xuyên, hàng đầu; đồng thời là nền tảng, là cơ sở trong việc động viên, khuyến khích công chức, người lao động tại đơn vị hăng say học tập, hăng hái thi đua, thể hiện lòng yêu ngành, yêu nghề, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
 
 Đoàn cán bộ của KTNN khu vực VI dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hạ Long nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)
 
Đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, bố trí hài hòa giữa nhiệm vụ chuyên môn với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; gắn lý thuyết với thực tiễn, kết hợp đào tạo tại đơn vị với đào tạo tập trung của Ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, KTV thi tuyển và tham dự các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn theo nguyện vọng. 
 
Những năm gần đây, KTNN khu vực VI đã chú trọng đào tạo kỹ năng thực tiễn, tăng cường trao đổi, tọa đàm, mời những Kiểm toán viên có kinh nghiệm ở trung ương chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn các cuộc kiểm toán chuyên đề, những nội dung kiểm toán mới như: Chuyên đề quản lý và sử dụng đất đai khu đô thị; Kiểm toán hoạt động; Sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán... Với những giải pháp đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị thời gian qua đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của Ngành, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán trong hiện tại, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực trung hạn, dài hạn theo chiến lược phát triển của KTNN. 
 
Ngoài ra, công tác xây dựng cơ sở vật chất của đơn vị cũng được Ngành quan tâm đầu tư, sau nhiều năm phải đi thuê trụ sở làm việc, đến cuối năm 2014, KTNN khu vực VI đã có trụ sở mới. Phương tiện làm việc cho công chức, Kiểm toán viên cũng dần được trang bị khá đầy đủ. 
 
Có thể nói rằng, với việc thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN, cùng với những nỗ lực hết mình của từng công chức, người lao động trong đơn vị là cơ sở quan trọng để KTNN khu vực VI phát huy thế mạnh, đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 10 năm qua, đơn vị đã thực hiện và hoàn thành 65 cuộc kiểm toán trong các lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương, dự án đầu tư, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán Báo cáo tài chính của DN, kiểm toán hoạt động. 
 
Điểm đáng ghi nhận là từ chỗ chỉ thực hiện 4-5 cuộc kiểm toán/năm trong giai đoạn 2008-2012, đơn vị đã từng bước nâng quy mô bình quân lên 8-9 cuộc kiểm toán/năm trong giai đoạn 2012-2017. Đặc biệt, những năm gần đây, được sự tin tưởng của các địa phương, KTNN khu vực VI đã thực hiện 10 cuộc kiểm toán dự án đầu tư là các công trình trọng điểm trên địa bàn theo đề nghị của địa phương, trong đó có 2 dự án BOT với quy mô đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng…
 
Để đạt được những kết quả trên, KTNN khu vực VI đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán. Trong đó phải kể tới một số giải pháp căn bản: Cải tiến trong cách tiếp cận và phương pháp kiểm toán như tăng cường sử dụng chuyên gia, kiểm định chất lượng, củng cố bằng chứng kiểm toán để gia tăng giá trị kiểm toán; chú trọng chất lượng của Hội đồng thẩm định cấp vụ đối với kế hoạch và báo cáo kiểm toán trước khi trình Lãnh đạo KTNN; thường xuyên đúc rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc kiểm toán, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để cùng tìm giải pháp khắc phục; chú trọng xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm cụ thể hoá các chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN; quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán tổng quát của từng cuộc kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán ở tất cả các cấp; phối hợp chặt chẽ với các địa phương.
 
Tổng hợp kết quả kiểm toán qua 10 năm với 65 cuộc kiểm toán, KTNN khu vực VI đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 8.283 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 2.377 tỷ đồng và các kiến nghị xử lý khác 5.906 tỷ đồng.
 
Kết quả kiểm toán được ghi nhận qua 10 xây dựng và phát triển của KTNN khu vực VI không chỉ dừng lại ở con số tăng thu, tiết kiệm chi cho NSNN, mà hơn nữa là giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, kế toán vào nề nếp, góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công. Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, thu hồi một số văn bản quản lý điều hành thu, chi ngân sách nhà nước do các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương ban hành chưa phù hợp với các luật, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương; kiến nghị các đơn vị được kiểm toán khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; kiến nghị hoàn thiện hệ thống kiếm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nâng cao tính minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
Trưởng thành để vững mạnh
 
Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán NSĐP năm 2016 tại tỉnh Bắc Giang
 
Để trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. KTNN khu vực VI xác định 8 nhóm định hướng và các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, với nhiều nội dung quan trọng.
 
Một là, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ công chức, Kiểm toán viên đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, Kiểm toán viên; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng.
 
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán gắn với cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán, thực hiện tốt việc lập kế hoạch và triển khai kiểm toán theo phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tập trung kiểm toán các lĩnh vực được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, dư luận xã hội quan tâm và mục tiêu, định hướng kiểm toán hằng năm của Ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; cải tiến phương thức tổ chức các cuộc kiểm toán.
 
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, đặc biệt trong hoạt động kiểm toán; phân định rõ trách nhiệm của từng công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm soát hoạt động kiểm toán.
 
Bốn là, tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động; xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
 
Năm là, tiếp tục xây dựng, củng cố mối quan hệ với các đơn vị trong Ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn phụ trách.
 
Sáu là, quan tâm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, kiểm toán viên; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và tập huấn kỹ năng kiểm toán.
 
Bẩy là, tiếp tục chỉ đạo đổi mới hoạt động của các tổ chức đoàn thể theo hướng gắn với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chức năng nhiệm vụ của mỗi tổ chức; triển khai các phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị, nhân rộng điển hình tiên tiến.
 
Tám là, trang bị đầy đủ phương tiện, vật chất, điều kiện làm việc để Kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, xây dựng cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán trên địa bàn, cập nhật kết quả kiểm toán và áp dụng phần mềm vào hoạt động kiểm toán.
 
Một thập kỷ để nhìn lại, với nhiều khó khăn, thử thách của chặng đường đầu, nhưng với tinh thần trách nhiệm của những người đặt nền móng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, tập thể lãnh đạo cùng toàn thể công chức, Kiểm toán viên, người lao động của KTNN khu vực VI đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, khẳng định được vị thế, vai trò của KTNN khu vực VI trong ngôi nhà chung KTNN cũng như trọn vẹn niềm tin yêu của người dân địa phương nơi KTNN khu vực VI đóng trụ sở và các địa bàn mà đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán./.
 
 Thành tích thi đua khen thưởng của KTNN khu vực VI
 
 
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) trao Huân chương Lao động hạng Ba cho KTNN khu vực VI tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập đơn vị
 
- Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012)
- Thủ tướng Chính phủ 2 lần tặng Bằng khen (năm 2011, 2017)
- Tổng Kiểm toán Nhà nước tặng Cờ Thi đua (năm 2010) và 5 Bằng khen  
- 1 tập thể cấp Phòng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- 6 tập thể cấp Phòng được Tổng Kiểm toán Nhà nước tặng Bằng khen.
- 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba; 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
 
Lê Quân

Xem thêm »