(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 16/10/2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (giai đoạn 2002 - 2017). Đồng chủ trì, có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Lê Minh Hưng, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, TP tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, đại diện lãnh đạo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII dự Hội nghị.
Theo báo cáo do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bày, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội, đã phối hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội,...
Hoạt động tín dụng của NHCSXH đang được mở rộng và không ngừng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội. Thời điểm năm 2003, mới thực hiện 3 chương trình cho vay là: Hộ nghèo, học sinh và sinh viên và giải quyết việc làm, nhưng đến nay đã cho vay tới hơn 20 chương trình tín dụng, nhằm đến các mục tiêu chính sách xã hội khác nhau, rất chặt chẽ và cụ thể. Các chương trình và dự án đều hướng tới giảm nghèo bền vững, cải thiện điều kiện sống, nâng cao mức sống.
Tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam đạt 179.120 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với mới thành lập. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 169 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,2%, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Đã có hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,… Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).
Toàn cảnh hội nghị
Trong năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020, Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam chủ trương tiếp bám sát Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm, được Thủ tướng Chính phủ giao, để chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững.
Được biết, Chính phủ và Hội đồng quản trị NHCS XH chủ trương bố trí vốn tín dụng chính sách tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo, cho vay khắc phục thiên tai, cho vay các chương trình tín dụng mới...
Để thực hiện mục tiêu trên, đại diện NHCSXH cho biết, NH sẽ đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian tới Hệ thống NHCS XH tiếp tục hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng tới công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Thực hiện chương trình kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và phúc tra tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố theo kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát từ xa hoạt động tại NHCSXH cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động của NHCSXH, phù hợp với chiến lược phát triển. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn... góp phần vào sự thành công chung của hệ thống NHCSXH Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung lực giảm nghèo bền vững. Hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, qua hoạt động của NHCSXH, đã khắc phục hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến tự tin, có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều việc phải làm bởi nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa thành công. Đến nay, cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo. Thủ tướng đề nghị cán bộ, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn. NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững; tiếp tục chú trọng và củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách./.
Lê Quân